Ở nhóm tích cực, mặc dù vướng vào sự cố vận chuyển container phế liệu có chứa cocain gần đây, nhưng về hoạt động cơ bản, Công ty cổ phần (CTCP) Thép Pomina (POM) đã ghi nhận doanh thu thuần tăng mạnh 52%, đạt 3.596 tỉ đồng trong quí 2-2018. Lợi nhuận gộp cũng tăng 77% khi đạt 259 tỉ đồng, tương ứng tỷ suất lãi gộp biên tăng từ mức 6% của cùng kỳ năm ngoái lên 7%. Mặc dù chi phí bán hàng và quản lý đều tăng lần lượt 41% và 19%, hoạt động khác âm 4 tỉ đồng, nhưng POM vẫn báo lãi ròng hợp nhất 164 tỉ đồng trong quí 2-2018, tăng tới 175% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với CTCP Đầu tư Thương mại SMC (SMC), sản lượng tiêu thụ thép quí 2 của công ty này đạt 316.000 tấn, tăng 18,6%. Lũy kế sáu tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ đạt 559.000 tấn, tăng 5,3%. Doanh thu riêng quí 2 dự kiến đạt hơn 4.700 tỉ đồng, tăng mạnh gần 60%. Nhờ vậy, tổng kết sáu tháng, doanh thu dự kiến của SMC đạt hơn 8.000 tỉ đồng, tăng 37,8% còn lợi nhuận sau thuế ước đạt 159 tỉ đồng, tăng 5%.
Còn với “ông lớn” HPG, theo ước tính của CTCP Chứng khoán TPHCM (HSC), lợi nhuận sáu tháng của HPG dự kiến tăng 28,7% so với cùng kỳ. HSC cho rằng doanh thu thuần sáu tháng đầu năm của Hòa Phát có thể đạt đến 27.140 tỉ đồng (tăng 30% so với cùng kỳ) nhờ giá bán bình quân tăng mạnh cộng với sản lượng tiêu thụ tăng khá. Theo đó, lợi nhuận sau thuế sáu tháng đầu năm ước đạt 4.473 tỉ đồng.
Ở chiều ngược lại, Thép Việt Ý (VIS) gây sự chú ý cho các nhà đầu tư khi công bố mức lỗ lớn trong quí 2 (68 tỉ đồng). Đây là mức lỗ lớn nhất trong một quí mà Thép Việt Ý gánh chịu kể từ khi lên sàn.
Cũng doanh nghiệp ngành thép, nhưng việc Thép Dana Ý (DNY) báo lỗ không làm cho nhà đầu tư ngạc nhiên. Công ty này đang liên quan đến vụ gây ô nhiễm môi trường khiến người dân phản đối hồi đầu năm 2018 và đã bị tạm dừng hoạt động sản xuất thép để chờ phương án xử lý. Vì ảnh hưởng đó nên trong quí 1, DNY đã lỗ 17,5 tỉ đồng. Nhờ số lãi đạt được hơn 6,1 tỉ đồng trong quí 2 mà tính chung sáu tháng đầu năm 2018, Dana Ý còn lỗ khoảng 11,4 tỉ đồng.
Về các yếu tố trong nước, thách thức đối với các doanh nghiệp thép trong hai quí cuối năm có thể đến từ việc giá bán ra sẽ ở mức thấp hơn so với sáu tháng đầu năm khi nguồn cung tăng lên, còn nhu cầu nhiều khả năng sẽ tăng ít hơn do lĩnh vực bất động sản tăng trưởng chậm lại. Những lo ngại liên quan đến việc thép Trung Quốc không xuất khẩu được vào Mỹ sẽ tìm đường tràn vào Việt Nam và chấp nhận giá bán thấp hơn cũng có cơ sở.
Về các yếu tố bên ngoài, rủi ro lớn nhất vẫn đến từ các vụ kiện chống bán phá giá trước xu thế bảo hộ sản xuất nội địa ngày càng tăng tại các nền kinh tế lớn. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính đến cuối năm 2017, trong tổng số 124 vụ kiện điều tra phòng vệ thương mại với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, có tới 30 vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá thép. Mới đây, Indonesia đã chính thức áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn màu nhập khẩu của Việt Nam, mức thuế từ 12,01 đến 28,49% trong năm năm. Hai doanh nghiệp tôn mạ niêm yết của Việt Nam là Hoa Sen (HSG) và Nam Kim (NKG) chịu mức thuế lần lượt là 12,01% và 19,16%. Trước đó, Indonesia áp thuế chống bán phá giá ở mức 13,5% – 36,6% lên thép cuộn cán nguội của Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan kể từ tháng 3-2013 và tiếp tục duy trì biện pháp tự vệ thương mại này sau kỳ rà soát năm 2015. Ngoài Indonesia, Mỹ cũng quyết định áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ hầu hết các quốc gia, bắt đầu có hiệu lực từ tháng 3 năm nay.
Tuy vậy, về tổng thể thì xu hướng bảo hộ thương mại đối với mặt hàng thép của một số nước sẽ tác động không quá tiêu cực và chỉ mang tính cục bộ đối với một số mặt hàng cụ thể của Việt Nam. Nguyên do là tổng lượng thép xuất khẩu hiện chỉ chiếm khoảng 10% tổng sản lượng của các doanh nghiệp thép trong nước, trong đó thị trường Mỹ chỉ chiếm 2%, còn lại chủ yếu là các thị trường khu vực ASEAN. Bị áp thuế nhiều nhất là các sản phẩm thuộc ngành tôn mạ, do đó các doanh nghiệp như Nam Kim (NKG), Hoa Sen (HSG) được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong khi đó, doanh nghiệp đầu ngành là HPG với sản phẩm thép dài là chủ lực và giá bán ở mức rất cạnh tranh được đánh giá sẽ chịu tác động không đáng kể.