Kết quả kinh doanh của DN ngành thép thể hiện rõ tình hình thắt chặt tín dụng, bất động sản gần như đóng băng và giãn tiến độ nhiều dự án đầu tư xây dựng cơ bản.
Trong quý II năm nay, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đạt 4.570 tỷ đồng doanh thu và 474 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, bằng 55% kế hoạch năm. Nhưng do ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế và của ngành, so với quý I, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý II của HPG giảm nhẹ, doanh thu giảm 5% và lợi nhuận sau thuế giảm 15%.
Theo nhận định của Hòa Phát, với những diễn biến hiện nay, tình hình sản xuất – kinh doanh 6 tháng cuối năm sẽ khó khăn hơn 6 tháng đầu năm với nhiều biến động khó đoán định. Hòa Phát vẫn tập trung tối đa nguồn lực để hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đã được ĐHCĐ thông qua. Dù đã vượt kế hoạch lợi nhuận 6 tháng đầu năm, nhưng HPG không lạc quan nhận định về khả năng vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm như các năm trước.
CTCP Đầu tư thương mại SMC (SMC) đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2011, giảm 3,51% về sản lượng và giảm 11,11% lợi nhuận sau thuế, tương ứng đạt 550.000 tấn thép các loại và lợi nhuận sau thuế là 80 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc SMC cho biết, Công ty dự báo tiêu thụ thép sẽ gặp khó khăn do giá cả không biến động lớn. Giá cả không biến động thì tỷ lệ lợi nhuận biên nhờ linh hoạt điều chỉnh lượng hàng tồn kho sẽ không có. Mặt khác, nhìn toàn thị trường, khi giá cả không biến động mà tiêu thụ lại chậm thì các DN có xu hướng bán mạnh để xử lý các vấn đề về tài chính, dẫn đến cạnh tranh bán hàng sẽ căng thẳng hơn. “Mục tiêu của SMC trong các tháng cuối năm là ổn định sản lượng tiêu thụ, quay vòng vốn nhanh, xử lý các vấn đề phát sinh về công nợ”.
CTCP Sản xuất – kinh doanh – xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Tân Bình (TIX) vẫn có lợi nhuận tốt từ hoạt động kinh doanh chính, song kế hoạch đầu tư các dự án bất động sản đều dừng cả lại, dù dự án của TIX là dự án có giá bình dân. “Giữ tiền còn hơn để mất tiền”, ông Trần Quang Trường, Phó tổng giám đốc TIX nói.
Chuyện các công ty niêm yết công bố kết quả kinh doanh thua lỗ đã là rất bình thường trên thị trường. Nước nổi, thuyền mới nổi. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, những DN đã công bố kết quả kinh doanh thua lỗ chưa nhìn thấy khả năng phục hồi. Những DN có nền tảng hoạt động tốt vẫn duy trì kết quả kinh doanh có lãi, nhưng kỳ vọng lợi nhuận phải điều chỉnh. Mặc dù đã dự báo được năm 2011 là năm khó khăn khi xây dựng kế hoạch vào đầu năm nhưng từ đó đến nay, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục thay đổi.
Nhóm DN ở giữa nhóm lỗ và có lãi cao là nhóm thực hiện lợi nhuận rất thấp. Như CTCP Phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI), 6 tháng đầu năm đạt 120 tỷ đồng sản lượng, hoàn thành 26% kế hoạch năm, doanh thu đạt 76 tỷ đồng (26% kế hoạch), nhưng lợi nhuận chỉ đạt 6,3 tỷ đồng (bằng 13% kế hoạch).
Theo ông Phạm Đức Tấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PPI thì thường doanh thu và lợi nhuận của mảng xây lắp tập trung vào cuối năm, nên khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận vẫn còn. Việc bán sản phẩm dự án Long Hội City (Bến Lức – Long An) nằm trong kế hoạch đã xây dựng, nhưng hiện nay PPI mới chuẩn bị chào bán dự án. Kết quả chào bán dự án sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành kế hoạch năm 2011.
Nếu như đầu năm nay, nhiều DN vẫn còn phán đoán rằng, chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài trong khoảng 6 tháng là lạm phát sẽ ổn định vào khoảng tháng 8, tín dụng có thể giảm lãi suất.
Tuy nhiên, ở thời điểm này, lạm phát vẫn chưa về mức ổn định. Một phần nguyên nhân là do Việt Nam nhập khẩu lạm phát. Trong khi đó, lạm phát không chỉ là vấn đề của riêng nền kinh tế Việt Nam mà của cả thế giới. Các tổ chức kinh tế thế giới đang gây sức ép để nền kinh tế Trung Quốc thắt chặt tín dụng, ghìm lại tăng trưởng để đối phó với lạm phát.
Lo ngại trước lạm phát và bất ổn trong nhiều nền kinh tế khiến giá vàng tăng cao. Giá vàng thế giới tăng cao lại là áp lực lớn với việc giảm lãi suất và với tỷ giá trong các tháng cuối năm. Trong báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ vẫn khẳng định chủ trương ưu tiên kiềm chế lạm phát, điều đó có nghĩa chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ phải kiên trì thực hiện.
Nếu như cách đây 2 tuần, lãi suất tiền gửi thực tế đã giảm 1%, từ 18,5%/năm xuống 17,5%/năm cho khoản tiền từ 500 triệu đồng trở lên, thì tuần qua, cùng với việc tăng trở lại của lãi suất liên ngân hàng, lãi suất tiền gửi thỏa thuận đã tăng lại lên 18%/năm. Như vậy là dù lực bán vàng của người dân khá lớn trong những ngày vàng lập đỉnh ở mức giá kỷ lục trên 39 triệu đồng/lượng trong suốt hơn 1 tuần qua khiến tiền gửi ngân hàng dồi dào hơn, nhưng không vì thế mà lãi suất tiền gửi nguội đi. Trên thực tế, sóng lãi suất tiền gửi như vừa qua chỉ có lợi cho các ngân hàng chứ chưa thấm đến được các DN sản xuất. Một số ngân hàng công bố lợi nhuận các tháng đầu năm vẫn khá tốt chứ không quá khó khăn như DN sản xuất khác.
Trước những diễn biến mới của tình hình kinh tế trong và ngoài nước, nhiều DN nhận định, không loại trừ khả năng tình hình khó khăn có thể kéo dài sang cả năm 2012 nên phải chuẩn bị phương án phòng thủ từ bây giờ, không lạc quan đoán định thời điểm nào giảm lãi suất, bớt thắt tín dụng. Vì thế, khả năng thua lỗ lớn của các DN đã có kế hoạch phòng thủ khó có thể xảy ra.