Hiện nay, mặc dù tỷ trọng thị phần ngành giấy doanh nghiệp nội đang chiếm hơn 51% và còn lại là doanh nghiệp ngoại. Để đảm bảo tỷ lệ này bắt buộc doanh nghiệp nội phải có sự đột phá.
Doanh nghiệp ngoại đang “lấn lướt”
Được biết, nhu cầu giấy của Trung Quốc rất lớn. Đây được xem là cơ hội và là động lực để doanh nghiệp sản xuất giấy của Việt Nam đẩy mạnh sản xuất và mở rộng đầu tư.
Tuy nhiên, điều đáng nói, “miếng bánh” thị trường Trung Quốc này dường như chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhiều doanh nghiệp đã xuất 100% sản phẩm sang thị trường Trung Quốc và họ đang tích cực nhất trong việc mở rộng sản xuất.
Minh chứng cho những hoạt động đầu tư tích cực này phải kể đến liên doanh giữa doanh nghiệp Thái Lan và Nhật Bản đó là Công ty TNHH Giấy Vina Kraft. Mới đây, nhà đầu tư này đã khánh thành nhà máy sản xuất giấy và bao bì thứ hai ở Bình Dương, nâng công suất sản xuất giấy của Vina Kraft tại hai nhà máy ở Bình Dương lên 500.000 tấn/năm.
Ngoài ra, một nhà máy sản xuất giấy khác thuộc Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam, do Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kông – Trung Quốc làm chủ đầu tư với 100% vốn nước ngoài ở Hậu Giang với công suất 420.000 tấn/năm, cũng đang được xây dựng.
Với những thế mạnh về chuẩn đầu tư, tài chính, công nghệ và chất lượng lao động, doanh nghiệp FDI hoàn toàn dễ dàng làm chủ bất cứ hoạt động đầu tư trong tất cả các ngành.
Với những “bước đi” mạnh mẽ tromg việc mở rộng đầu tư, theo TS. Vũ Ngọc Bảo, chuyên gia ngành giấy cho biết: “Doanh nghiệp FDI sẽ chiếm hơn 50% thị phần ngành giấy trong một vài năm tới”.
Đây có lẽ là thực tế không chỉ của ngành công nghiệp sản xuất giấy mà dường như còn là thực trạng chung của nhiều ngành khác của Việt Nam. Và thực sự là “bài toán” cần sớm có lời giải khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng và độ mở của thị trường lớn. Cơ hội để giữ hay lấy được thị phần sẽ có phần khó khăn hơn.
Chưa có cơ chế tiếp cận vốn ưu đãi
Trước tiên, có một điều đáng mừng trong ngành sản xuất giẩy, theo các chuyên gia, doanh nghiệp ngành giấy và bột giấy Việt Nam hoàn toàn có cơ hội cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài trong hoạt động sản xuất và đầu tư các dây chuyền công nghệ hiện đại, chất lượng và đảm bảo các yếu tố về môi trường… nếu doanh nghiệp có vốn.
Bởi đặc thù doanh nghiệp đầu tư sản xuất ngành giấy hiện nay, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ. Do đó, doanh nghiệp thiếu vốn là điều dễ hiểu. Vì đây là khó khăn của phần lớn doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, điều đáng nói, đặc thù đầu tư trong ngành sản xuất giấy suất đầu tư cao, thời gian thu hồi vốn chậm…. khiến các doanh nghiệp ngành giấy mặc dù có cơ hội vươn lên bứt phá song lại “lực bất tòng tâm” bởi thiếu vốn.
Ngoài ra, ít ai biết rằng, theo chia sẻ của TS. Đặng Văn Sơn – Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam chia sẻ: “Doanh nghiệp ngành giấy hiện nay mới chỉ tiếp cận được nguồn tín dụng đó là vay ở các ngân hàng thương mại. Trong khi đó, các nguồn vay ưu đãi về thuế và thời gian vay dài… khác như tiếp cận vốn ODA hay nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ. Ngành giấy chưa hề có”.
“Vì vậy, để đảm bảo ngành giấy có cơ hội cạnh tranh và tạo ra sự bứt phá doanh nghiệp cần sớm được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi”, ông Sơn kỳ vọng.