Khoảng cách ngày càng chênh lệch
Tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam dần được cải thiện với tốc độ khá nhanh. Cụ thể, trong giai đoạn 2012 – 2017, năng suất lao động bình quân của toàn nền kinh tế tăng trưởng bình quân 5,3%/năm, cao nhất vào năm 2015 với tốc độ 6,49%.
Tuy nhiên, con số này vẫn còn nhiều cách biệt so với các nước trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á và đặc biệt là rất thấp so với Trung Quốc. Theo đó, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2017 là 4,7%, trong khi con số này của Trung Quốc là 9,07%.
Theo số liệu thống kê, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành ước đạt 92,1 triệu đồng, tương đương khoảng 4.100 USD/lao động, tăng 5,9% so với năm 2016, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,5% giai đoạn 2011 – 2016 và cao hơn nhiều so với mức tăng 3,45%/năm giai đoạn 2006 – 2010. Nhưng so với không ít quốc gia khác, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn.
Chẳng hạn, tính theo năng suất lao động theo sức mua tương đương (PPP) năm 2011 (PPP 2011), năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7,0% mức năng suất của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% Thái Lan; 42,3% Indonesia và bằng 56,7% năng suất lao động của Philippines.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, vấn đề đáng lưu ý là chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng, cho thấy khoảng cách và thách thức nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong việc bắt kịp mức năng suất lao động của các quốc gia láng giềng.
Thực tế, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị tụt lại phía sau khi tốc độ tăng năng suất lao động bình quân khoảng 4,7% giai đoạn 2011 – 2017, thấp hơn tốc độ tăng bình quân của GDP khoảng 6,21% cùng thời kỳ, và cũng thấp hơn tốc độ tăng lương thực tế bình quân khoảng 12,59%/năm.
Cải thiện chất lượng đào tạo
Đâu là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng năng suất lao động? Liên quan đến vấn đề này, Phó GS. TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết, yếu tố tăng năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tăng trưởng năng suất lao động bình quân của Việt Nam.
Theo đó, nếu như giai đoạn 2006 – 2012, TFP đóng góp vào tăng trưởng năng suất lao động bình quân của Việt Nam với tỷ lệ bình quân 37,05%/năm thì con số này đã tăng lên 58,59%/năm trong giai đoạn 2012 – 2017.
Vì vậy, theo ông Thành, để tăng năng suất lao động, cần tiếp tục tạo điều kiện tích cực để thúc đẩy tăng trưởng TFP, có chính sách đào tạo và nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động, chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất lao động trong các ngành nghề. Đồng thời, đầu tư thêm vào việc nghiên cứu cải tiến công nghệ và mua công nghệ từ nước ngoài trong trường hợp cần thiết.
Bên cạnh đó, năng suất lao động của Việt Nam đang cải thiện qua các năm, tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017, nhưng có sự không đồng đều giữa các ngành. Cụ thể, ngành công nghiệp chế tạo và nông nghiệp là nhóm ngành có mức năng suất lao động thấp nhất toàn nền kinh tế. Trong khi ở các ngành khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí, hoạt động tài chính ngân hàng… năng suất lao động đang dần được cải thiện.
Bởi vậy, cùng với thúc đẩy tăng trưởng TFP, cần chú ý dịch chuyển cơ cấu lao động theo cơ cấu ngành phù hợp, thúc đẩy tăng trưởng năng suất lao động nhiều hơn so với hiệu ứng nội ngành.
Trong bối cảnh này, ông Ngô Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, với những nước đang trong giai đoạn đầu quá trình công nghiệp hóa như Việt Nam, giải pháp nhanh chóng và hiệu quả nhất để tăng nhanh năng suất lao động là thu hút FDI vào các hoạt động dịch vụ, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp có giá trị cao hơn. Đồng thời, kết nối những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước với các tập đoàn đa quốc gia thông qua trao đổi thông tin, cải tiến kỹ năng và chuyển giao công nghệ.
Thẳng thắn nhìn vào thực trạng, TS. Lê Văn Hùng, Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, chất lượng lao động của Việt Nam đang có vấn đề, đặc biệt là lao động ở khu vực FDI, khi hầu hết các doanh nghiệp phải đào tạo lại lao động bởi nội dung, chương trình học ở các trường nghề chưa đáp ứng được đòi hỏi về năng lực. Bên cạnh đó, tác phong kỷ luật của người lao động chưa tốt do chủ yếu lao động chuyển từ khu vực phi chính thức hoặc khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ. Tác phong công nghiệp chưa cao nên cần có thời gian đào tạo.
Đáng lưu ý, Việt Nam càng hội nhập mạnh mẽ với nền kinh tế toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do, dòng vốn FDI chảy vào nhiều hơn, thì vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo để tăng chất lượng lao động càng cần được chú trọng.
“Không quốc gia nào có trình độ lao động thấp mà năng suất lao động cao. Nếu muốn tham gia vào thị trường lao động toàn cầu, trở thành nước có thu nhập cao hơn, không thể tách rời mối quan hệ giữa năng suất lao động và trình độ chuyên môn”, ông Hùng nhấn mạnh.
Vậy giải pháp tăng chất lượng lao động là gì? Ông Hùng cho rằng, cần tập trung đào tạo lao động theo các ngành cụ thể, ngành kinh tế được xác định mũi nhọn có lợi thế về năng lực cạnh tranh ở các vùng miền.
Con người – đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng
Các quốc gia phát triển trên thế giới đặc biệt chú trọng đến yếu tố con người, nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi đây được xem là đòn bẩy thúc đẩy sản xuất của doanh nghiệp và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đến từ Singapore, TS. Konstatin Matties, chuyên gia kinh tế vĩ mô, Giám đốc đối ngoại của AlphaBeta cho hay, bên cạnh các yếu tố về vốn tài chính, sản phẩm, cộng đồng thì vốn con người đóng vai trò rất quan trọng giúp các doanh nghiệp nói riêng và quốc gia nói chung nâng cao chất lượng tăng trưởng. Vốn con người ở đây là lực lượng nhân tài chất lượng cao và tiếp cận nhân tài hàng đầu của nước ngoài.
Theo một thống kê của AlphaBeta, trong cuộc đua dành vị trí dẫn đầu trong sử dụng vốn con người, các vị trí liên tục thay đổi nhưng có một điểm đáng lưu ý, trong bảng xếp hạng 11 quốc gia và vùng lãnh thổ thì Việt Nam đứng thứ 11. Điều này phản ánh, Việt Nam chưa tận dụng hiệu quả nguồn nhân lực của mình.
Thực tế tại doanh nghiệp, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloite Việt Nam cũng nhìn nhận rằng, trong sản xuất, yếu tố con người là điều kiện đầu tiên ảnh hưởng đến năng suất lao động và tăng trưởng chất lượng. Do đó, các doanh nghiệp cần tiếp cận từ yếu tố con người bởi tiềm năng để tăng năng suất lao động rất cao nhưng phải được khai phá bởi người lãnh đạo. Bà Thanh cũng chỉ ra các yếu tố thúc đẩy năng suất như đưa ra chính sách tiền lương, thưởng hợp lý, tối ưu hóa chi phí đào tạo, kích thích sự sáng tạo trong người lao động…
Hiện tại, thiếu hụt nhân tài là điều đáng lo ngại ở hầu hết các doanh nghiệp trên toàn cầu. Ông Simon Matthews, Tổng giám đốc Manpower Group tại Việt Nam, Thái Lan và Trung Đông nhấn mạnh, có thể xảy ra tình trạng thiếu hụt nhân tài trong kỷ nguyên số khi hiện nay, 40% nhà tuyển dụng toàn cầu gặp tình trạng thiếu hụt nhân tài. Đây là con số thống kê năm 2016 và dự báo còn có thể tăng lên trong thời gian tới bởi các lý do như thiếu ứng viên phù hợp, thiếu các kỹ năng cứng, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm, thiếu kinh nghiệm…
“Việc không chủ động nâng cao chất lượng và trình độ lao động sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến chất lượng của tăng trưởng trong nội tại doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung”, ông Simon cho hay.
Dù vậy, trong bức tranh tương lai lao động Việt Nam mà World Bank phác thảo, tổ chức này khá lạc quan khi đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng khởi sắc bởi chất lượng lao động, trình độ và năng suất lao động có những thay đổi và cải thiện, thích ứng với cuộc cách mạng 4.0, qua đó góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng chung của nền kinh tế.