Tuy nhiên, theo TS. TRẦN DU LỊCH (ảnh), thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, doanh nghiệp (DN) nên cơ cấu lại tài chính, giảm vay vốn NH để có vốn rẻ, vì điều kiện để giảm lãi suất trong năm 2018 khó hơn.
PHÓNG VIÊN: – Thưa ông, ông nhận định như thế nào về triển vọng nền kinh tế trong năm 2018?
TS. TRẦN DU LỊCH: – Tôi nghiên cứu kinh tế Việt Nam suốt giai đoạn từ năm 2001 đến năm 2015, và nhận thấy cứ 5 năm sau tăng trưởng kém hơn 5 năm trước. Tuy nhiên, năm 2017, tăng trưởng kinh tế chuyển biến, vượt mục tiêu đề ra.
Theo tính toán đến thời điểm này, quý I năm nay tăng trưởng kinh tế dự báo đạt trên 7%. Đây sẽ là lần đầu tiên xử lý được tình trạng tăng trưởng quý I năm sau thấp hơn quý IV năm trước, nền kinh tế vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng từ năm ngoái, mặc dù mất nửa tháng để nghỉ Tết.
Với đà này, tôi cho rằng tăng trưởng năm 2018 không chỉ đạt 6,5-7%, mà có khả năng tăng trưởng trên 7%. Đây là dấu hiệu để hy vọng tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 sẽ đi lên so với giai đoạn trước, chấm dứt thời kỳ 15 năm tăng trưởng năm sau thấp hơn năm trước.
– Đâu là động lực tạo nên sự tăng trưởng này?
– Động lực của sự tăng trưởng hiện nay đến từ 3 đột phá chiến lược thực hiện từ năm 2011. Thứ nhất, về cải cách thể chế kinh tế đến nay đã có hơn 100 Bộ luật, đạo luật liên quan được ban hành để tạo môi trường vận hành nền kinh tế. Hiện nay mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng có thể nói môi trường để vận hành nền kinh tế Việt Nam đang ở trong điều kiện tốt nhất từ trước đến nay. Đó là nỗ lực rất lớn của Chính phủ.
Thứ hai, sự phát triển của nguồn nhân lực chất lượng, nhất là đội ngũ lao động trẻ. Thứ ba, nguồn vay nước ngoài cũng tạo ra thay đổi lớn về giao thông, hạ tầng kỹ thuật. Nếu từ nay đến năm 2020, chúng ta nối được cao tốc Bắc Nam như dự kiến giảm được chi phí vận chuyển, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam. Ba đột phá này đã tạo ra lực bên trong cho DN.
Bên cạnh đó, qua việc thực thi các Hiệp định FTA có thể thấy, dù chúng ta lo lắng rất nhiều về sự cạnh tranh, nhưng rõ ràng thị trường xuất khẩu đã tăng rất nhanh, nông nghiệp thay đổi cơ cấu, trước đây dựa vào gạo xuất khẩu hiện nay dựa vào rau quả.
Hiện nhiều DN cũng sẵn sàng đầu tư công nghệ cao để sản xuất rau củ quả để xuất khẩu. Về thị trường, trước đây chúng ta phần lớn xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, nhưng hiện nay đã thay đổi phương thức xuất khẩu không dựa vào tiểu ngạch về nông sản. Cộng lại tất cả tăng sức cho nền kinh tế.
– Nghị quyết tháng 2 của Chính phủ tiếp tục nêu NHNN phải phấn đấu giảm lãi suất, nhưng trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) sắp tăng lãi suất đồng USD và lạm phát tăng tốc, nên DN rất quan tâm đến việc lãi suất có giảm được hay không trong năm nay. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
– Tại Nghị quyết tháng 2-2018, Chính phủ đã nêu hết vấn đề của nền kinh tế, nhưng tôi cho rằng điều Chính phủ cần tập trung và cũng là điều mà hiện nay DN rất cần là môi trường pháp lý an toàn minh bạch để tạo nên niềm tin cho DN. Về lãi suất, chúng ta luôn luôn muốn giảm lãi suất, nhưng nền kinh tế Việt Nam kinh doanh trên nợ, tức nhà nước muốn đầu tư phải đi vay trái phiếu, DN muốn đầu tư phải đi vay NH.
NH Việt Nam cung cấp vốn cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế, khiến quan hệ cung cầu tín dụng Việt Nam tùy thuộc rất lớn vào NHTM. Trong khi đó, lãi suất huy động rất khó kéo giảm, vì nếu giảm người gửi tiền sẽ chuyển sang kênh đầu tư khác. Bởi người dân hiện nay xem NH là kênh đầu tư chứ không phải là nơi gửi tiền nhàn rỗi nữa. Kênh đầu tư không sinh lời cao, nguồn tiền đó sẽ chuyển sang kênh khác. Đây là thách thức với chính sách tín dụng.
NHNN đang cố gắng để lãi suất không tăng còn khả năng giảm lãi suất chỉ có thể hy vọng. Song thay vì trông chờ vào việc giảm lãi suất, cộng đồng DN nên tính toán cơ cấu lại tài chính DN để làm sao giảm tỷ lệ vay vốn NH. Hiện nay, xu hướng DN huy động trái phiếu đang tăng dần để giảm tỷ lệ vay NHTM, và qua đánh giá phần lớn các DN này đều có tỷ lệ sinh lời cao, vốn hóa tương đối ổn định.
Còn nếu vẫn duy trì tình trạng lệ thuộc vào vốn NH, người đầu tư kinh doanh bất động sản cũng vay, người mua nhà cũng vay, sản xuất kinh doanh cũng đi vay, sẽ làm cầu ngày càng tăng và việc giảm lãi suất là mục tiêu khó khăn.
– Trước những thông tin liên quan đồng USD trên thị trường thế giới, nhiều DN cũng lo ngại về biến động tỷ giá, ông dự báo như thế nào về tỷ giá năm 2018?
– Về tỷ giá, với chính sách điều hành tỷ giá hiện nay cùng với tình trạng cung cầu ngoại tệ và dự trữ ngoại hối cao, tôi cho rằng năm 2018 không có cơ sở gì để tỷ giá biến động.
Các DN có thể yên tâm về tỷ giá. Vấn đề quan trọng trong năm 2018 với DN là làm sao tiếp tục đà tăng trưởng của nền kinh tế để phát huy năng lực và hiệu quả. Đồng thời, Chính phủ cần thực sự tạo được môi trường pháp lý yên ổn, tránh tình trạng ban hành luật rồi sửa luật khiến DN không thể làm ăn được. Đây mới là vấn đề mấu chốt cần quan tâm.
– Xin cảm ơn ông.