Tại Hội nghị Vietnam CEO Summit 2018 với chủ đề “Kỷ nguyên kinh tế trí tuệ nhân tạo và DN Việt Nam” ngày 25/7, các chuyên gia nhấn mạnh kinh tế số hóa và kinh tế tri thức trên nền tảng của CMCN 4.0 đang diễn ra một cách sôi nổi và đang tái cấu trúc lại toàn bộ nền kinh tế toàn cầu: thay đổi lao động bằng tự động hóa, thay vốn bằng tri thức và dữ liệu…
Những làn sóng thay đổi này đang lan tỏa rất nhanh và bắt đầu tạo áp lực lên nền kinh tế vốn chưa phát triển bền vững của Việt Nam.
Chỉ 13,6% DN đầu tư vào AI
Hơn nữa, đa phần DN hiện vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng cho CMCN 4.0. Trong báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) mang tên “Sự sẵn sàng cho nền sản xuất tương lai”, Việt Nam bị xếp vào nhóm các nước chưa có sự sẵn sàng cho cuộc cách mạng này.
Đề cập đến việc các DN lớn Việt Nam đang ứng phó thế nào với kỷ nguyên số, công nghệ AI và CMCN 4.0, một khảo sát nhanh của CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cho biết, có 62,5% tổng số DN đang thực hiện thay đổi từng bước từ công nghệ này sang công nghệ khác.
Riêng về việc nghiên cứu áp dụng các ứng dụng AI, các DN lớn của Việt Nam đều mong đợi AI sẽ giúp giảm thiểu chi phí vận hành; tăng năng suất và tạo ra những sản phẩm/dịch vụ được cá nhân hóa và có chất lượng cao hơn. Tuy vậy, mới chỉ có 13,6% DN tham gia khảo sát cho biết là đã đầu tư vào AI trong một số hoạt động.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Viện Michael Dukakis về lãnh đạo và sáng tạo, cho biết những khó khăn đang kìm hãm sự phát triển kinh tế AI của Việt Nam, đó là thiếu chuyên gia hàng đầu về AI, thiếu nhà hoạch định chiến lược kinh tế AI và môi trường kinh doanh thực sự chưa tốt.
Hơn nữa, DN nhà nước nắm phần nhiều nguồn lực quốc gia nhưng hiệu quả thấp, chỉ có một số DN thành công, trong khi rất nhiều DN kém hiệu quả.
“Chúng tôi biết rằng những khó khăn này không dễ giải quyết nhưng nếu Việt Nam có khát vọng trở thành nước tiên tiến về AI thì phải nỗ lực hơn nữa. Bởi con đường đi đến vinh quang chưa bao giờ dễ dàng”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Lấy ví dụ từ lĩnh vực ngân hàng-bảo hiểm ở Việt Nam, Ts. Nguyễn Đức Khương, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho hay: Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nếu tính trên số lượng khách hàng, các ngân hàng ở Việt Nam hiện có khoảng 66,6 triệu tài khoản thanh toán, nếu sai số ở mức 10% thì cũng có đến 60 triệu cá nhân có tài khoản ngân hàng. Còn đối với các DN bảo hiểm, có hơn 13 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Như vậy, các DN ngân hàng, bảo hiểm ở Việt Nam có một cơ sở dữ liệu rất lớn về khách hàng và đây là một điều kiện thuận lợi để triển khai AI.
Thực tế, một số DN đã thấy được tầm quan trọng của AI và ứng dụng AI vào dịch vụ khách hàng, marketing…, nhưng những ứng dụng như vậy là rất cơ bản và không khai thác được hết sức mạnh của AI.
Phải có chiến lược đột phá
Ông Khương đánh giá hầu hết DN đều có dữ liệu của rất nhiều khách hàng nhưng thông tin ít được phân loại, số hóa và đưa vào các phân tích. Một số ứng dụng của AI trong ngân hàng-bảo hiểm như xét duyệt mở tài khoản/hợp đồng tự động, phát hiện gian lận như khiếu nại bồi thường trong bảo hiểm, tính toán giá trị của khách hàng, định giá phí, đề xuất sản phẩm dịch vụ theo hướng cá nhân hóa… vẫn chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để triển khai.
Trong khi đó, DN ngân hàng-bảo hiểm có lượng khách hàng lớn, việc đầu tư triển khai ứng dụng AI càng sớm sẽ càng tăng lợi thế cạnh tranh qua việc giảm chi phí và tăng doanh thu. Đây cũng là điều kiện sống còn trong xu hướng cạnh tranh với các mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực dịch vụ tài chính không chỉ đến từ trong nước mà còn thế giới.
Vì vậy, theo Ts. Nguyễn Đức Khương, một chiến lược trung, dài hạn cho việc ứng dụng AI là cần thiết. Theo đó, DN cần tổ chức lại cơ sở dữ liệu hiện có, thu nhập thêm thông tin nhưng phải theo các quy định pháp lý liên quan về quyền riêng tư, từ đó tổ chức phân loại thông tin, tạo một cơ sở dữ liệu tốt nhất.
Để áp dụng AI thành công, ngoài dữ liệu, máy tính, thuật toán cần phải có tầm nhìn trung, dài hạn của lãnh đạo DN về AI và kinh tế số hóa cũng như hiệu quả quản lý trong quá trình triển khai thực hiện các ứng dụng của AI.
Trong bối cảnh là nước đang “tụt hậu” về AI, để đạt được mục tiêu trên, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần có chiến lược đột phá đặc biệt, khác biệt thì mới có thể vượt lên đi cùng các nước văn minh, tiên tiến trong kinh tế AI.
Gs. Jasson Furman, Đại học Harvard, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ Obama, cho rằng nếu cơ quan quản lý vẫn còn xảy ra tình trạng quan liêu, thủ tục hành chính phiền hà gây khó khăn cho DN chắc chắn sẽ là vật cản khi DN ứng dụng AI. Vì vậy, cách tốt nhất là môi trường kinh doanh phải thực sự cởi mở, thông thoáng.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Lê Quang Mạnh, thời gian tới, Chính phủ có hai việc phải làm: Bảo vệ lợi ích và khuyến khích cộng đồng DN theo đuổi giấc mơ ứng dụng AI và xây dựng Chính phủ điện tử hay Chính phủ AI. Nếu Chính phủ làm thành công sẽ là gương tốt để cộng đồng DN lấy đó làm cảm hứng.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, CMCN 4.0 với cốt lõi là AI sẽ mang tới cơ hội hết sức quan trọng với đất nước nhưng nếu không nắm bắt nhanh, Việt Nam sẽ tụt hậu so với quốc tế. Do vậy, Chính phủ và các cấp lãnh đạo đang cố gắng nỗ lực để tạo ra môi trường tốt nhất cho công nghệ sáng tạo phát triển.
“Tuy nhiên, “người chơi” chính để phát triển AI phải là cộng đồng DN – lực lượng có thể sáng tạo nhiều nhất. Hy vọng cộng đồng DN nhanh chóng nắm bắt thời cơ này, đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình để trở thành quốc gia phát triển”, ông Mạnh chia sẻ.