Mùa báo cáo tài chính vừa qua, nhiều doanh nghiệp khiến nhà đầu tư hụt hẫng khi kết quả kinh doanh hợp nhất bất ngờ sụt giảm mạnh so với kết quả kinh doanh riêng công ty mẹ công bố trước đó.
Ngày 23/7, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: PVS)công bố báo cáo tài chính công ty mẹ với khoản lợi nhuận sau thuế 204 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thuần trong quý II của công ty tuy giảm nhưng doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh cùng chi phí quản lý giảm đáng kể giúp lợi nhuận tăng trưởng. PVS lý giải doanh thu tài chính tăng mạnh nhờ lợi nhuận được chia từ các công ty liên doanh hoạt động trong lĩnh vực tàu chứa và xử lý dầu thô (FSO, FPSO) ở nước ngoài chuyển về.
PVS đã có nhiều quý suy giảm lợi nhuận do giá dầu giảm thời gian qua nên những tín hiệu tích cực trong báo cáo tài chính công ty mẹ đem đến nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư. Trong quá khứ, PVS cũng thường ghi nhận lợi nhuận hợp nhất cao hơn báo cáo công ty mẹ.
Song, báo cáo tài chính hợp nhất quý II được công bố ngày 26/7 đem đến cho nhà đầu tư sự hụt hẫng lớn. Công ty chỉ lãi ròng 23,2 tỷ đồng trong quý, giảm 94% cùng kỳ năm trước; phần lãi ròng cho cổ đông công ty mẹ đạt 69 tỷ, giảm 78%. Biên lãi gộp của công ty giảm mạnh từ 9,3% xuống 1,45%. Công ty cho biết cho 3 nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm này gồm lỗ của hoạt động khảo sát địa vật lý (tàu khảo sát địa chấn 2D, 3D); kết quả kinh doanh của dịch vụ cơ khí dầu khí, lắp đặt, vận hành công trình dầu khí biển giảm; lợi nhuận từ công ty liên doanh trong lĩnh vực kinh doanh tàu chứa, xử lý dầu thô giảm do áp dụng đơn giá thuê thấp hơn tương ứng theo từng năm trên quy định của hợp đồng thuê dài hạn.
PVS hiện đang hoạt động với bộ máy khá công kềnh gồm 13 công ty con và 6 công ty liên doanh, liên kết. Trong đó, công ty có 1 công ty con đặt trụ sở tại nước ngoài (Malaysia) và 5 đơn vị liên doanh, liên kết nước ngoài (tại Singapore và Malaysia).
Tương tự với PVS, CTCP Đầu tư LDG (HOSE: LDG) công bố báo cáo quý 2 thể hiện sự chênh lệch lớn giữa lợi nhuận công ty mẹ và hợp nhất. Tại báo cáo công ty mẹ, LDG đạt lợi nhuận sau thuế 107 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước nhưng tại báo cáo hợp nhất chỉ còn 11,7 tỷ đồng (riêng lợi nhuận ròng của cổ đông công ty mẹ là 11,5 tỷ), giảm 85,5%.
Tại cả hai báo cáo, LDG đều lý giải lợi nhuận giảm do hoạt động chuyển nhượng bất động sản chưa đủ điều kiện ghi nhận trong kỳ. Điểm khác biệt khiến lợi nhuận có chênh lệch lớn giữa hai báo cáo là công ty mẹ có ghi nhận khoản doanh thu tài chính 87,3 tỷ cổ tức được chia từ CTCP Du lịch Giang Điền, khi hợp nhất lại thì không được ghi nhận.
LDG tính đến cuối quý II có 7 công ty con, liên kết và đơn vị trực thuộc. Với chủ trương thoái vốn du lịch, tập trung phát triển bất động sản, LDG đã có Nghị quyết HĐQT thoái vốn toàn bộ tại CTCP Du lịch Giang Điền, việc thoái vốn có khả năng đem về hơn 400 tỷ tính theo mệnh giá gốc và người mua là một số cá nhân phía Nam. Tại thời điểm kết lúc kỳ báo cáo (30/6), công ty vẫn đang thực hiện các thủ tục chuyển nhượng.
Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (HNX: PVX) cũng vừa công bố BCTC công ty mẹ với khoản lỗ 32 tỷ đồng nhưng khi hợp nhất thì lỗ 117,5 tỷ đồng, riêng phần lỗ cổ đông công ty mẹ 62,7 tỷ đồng. Như vậy, sau hợp nhất cổ đông công ty mẹ gánh mức lỗ gấp đôi so với riêng công ty mẹ tạo ra.
Theo nguyên tắc, phần lãi, lỗ trên báo cáo tài chính hợp nhất mới là phần thuộc về cổ đông công ty mẹ, việc trích nguồn để chia cổ tức từ lợi nhuận ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ nên con số cổ đông quan tâm nhất phải là con số cuối cùng của bảng kết quả kinh doanh, chứ không chỉ nhìn đơn thuần lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế. Với nhà đầu tư, báo cáo hợp nhất thể hiện nhiều ý nghĩ hơn báo cáo riêng công ty mẹ, cho nên cần chờ đợi báo cáo hợp nhất để có sự đánh giá rõ ràng về doanh nghiệp muốn đầu tư.