Đáng chú ý hơn vào ngày 28-7 vừa qua, khi chưa có thông báo chính thức nào từ phía cơ quan quản lý thị trường, thì Con Cưng đã ra thông báo sẽ trao thưởng 1 tỷ đồng cho khách hàng đầu tiên phát hiện chuỗi siêu thị này nhập hàng không chính hãng.
Giải thưởng được đưa ra để khẳng định cho thông điệp chuỗi siêu thị Con Cưng có đầy đủ chứng từ, hóa đơn nhập khẩu hàng chính hãng của mọi thương hiệu. Thế nhưng, thay vì hào hứng người tiêu dùng lại đang tỏ ra hoài nghi với giải thưởng này của Con Cưng. Thậm chí đại diện Cục quản lý thị trường cũng yêu cầu phía DN lý giải mục đích của việc trao thưởng 1 tỷ đồng. Dù DN từ chối bình luận, song liệu có phải Con Cưng đưa ra lời thách thức với người tiêu dùng và với chính cơ quan chức năng đang thanh kiểm tra.
Câu trả lời vẫn đang bị bỏ ngỏ, thì mới đây nhất vào ngày 31-7, Cục quản lý thị trường đã chỉ ra 7 vi phạm của Con Cưng. Theo đó, DN này kinh doanh hàng hóa nhập khẩu nhưng tại thời điểm kiểm tra không xuất trình được hóa đơn chứng từ theo quy định; kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi sản xuất trong nước “Made in Viet Nam”, nhưng ngôn ngữ trình bày về xuất xứ hàng hóa không phải bằng tiếng Việt, không rõ địa chỉ nơi sản xuất, có dấu hiệu về gian lận nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, CTCP Con Cưng kinh doanh hàng hóa mà sử dụng nhãn giấy mang nội dung khác đè lên nhãn gốc in trên sản phẩm, có dấu hiệu gian lận về nguồn gốc xuất xứ đối với sản phẩm kem massage bụng TiTiONE.
Bên cạnh đó, Con Cưng còn kinh doanh hàng hóa là túi nilon ghi sử dụng công nghệ Đức, nhưng không ghi xuất xứ của hàng hóa, không có nội dung thể hiện hợp chuẩn bao bì. Đối với sản phẩm mỹ phẩm của chuỗi siêu thị này, trên nhãn không thể hiện số công bố lưu hành, có dấu hiệu là kinh doanh hàng hóa chưa được phép lưu hành theo quy định…
Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường khẳng định: “Với 7 vi phạm này, Con Cưng sai rồi, đủ để DN bị xử lý. Phía cơ quan chức năng sẽ tiếp tục xác minh, làm rõ các vi phạm”.
Có thể thấy, với tốc độ phát triển nhanh chóng của chuỗi siêu thị Con Cưng trong vài năm trở lại đây, nhiều người đã tin tưởng vào một chuỗi siêu thị Việt có khả năng đấu lại các thương hiệu ngoại trong mảng kinh doanh sản phẩm cho mẹ và bé. Thậm chí Con Cưng còn có kế hoạch sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2020.
Thế nhưng, với những kết luận ban đầu của cơ quan chức năng và nhất là sau “thách thức 1 tỷ đồng”, chưa biết chuỗi Con Cưng sẽ đi về đâu. Nhiều người cho rằng cách xử lý khủng hoảng lần này của Con Cưng dường như đã đi sai đường, khiến DN lún sâu hơn vào khủng hoảng, mất thêm niềm tin của người tiêu dùng.
Câu chuyện Con Cưng hay trước đó là Khaisilk, cũng là lúc bàn đến vai trò thanh kiểm tra của cơ quan quản lý nhiều hơn. Bởi trong cả hai vụ việc này người phát hiện sai phạm đều là người tiêu dùng, chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước. Vẫn biết các cơ quan nhà nước như Cục quản lý thị trường cũng như Chi cục quản lý thị trường các tỉnh/thành mỗi ngày phải xử lý một khối lượng công việc không nhỏ. Nhưng với những chuỗi, những thương hiệu lớn vẫn cần phải siết chặt thanh kiểm tra hơn. Vì đó chính là đại diện cho các thương hiệu Việt, cho niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam.