Kết quả ảm đạm
CTCP Mía đường Lam Sơn (LSS) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV niên vụ 2017 – 2018 với con số lỗ hơn 11 tỷ đồng, dù doanh thu tăng trưởng (năm tài chính của Công ty bắt đầu từ ngày 1/7 và kết thúc vào 31/6 năm sau).
Theo đó, trong kỳ, doanh thu thuần của LSS đạt 732,9 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng chi phí giá vốn lại tăng cao hơn (7%), khiến lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ còn 45,2 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ. Các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều leo dốc khiến LSS ghi nhận lỗ thuần hơn 10,4 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh.
Như vậy, riêng trong quý IV năm tài chính 2017 – 2018, LSS ghi nhận lỗ ròng 11,2 tỷ đồng, trong đó, khoản lỗ của cổ đông công ty mẹ là hơn 7,5 tỷ đồng. Tính chung cả năm tài chính 2017 – 2018, Công ty lãi sau thuế chưa đến 4 tỷ đồng, doanh thu đạt 1.452 tỷ đồng, giảm 39% so với năm ngoái và mới hoàn thành 41,9% kế hoạch đặt ra đầu năm.
Kết quả kinh doanh không tốt, lượng hàng tồn kho tăng cao, cổ phiếu LSS của Mía đường Lam Sơn chỉ giao dịch quanh mức 6.000 – 7.000 đồng/cổ phiếu.
Trong bối cảnh ngành đường gặp nhiều khó khăn vì cạnh tranh ngày càng gay gắt, CTCP Mía đường Sơn La (SLS) đã quyết định đẩy mạnh hoạt động bán thuốc sâu để tăng doanh thu. Báo cáo tài chính quý IV niên vụ 2017 – 2018 của SLS (từ 1/4/2018 đến 30/6/2018) cho thấy, doanh thu từ đường, mật rỉ chỉ đạt 72 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh thu từ thuốc trừ sâu tăng 160%, đạt 63,5 tỷ đồng. Nhờ vậy, tổng doanh thu của SLS trong kỳ đạt 143,9 tỷ đồng, giữ được mức tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, do biên lợi nhuận của hoạt động bán thuốc sâu thấp, trong khi giá vốn cao nên lợi nhuận gộp của Công ty chỉ đạt 31,8 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả năm tài chính 2017 – 2018, Mía đường Sơn La lãi 15,3 tỷ đồng, giảm 60% so với năm trước đó.
Cùng chung tình trạng khó khăn là CTCP Mía đường Cần Thơ (Casuco). Báo cáo tài chính kết thúc năm 2017 – 2018 của Công ty cho thấy, doanh thu đạt 1.065 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3,1 tỷ đồng, lần lượt giảm 21,5% và 95,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận giảm mạnh là bởi giá vốn bán hàng của Casuco ở mức rất cao (1.015 tỷ đồng).
Chênh vênh cây mía
Được mệnh danh là “vựa mía của cả nước” nhưng trong 12 tháng qua, Hậu Giang phải hai lần lên tiếng kêu gọi giải cứu cây mía. Mới đây nhất, ngày 24/8, lãnh đạo tỉnh này đã tổ chức họp bàn tìm kiếm giải pháp tiêu thụ mía nhằm đảm bảo lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, dù đến giữa tháng 9/2018 mới bắt đầu thu hoạch niên vụ 2018 – 2019.
Ông Lê Văn Đời, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang cho biết, niên vụ 2018 – 2019, Hậu Giang có 10.500 ha trồng mía, giảm 150 ha so với năm trước. Thông thường, 100% diện tích trồng mía tại Hậu Giang đã được bao tiêu, nhưng năm nay, con số này mới đạt 50%, còn lại chờ… giải cứu. Chưa kể, giá thu mua mía nguyên liệu hiện nay chỉ đạt 800 đồng/kg tại cầu cảng, nhà máy. Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang nhận định, với mức giá này, nông dân không thể có lãi.
Giá mía nguyên liệu giảm sâu, tiêu thụ ngày càng khó khăn, trong khi giá phân bón, công chăm sóc tăng cao, người dân nhiều địa phương đang trở nên chán nản với cây mía. Không riêng Hậu Giang, tại Trà Vinh, nhiều hộ dân đã chặt mía để thay thế bằng cây khác, khiến diện tích trồng mía giảm khoảng 30% so với năm ngoái, còn 3.300 ha, theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Trà Cú (Trà Vinh).
Với những khó khăn chất chồng, nhiều nhà máy mía đường tại Đồng bằng sông Cửu Long đã dừng hoạt động. Ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường, cồn Long Mỹ Phát cho biết, nếu trước đây ở khu vực này có 10 nhà máy hoạt động, thì hiện tại chỉ còn khoảng 5 – 6 nhà máy.
Trong bối cảnh này, ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa nhận định, bên cạnh việc các doanh nghiệp ngành mía đường phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh, một trong những vấn đề cần giải quyết ngay là hạn chế tình trạng nhập lậu đường.
Cùng chung quan điểm, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường cho biết, đường nhập lậu qua biên giới, cũng như việc nhập khẩu đường lỏng chiết xuất từ tinh bột bắp là những nguyên nhân khiến ngành mía đường trong nước gặp khó khăn. Do đó, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp điều tra áp thuế chống bán phá giá đường lỏng được nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian tới.