Theo đó, IFC sẽ cung cấp một khoản vay hợp vốn (cho vay đồng tài trợ) trị giá 100 triệu đô la cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong (TPBank). Gói tài trợ do IFC thu xếp này sẽ giúp TPBank mở rộng các hoạt động cấp vốn dài hạn cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSME) và các khách hàng cá nhân thông qua các dịch vụ tài chính số.
Theo thông cáo báo chí của IFC, thiếu tiếp cận tài chính là một trong những thách thức chính của các MSME – nhóm doanh nghiệp đang sử dụng khoảng 77% lực lượng lao động của Việt Nam và đóng góp khoảng 41% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Song, tới 70% các MSME có các nhu cầu tài chính chưa được đáp ứng, đồng nghĩa với một khoản thiếu hụt tài chính trị giá 23,6 tỉ đô la Mỹ, tương đương 12% GDP.
Trong bối cảnh đó, cam kết tài trợ dài hạn của IFC sẽ giúp TPBank tăng gấp đôi danh mục cho vay MSME trong 5 năm tới, cung cấp hơn 1,8 tỉ đô la Mỹ cho khoảng 46.000 khoản vay vào năm 2022. Đáng chú ý, 65% các giao dịch này sẽ được thực hiện qua phương thức số.
Gói tài trợ trên bao gồm 60 triệu đô la từ IFC, 22,5 triệu đô la từ Chương trình Danh mục Đầu tư Đồng Cấp vốn Được Quản lý (Managed Co-Lending Portfolio Program – MCPP) tập hợp các tổ chức đầu tư quốc tế do IFC quản lý và 17,5 triệu đô la từ Ngân hàng Công Thương Trung Quốc, chi nhánh Hồng Kông. Gói hỗ trợ này sẽ cải thiện tính cạnh tranh của khu vực ngân hàng Việt Nam thông qua việc thúc đẩy một nền kinh tế phi tiền mặt với các sản phẩm và dịch vụ mang tính đổi mới và cạnh tranh. Khoản tài trợ cũng được kỳ vọng sẽ giúp tạo ra khoảng 35.000 đến 56.000 công việc trong vòng 5 năm tới.
IFC hiện nắm giữ 4,387% cổ phần của TPBank sau khi khoản đầu tư cổ phần chuyển đổi hồi năm 2016 được chuyển đổi sang cổ phiếu. Bên cạnh đầu tư vốn, IFC còn giúp TPBank tăng cường công tác quản trị ngân hàng và kết nối TPBank với mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ tài chính đổi mới trong khu vực.