Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, quý III và quý IV là mùa cao điểm của các DN xuất nhập khẩu, trong khi đó, với sự biến động của tỷ giá như hiện nay, rất khó để DN lựa chọn đồng tiền thanh toán, giao dịch.
Ngày 2/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD ở mức 22.635 đồng; các ngân hàng thương mại niêm yết phổ biến ở mức 22.920 đồng (mua vào) và 22.990 đồng (bán ra).
Xuất khẩu mừng, nhập khẩu lo
So với đầu năm, hiện nay, mức tăng tỷ giá USD khoảng hơn 1%, đang tác động mạnh đến con số lợi nhuận quý II của nhiều DN.
Với những DN xuất khẩu (XK), tỷ giá USD tăng sẽ giúp giá hàng hóa quy ra USD rẻ hơn trước, tăng tính cạnh tranh. Tuy nhiên, các DN nhập khẩu (NK) sẽ gặp khó khăn vì phải quy đổi từ VND sang USD để thanh toán, với giá trị thấp hơn. Những DN có nguyên liệu đầu vào phải NK chiếm tỷ trọng lớn sẽ gặp bất lợi khi USD tăng giá.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, tỷ giá tăng cao đang hỗ trợ tích cực cho các DN. Rất nhiều DN XK dệt may có nguồn thu 100% là USD nên khi tỷ giá tăng sẽ có lợi đáng kể, bởi chi phí nguyên liệu đầu vào không bị tác động lớn (do Nhân dân tệ giảm giá).
Cũng lạc quan như ngành dệt may, đại diện Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, DN XK tôm vào Nhật Bản đang được hưởng lợi từ tỷ giá. Nhật Bản là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai, chiếm 17% tổng kim ngạch XK mặt hàng tôm, hầu hết các đối tác Nhật NK tôm thanh toán bằng đồng USD, nên khi giá USD tăng, DN XK tôm của Việt Nam sẽ có lợi nhuận cao.
“Trong tháng 6, nhiều DN thu lợi nhuận tăng gấp đôi so với tháng trước”, vị đại diện VASEP nói.
Ngược lại, các DN NK đang bị ảnh hưởng lớn bởi tỷ giá tăng cao. Giám đốc một DN chuyên NK mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật cho biết, công ty vay ngân hàng VND để kinh doanh, nhưng không có nguồn thu ngoại tệ để trả cho đối tác, nên phải mua ngoại tệ từ ngân hàng để nhập hàng.
“Trong kế hoạch kinh doanh, DN đã tính toán cho khoản biến động tỷ giá, nhưng giá USD tăng cao như hiện nay, tính toán sơ bộ công ty có thể bị thiệt khoảng 200 triệu đồng cho một đơn hàng trị giá 800.000 USD vừa mới nhập về. Trong khi đó, công ty không thể tăng giá bán sản phẩm bởi sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ, coi như lợi nhuận tháng 6 không có”, vị giám đốc này cho hay.
Tín dụng ngoại tệ tăng
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), tính đến cuối tháng 5/2018, tín dụng tăng khoảng 5,8% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 6,9%). Tín dụng VND ước tăng 5,6%, chiếm 91,9% tổng tín dụng; tín dụng bằng ngoại tệ tăng 8% nhưng chỉ chiếm 8,1% tổng tín dụng.
Theo lãnh đạo các ngân hàng, tín dụng cho vay bằng ngoại tệ tăng là do các DN chuộng vay ngoại tệ, vì lãi suất cho vay VND cao gần gấp hai lãi suất cho vay USD.
XK hưởng lợi khi tỷ giá tăng nhưng tổng giám đốc một DN XK thủy sản cho rằng tỷ giá tăng trong ngắn hạn sẽ có lợi, tuy nhiên về lâu dài, khách hàng sẽ tăng giá lên. Do đó, DN XK cần ổn định tỷ giá và biến động trong biên độ nhất định chứ không hẳn là tăng – giảm quá mạnh.
Đại diện NHNN cho biết, tín dụng ngoại tệ đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết của các DN xuất nhập khẩu, nhưng kỳ hạn vốn vay ngoại tệ chủ yếu ngắn hạn, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên nhằm đáp ứng các nhu cầu mua nguyên liệu cho hàng xuất nhập khẩu.
Ngoài ra, việc cho vay trong ngắn hạn còn đảm bảo thực hiện đúng theo Thông tư 18/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN được NHNN ban hành vào cuối năm 2017.
Cụ thể, Thông tư mới thay đổi chính sách cho vay ngoại tệ chỉ có thời hạn đến hết 31/12/2018. Theo lộ trình, NHNN sẽ dần xóa bỏ cho vay ngoại tệ, thay vào đó là giao dịch mua – bán ngoại tệ.
Một số chuyên gia ngân hàng cho biết việc nới thời hạn cho vay ngắn hạn ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu thanh toán trong nước là cần thiết, bởi việc chấm dứt hoạt động này có thể ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của các DN XK vì lãi suất vay ngoại tệ đang thấp hơn khá nhiều so với lãi suất vay VND.