Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) – ông Nguyễn Hoài Nam, chia sẻ từ khi có Nghị định 09/2016/ NĐ-CP (Nghị định 09), các DN thuỷ hải sản đang làm hàng cho một số thị trường xuất khẩu đều buộc phải tiến hành “thủ tục” bất đắc dĩ.
Đó là phải viêt một bức thư, kèm với hợp đồng, đơn hàng để khẳng định với đối tác là… không dùng muối iốt! Hàng dùng cho thị trường nội địa cũng không kém vất vả như vậy.
Gây ách tắc sản xuất
“Vasep đã tham dự 3 cuộc họp cũng như có 2 văn bản để làm việc với Bộ Y tế và kiến nghị với Chính phủ về những quy định bất hợp lý trong Nghị định 09. Nó không chỉ gây ra bất cập rất nhiều cho DN thuỷ sản mà còn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều DN chế biến thực phẩm”, ông Nam bức xúc.
Nghị định 09 có quy định “Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt” (có hiệu lực từ ngày 28/1/2017). Tuy nhiên, thực tế khi áp dụng quy định này, một số loại thực phẩm không thể sử dụng iốt làm nguồn nguyên liệu để chế biến do tạo ra trạng thái cảm quan, màu sắc, mùi vị không bằng so với việc sử dụng muối thường (không bổ sung iốt).
Nhấn mạnh vấn đề này tại hội thảo xoay quanh những bất cập của Nghị định 09 do Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA) phối hợp Vasep và Hội Nước mắm Phú Quốc tổ chức ở Tp.HCM ngày 25/6, ông Nam cho rằng DN chế biến thuỷ sản nói riêng và DN ngành thực phẩm nói chung gặp rất nhiều bất cập, dẫn đến ách tắc trong quá trình sản xuất, công bố, đưa sản phẩm ra thị trường.
Theo Phó Tổng thư ký Vasep, việc bổ sung iốt không thể bắt buộc theo mệnh lệnh hành chính được. Một số lập luận từ phía Bộ Y tế như “bổ sung ít thôi mà, làm sao có ảnh hưởng được”, nhưng ít là bao nhiêu và như thế nào?
Hiện nay, 40% dân số Việt Nam có rủi ro thiếu iốt, trong đó chỉ 2,2% là thiếu iốt nặng. Thế nhưng, không thể nào bằng quyết định hành chính mà bắt buộc 60% còn lại – những người đang đủ iốt, phải sử dụng, nếu như họ tăng cường thêm lượng iốt vào thì sẽ dẫn đến tình trạng nguy hiểm là dư iốt với nhiều rủi ro phát sinh về sức khoẻ.
Theo Ts Vũ Thế Thành – chuyên gia độc lập về ngành thực phẩm, đối với sản phẩm thuỷ sản, nước mắm hay rau củ quả sấy khô, thịt gia cầm sấy, các sản phẩm từ ngũ cốc sấy; hoặc các loại bột gia vị, bột chế biến sẵn để làm các loại bánh ngọt và dùng trong chế biến các loại thực phẩm; các sản phẩm ăn ngay, ăn liền…, việc sử dụng muối iốt sẽ làm các sản phẩm bị biến mùi, vị, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Cần thay thế Nghị định 09
Ông Thành cho biết do iốt có tính thăng hoa, dễ tương tác với các thành phần khác trong thực phẩm và biến đổi khi gặp nhiệt, điều này càng làm gia tăng chi phí, giá thành của sản phẩm và thành phẩm sau cùng cũng không chứa thành phần iốt.
Ngoài vấn đề iốt, khi thực hiện quy định trong Nghị định 09 về việc bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm (có hiệu lực từ ngày 28/1/2018), các DN cũng gặp rất nhiều khó khăn từ khâu nhập nguyên liệu.
Việt Nam hiện phải nhập khẩu số lượng lớn bột mỳ từ các quốc gia khác. Trên thực tế, ở các nước xuất khẩu bột mỳ không có quy định phải bổ sung sắt, kẽm vào bột, nên khi các DN nhập khẩu đề nghị bổ sung thêm vi chất sắt và kẽm không được nhà cung cấp chấp thuận.
Điều này dẫn đến việc DN phải nhập bột mỳ và tiến hành bổ sung vi chất sắt, kẽm trước khi đưa vào sản xuất, làm gia tăng chi phí và giá thành của sản phẩm. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, một số sản phẩm từ bột mỳ có bổ sung sắt và kẽm, thành phẩm sẽ bị biến màu, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm.
Đáng nói là tại một số thị trường xuất khẩu, khách hàng sẽ từ chối một số sản phẩm có bổ sung iốt và sản phẩm làm từ bột mỳ có bổ sung sắt, kẽm, ảnh hưởng mạnh đến doanh số, lợi nhuận của DN.
Cần nhắc lại, hồi tháng 10 năm ngoái, Bộ Y tế đã ban hành Công văn 6134/BYT-PC về việc thực hiện ý kiến kết luận của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc “chỉ kiểm tra các DN sản xuất muối iốt, không kiểm tra các DN sản xuất thực phẩm có sử dụng muối iốt.
Tuy nhiên, về cơ bản, công văn này chỉ tháo gỡ cho DN ngành thực phẩm ở khâu kiểm tra, chưa giải quyết được triệt để các kiến nghị của các DN chế biến thực phẩm về những khó khăn, bất cập gặp phải trong quá trình sản xuất, công bố, đưa sản phẩm ra thị trường.
Vì vậy, phía FFA và Vasep cùng những hội ngành nghề, DN trong lĩnh vực chế biến thực phẩm đã quyết định kiến nghị Chính phủ nên quyết liệt hơn nữa trong việc chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi, thay thế Nghị định 09 theo đúng tinh thần Nghị quyết 19/2018 mà Chính phủ vừa ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN yên tâm sản xuất.
Thiết nghĩ, để đảm bảo hài hoà việc người dân nhận được đầy đủ dưỡng chất mà không gây khó khăn cho DN, có lẽ Bộ Y tế chỉ nên khuyến khích DN chế biến thực phẩm bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm thay vì phải yêu cầu bắt buộc như hiện nay.