Sự biến động này đã tác động nhiều chiều tới các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó trực tiếp chịu ảnh hưởng là những khoản nợ ngoại tệ của nhiều doanh nghiệp (DN).
Nỗi lo lỗ chênh lệch tỷ giá
Đối với DN xuất khẩu, tỷ giá tăng có lợi khi bán được hàng hóa và thu ngoại tệ về. Tuy nhiên, tỷ giá tăng cũng sẽ khiến giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu DN phải nhập khẩu từ nước ngoài) tăng, khiến cho sức cạnh tranh và lợi nhuận của DN sụt giảm. Đối với DN nhập khẩu kinh doanh trong nước, tỷ giá tăng sẽ tác động đến giá các sản phẩm, dịch vụ phải nhập khẩu. Tỷ giá tăng cũng không có lợi cho hoạt động kiềm chế lạm phát theo mục tiêu đã được Quốc hội giao.
Ngoài ra, trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi đà tăng trên là nhiều DN có dư nợ ngoại tệ. Trong đó, có dư nợ ngoại tệ cao phải kể đến ngành dầu khí, nhiệt điện, hàng không, vận tải biển…
Thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) cho biết, Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP) có giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ cho các hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí chiếm hơn 80%. Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) phải thanh toán nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài khoảng 850 triệu USD/năm. Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) có nhu cầu khoảng 1 tỷ USD/năm để trả tiền mua dầu thô nguyên liệu và trả nợ vay có gốc ngoại tệ… Theo ước tính từ PVN, tỷ giá biến động tăng khoảng 2% sẽ dẫn đến khoản lỗ chênh lệch tỷ giá của các DN trong ngành hơn 1.800 tỷ đồng.
Theo bà Hồ Ngọc Yến Phương – Trưởng Ban Tài chính PVN, rủi ro về tỷ giá là rủi ro chính, trọng yếu nhất mà các DN ngành dầu khí thường gặp phải. Đối với các DN của PVN hiện có tổng mức giao dịch bằng ngoại tệ thường xuyên hàng năm khoảng 5 – 7 tỷ USD, thì mức độ ảnh hưởng của biến động tỷ giá là rất lớn.
Nhiều DN vận tải biển cũng đang có các khoản vay bằng USD để đầu tư đội tàu. Hiện tại, hầu hết công ty vận tải biển có tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu bình quân đang ở mức khá cao. Do đó, việc biến động tỷ giá trong thời gian qua cũng khiến các DN đang chịu áp lực lỗ chênh lệch tỷ giá. Điều này khiến PVN nói riêng và các DN phải trả nợ nhiều bằng đồng USD như đang “ngồi trên đống lửa”.
Kinh tế 6 tháng cuối năm có “chống chếnh” theo tỷ giá?
Một câu hỏi đặt ra là, việc tỷ giá liên tục tăng trong thời gian gần đây có tác động lên nền kinh tế 6 tháng cuối năm 2018?
Theo phân tích của TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong 6 tháng cuối năm 2018, tỷ giá sẽ tiếp tục có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, vẫn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc tỷ giá liên tục tăng cao là tín hiệu không mấy khả quan cho nền kinh tế, nhất là vào thời điểm cuối năm, khi nhu cầu sử dụng đồng USD tăng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất – kinh doanh, bởi giá USD tăng sẽ gây ảnh hưởng đến giá xăng dầu, chi phí vận tải. Giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cũng tăng theo trong khi phần lớn DN đang phải nhập khẩu mặt hàng này. Ngoài ra, các DN vay vốn bằng ngoại tệ càng chịu ảnh hưởng khi phải tăng chi phí kinh doanh…
“Tỷ giá tăng không có lợi cho việc kiểm soát lạm phát. Điều này sẽ kéo theo một loạt mặt hàng khác tăng giá theo như xăng dầu, điện nước, giá y tế, giáo dục… “, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Trong khi đó, TS. Bùi Quang Tín (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, vừa qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức có động thái can thiệp vào tỷ giá VND/USD sau khi phát đi thông điệp một ngày trước đó. Sự can thiệp của NHNN bằng cách hạ giá bán USD đã được thực hiện nhiều lần trong quá khứ mỗi khi tỷ giá căng thẳng và động thái này luôn phát huy hiệu quả tích cực. Bên cạnh đó, NHNN cũng có đủ công cụ để kiểm soát biến động của tỷ giá bằng dự trữ ngoại hối…, cho nên tỷ giá chỉ có thể tăng từ 1-2%. “Nói chung, tỷ giá trung tâm hay tỷ giá chính thức từ các ngân hàng thương mại mới chỉ tăng từ 1,2-1,4%, vẫn nằm trong dự báo ban đầu của tôi, chưa có gì mà phải ồn ào” – chuyên gia Bùi Quang Tín nhận định.