Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khi nói về những việc mà DN sẽ cần phải làm trong thời gian tới để tận dụng được những ưu đãi do Hiệp định EVFTA mang lại.
Việt Nam được coi là nền kinh tế mở, hướng tới xuất khẩu. Vậy xin Bộ trưởng cho biết rõ hơn tác động của Hiệp định EVFTA đối với khía cạnh này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới hơn 99% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ… là rất đáng kể.
Các mặt hàng trước đây ta chưa thể xuất khẩu do hàng rào thuế quan còn cao, giờ cũng sẽ có thể tiếp cận được thị trường EU với giá cả cạnh tranh hơn.
Theo một nghiên cứu do các chuyên gia quốc tế thực hiện, FTA giữa Việt Nam và EU sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng thêm bình quân từ 4-6%/năm trong vòng 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
Giả sử FTA với EU có hiệu lực vào năm 2019 thì xuất khẩu vào EU sẽ tăng thêm được 16 tỷ USD ngay trong 1-2 năm đầu tiên và tới năm 2028, con số này sẽ tăng thêm tới 75-76 tỷ USD.
Riêng với dệt may, EVFTA có thể giúp xuất khẩu tăng thêm được 1,54 tỷ vào năm 2023 và 5,82 tỷ USD vào năm 2028. Đây là những con số rất có ý nghĩa bởi theo tính toán chung, cứ 1 tỷ USD xuất khẩu hàng dệt may sẽ tạo ra được khoảng 250.000 việc làm trực tiếp.
Ngược lại, đối với EU thì lợi ích thu được cũng rất rõ ràng, nghiên cứu của EU đã chỉ ra Hiệp định EVFTA sẽ làm tăng thu nhập quốc dân của EU trong dài hạn, với mức tăng có thể lên tới 29,5 tỷ Euro.
Xin Bộ trưởng cho biết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ được hưởng lợi ích gì từ Hiệp định EVFTA?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam-EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm ta có thế mạnh như: dệt may, giày dép, nông sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau, củ, quả…), thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô, xe máy, đồ uống có cồn, một số loại nông sản của EU.
Có thể nói 100% xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu khi xuất sang EU ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau một lộ trình ngắn. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các Hiệp định FTA đã được ký kết cho tới nay.
Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Tuy nhiên, thời gian tới, khi Việt Nam đạt đến trình độ phát triển kinh tế nhất định thì GSP sẽ không còn nữa. Nếu FTA không có hiệu lực sớm thì sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh ở thị trường EU.
Doanh nghiệp (DN) sẽ cần chuẩn bị như thế nào để thực hiện hiệu quả và đón nhận lợi ích từ EVFTA?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội về thương mại, đầu tư, hợp tác mới cho DN hai bên. Đối với DN Việt Nam, trong quá trình đàm phán, Đoàn đàm phán đã tích cực cung cấp đầy đủ thông tin cũng như tham vấn ý kiến của các hiệp hội DN với mong muốn kết quả đàm phán phải đáp ứng được tốt nhất lợi ích của DN.
Tuy nhiên, có sự khác biệt về sự chuẩn bị giữa các DN. Các DN lớn dường như có sự chuẩn bị tốt hơn so với các DN vừa và nhỏ. Các DN xuất khẩu dường như tích cực hơn so với các DN phải chịu cạnh tranh từ EU sau khi Hiệp định được ký kết.
Do đó, để khai thác được tối đa lợi ích mà hiệp định này mang lại, các DN Việt Nam, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất,…
Cần lưu ý là để tận dụng được ưu đãi từ Hiệp định, DN cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU.
Bộ trưởng vừa nói đến việc DN vừa và nhỏ có sự hạn chế hơn so với DN lớn. Vậy, là cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ Công Thương sẽ có những động thái nào để hỗ trợ khối DN chiếm tới 97% này?
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trên thực tế, chúng ta đều hiểu rằng, DN mới là những người đảm bảo thành công cho việc hội nhập, họ mới là chủ thể để khai thác những ưu đãi mà các Hiệp định mang lại. Tuy nhiên, họ cũng là những chủ thể chịu tác động nhiều nhất của những Hiệp định này.
Ta đã có nhiều thành công khi hội nhập nhưng cũng nhiều tồn tại. Có lẽ, điểm mấu chốt nhất là tương tác của các cơ quan Nhà nước với DN, nội dung hiệp định sau khi kí kết được ban hành rất đầy đủ nhưng sự tham gia của các cơ quan trong hệ thống chính trị để tiếp cận với DN, với người dân thì còn cần phải xem lại.
Mặt khác, DN cũng cần phải chủ động hơn trong việc tiếp cận, tận dụng sự hỗ trợ của các tổ chức Nhà nước.
Tôi hiểu rằng, nói ra thì rất dễ nhưng việc tổ chức lại là cả vấn đề bởi 97% DN của chúng ta là DN vừa và nhỏ. Chính sự hạn chế về nguồn lực và khả năng tiếp cận thông tin nên việc tận dụng ưu đãi của Hiệp định còn nhiều khó khăn. Đây là bài học để Bộ Công Thương phải nghiên cứu kĩ để có những chương trình hỗ trợ về pháp lý và thông tin cho DN.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!