Việt Nam: Nhiều tiềm năng gắn với vị thế nổi bật
Ông Fabrice Carrasco, Tổng giám đốc Kantar Worldpanel đánh giá, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng GDP cao, là quốc gia đông dân trong đó dân số trẻ (độ tuổi 25 – 39) chiếm tỷ lệ lớn. Điều này rất quan trọng và là lợi thế để ngành bán lẻ thuận lợi phát triển.
Nhờ sử dụng thành thạo công nghệ, người tiêu dùng có xu hướng đặt hàng qua mạng hoặc sử dụng các ứng dụng di động để tìm kiếm và đặt mua hàng giá tốt, có khuyến mãi hoặc đang có chương trình giảm giá. Chính vì vậy, việc áp dụng công nghệ cho phân phối bán lẻ đang được các doanh nghiệp trong ngành rất quan tâm, bên cạnh vấn đề đầu tư hệ thống hậu cần, logistic mạnh, nhanh và chất lượng.
Ông Vũ Thanh Tú, Tổng giám đốc 7-Eleven tại Việt Nam chia sẻ, chưa nói đến thị trường nông thôn, chỉ riêng vấn đề mở rộng hoạt động của 7-Eleven ra Hà Nội cũng đã là vấn đề lớn, bởi doanh nghiệp tập trung vào sản phẩm tươi (sử dụng trong 24h), không thể giao hàng từ TP.HCM ra Hà Nội. Muốn làm được điều này, Công ty phải xây dựng chuỗi cung ứng hoàn toàn mới, ước chừng mất gần 2 năm nữa.
Bên cạnh các lĩnh vực tiềm năng, các nhà đầu tư ngoại cũng đánh giá cao vị thế của Việt Nam trong khu vực với những lợi thế nổi bật, khác biệt.
Theo ông Ian Gisbourne, Giám đốc Nghiên cứu khu vực ASEAN của Ngân hàng UBS, so sánh với Indonesia thì Việt Nam có chi phí sản xuất thấp hơn, có vị trí địa lý thuận lợi, gần các “công xưởng” và thị trường lớn của thế giới. Ngành du lịch Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng nhưng còn phụ thuộc vào hạ tầng, trong khi Thái Lan rất thành công với hệ thống sân bay lớn.
Thêm vào đó, so với các quốc gia trong khu vực, Việt Nam có sức hút đặc biệt với các nhà đầu tư nước ngoài bởi ngoài những ưu điểm điểm trên thì cơ cấu dân số trẻ, tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh và nhu cầu sử dụng nhiều dịch vụ hơn là những điểm cộng lớn cho Việt Nam trong mắt nhà đầu tư.
Riêng thị trường chứng khoán, mặc dù chỉ số P/E toàn thị trường hiện cao hơn trước, một phần do lợi suất trái phiếu Chính phủ thấp nên dòng tiền chuyển hướng qua đầu tư cổ phiếu, nhưng ông Ian Gisbourne cho rằng, mức định giá này vẫn chưa đắt nếu so với các nước trong khu vực.
Doanh nghiệp đầu ngành hút khách
Ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, khu vực gặp gỡ riêng nhà đầu tư nước ngoài của nhiều doanh nghiệp chật kín chỗ ngồi như DPM, PC1, FPT (FPT Retail), GMD, Tiki…, trong đó có khá nhiều quỹ đầu tư ngoại đến từ khu vực châu Á, nhất là Thái Lan và họ đặt những câu hỏi rất chi tiết. Điều này cho thấy, nhà đầu tư ngoại thực sự quan tâm tới doanh nghiệp và có sự tìm hiểu kỹ càng thông tin trước đó.
Ngược lại, các doanh nghiệp tham dự hội nghị cũng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chuyên nghiệp, cởi mở và giải đáp thẳng vào các vấn đề được nhà đầu tư thắc mắc. Do các buổi giới thiệu, trao đổi được diễn ra liên tục, mỗi doanh nghiệp chỉ có khoảng 1 giờ để vừa nêu bật được đặc thù hoạt động, vừa giải đáp câu hỏi từ nhà đầu tư, nên phần lớn thời gian được ưu tiên cho phần đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Chẳng hạn, nội dung thương mại điện tử, thanh toán online và phần thuyết trình của Tiki được nhiều nhà đầu tư quan tâm và đặt câu hỏi về sự cạnh tranh với các đối thủ trong ngành như Lazada, adayroi, mở rộng ngành hàng thực phẩm, kế hoạch sử dụng nguồn vốn mới huy động, hay tham gia lĩnh vực thanh toán online…
Đại diện Tiki đã gửi tới nhà đầu tư những thông tin về chiến lược và mô hình hoạt động, trong đó Tiki thống nhất mô hình theo chiều dọc 4 trong 1, bao gồm môi trường bán hàng được quản lý chặt chẽ, cổng thanh toán online, cơ sở dữ liệu và hệ thống F&L (logistics và chăm sóc khách hàng) là yếu tố quan trọng nhất được Công ty chú trọng nhằm đảm bảo sự trải nghiệm của khách hàng không bị gián đoạn.
Đây cũng là tiềm năng chính trong các yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp thành công. Tiki sẽ sử dụng tiềm năng này để mở rộng và nhân rộng 17 liên kết dọc khác nhanh hơn và hiệu quả hơn các đối thủ cạnh tranh. Yếu tố thứ năm chính là hệ thống mở và an toàn để có thể chấp nhận tất cả các thanh toán, nhưng Tiki sẽ không xây dựng hình thức thanh toán riêng, mà ưu tiên tập trung cho thương mại điện tử.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng “bao vây” tìm hiểu Công ty cổ phần Gemadept (GMD), một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực logistics, với nhận định Việt Nam có nhu cầu tiêu dùng lớn, nhập khẩu tăng nên cần có sự cải thiện trong khâu logistic hàng hóa, vì vậy đây là một trong những lĩnh vực tiềm năng. Nhiều câu hỏi chi tiết về vấn đề tài chính, các dự án trong tương lai như cảng mới Nam Đình Vũ, cảng nước sâu Cái Mép Gemalink, chiến lược hợp tác giữa GMD và CJ logistics được các nhà đầu tư đặt ra với đại diện Công ty.
Ông Đỗ Văn Minh, Tổng giám đốc GMD cho biết, khách hàng hiện nay của GMD chủ yếu từ khu vực châu Âu và Nhật Bản, còn khách hàng Hàn Quốc rất ít mà nhu cầu tại khu vực này lại đang rất lớn. Việc hợp tác với CJ là lợi thế đối với GMD để khai thác nhiều hơn thị trường này. Bên cạnh đó, khi hợp tác, CJ Logistics còn hỗ trợ GMD nhiều về công nghệ, kinh nghiệm quản lý vận hành hiện đại.
Hiện nay, 80% thị phần logistics Việt Nam nằm trong tay nước ngoài và có nhiều ý kiến lo ngại về việc GMD sẽ bị thâu tóm bởi nhà đầu tư ngoại trong tương lai. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, điều này không thể xảy ra, quan trọng là GMD sẽ không bán vì logistics sẽ luôn là 1 trong 2 ngành nghề kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp. GMD với kinh nghiệm am hiểu địa phương và hợp tác tốt với các đối tác lớn toàn cầu nên CJ Logistics đã tin tưởng và đồng thuận GMD sẽ tiếp tục là người trực tiếp điều hành sản xuất – kinh doanh.
“Việc hợp tác nhằm hợp lực thế mạnh của 2 bên với mục tiêu trở thành doanh nghiệp logistics lớn nhất Đông Dương và là doanh nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu cụ thể là sẽ tăng gấp đôi lợi nhuận của hoạt động logistics trong vòng 3 năm tới”, lãnh đạo GMD nói.
Về lĩnh vực khai thác cảng, tháng 2 vừa qua, GMD đã đưa vào khai thác giai đoạn 1 cảng Nam Đình Vũ với tổng vốn đầu tư 75 triệu USD. Đây là cảng thứ ba của GMD tại khu vực miền Bắc với tổng vốn đầu tư 3 giai đoạn 265 triệu USD. Giai đoạn 2, GMD dự kiến sẽ tiếp tục khởi công vào tháng 6/2018 và đưa vào khai thác từ tháng 1/2020, với mức đầu tư 75 triệu USD. Tại khu vực phía Nam, trong năm nay, GMD sẽ tái khởi động dự án cảng nước sâu Gemalink lớn nhất Việt Nam để có thể đưa cảng đi vào khai thác chậm nhất cuối năm 2019.
Trong lĩnh vực xây lắp và sản xuất công nghiệp, ông Trịnh văn Tuấn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp điện 1 (PC1) chia sẻ với các nhà đầu tư ngoại, Công ty đang từng bước thâm nhập sâu hơn vào thị trường quốc tế với mục tiêu trở thành một trong 5 nhà thầu công trình lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Đối với mảng đầu tư năng lượng, năm 2018, PC1 tiếp tục đầu tư thêm 2 nhà máy thủy điện, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.600 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của doanh nghiệp khoảng 500 tỷ đồng. Ông Tuấn cho hay, chiến lược trong giai đoạn 2016 – 2020, Công ty sẽ nâng số nhà máy khai thác lên 10 nhà máy thủy điện. Công ty cũng đang nghiên cứu đầu tư tự án tại Lào.
Bên lề hội nghị, một nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng đến từ Singapore đã tiếp xúc với đại diện PC1 và ngỏ ý muốn được gặp riêng để trao đổi sâu hơn về cơ hội hợp tác, đặc biệt mảng năng lượng tái tạo, nằm trong chủ trương phát triển trong thời gian tới của PC1.
Đối với ngành thép, tại phòng gặp gỡ với Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG), giải pháp và kế hoạch của Công ty trong bối cảnh giá thép nguyên liệu không ngừng tăng trong thời gian qua, kế hoạch đầu tư và định hướng sắp tới của doanh nghiệp… là những nội dung được nhà đầu tư tập trung tìm hiểu.
Theo chia sẻ của lãnh đạo HSG, giá bán không theo kịp tốc độ tăng của giá nguyên liệu khiến biên lợi nhuận giảm còn 15%. Trong năm 2018, Công ty sẽ không đầu tư mới, mà tập trung phát triển hệ thống bán lẻ, kỳ vọng biên lợi nhuận sẽ cải thiện lên mức 16 – 17%. Mục tiêu của HSG là chiếm lĩnh thị trường trong nước, dù thị trường đang gặp đối thủ cạnh tranh nặng ký là các sản phẩm thép từ Trung Quốc.