Khái quát về bức tranh tình hình kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2018, PGS.TS Nguyễn Đức Trung – Phó Hiệu trưởng Trường đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, nền kinh tế toàn cầu được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong cả năm 2018 ở mức 3,9% tiếp theo đà tăng mạnh của năm trước.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Hoa Kỳ cũng tăng trưởng ấn tượng lên mức 2,3%. Nền kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu tiếp tục được cải thiện. Song bên cạnh đó, việc kinh tế Trung Quốc đang trong đà suy giảm, kinh tế Nhật Bản cũng gặp nhiều khó khăn… đã đặt ra cho nền kinh tế thế giới những kịch bản đối mặt với khủng hoảng hay tiếp tục đà tăng trưởng bền vững. Những diễn biến này có tác động trên phạm vi toàn cầu.
Thực tế, 6 tháng đầu năm 2018 diễn biến kinh tế trong nước cho thấy không theo quy luật tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,08%, đạt mức tăng trưởng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011.
Khu vực nông, lâm, thủy sản tiếp tục thể hiện xu hướng tích cực nhờ vào nhu cầu thế giới tăng cao và thời tiết thuận lợi. Xuất khẩu 6 tháng đầu năm đạt 13,45 tỷ USD tăng 9,5 so với cùng kỳ. Hay như ngành dịch vụ có mức tăng cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây đạt 6,90%. Hoạt động công nghiệp đạt mức tăng trưởng 9,28%…
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào khu vực FDI. Các chuyên gia đánh giá sự gia tăng hay chững lại của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có tác động mạnh tới nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện tại.
Trái ngược với thực tế các dòng vốn đang rút khỏi những nền kinh tế mới nổi, Việt Nam vẫn là điểm thu hút đầu tư FDI hàng đầu thế giới. Điều này bắt nguồn từ sự đồng bộ các chính sách của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh, qua đó thu hút được các dự án quy mô lớn như Samsung, Intel, Deawwo… Các dự án FDI đã không chỉ tạo ra kim ngạch xuất khẩu lớn giúp Việt Nam xuất siêu trong 3 năm trở lại đây, mà còn giúp hỗ trợ các DN trong nước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ông Bùi Quốc Dũng, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, DN FDI đóng vai trò nhất định đối với tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam, trường hợp tăng tỷ lệ nội địa hóa của Samsung từ 31,9% lên 51,2% là ví dụ điển hình. Cùng với đó, là sự tái đầu tư trở lại thị trường Việt Nam thông qua những dự án xây dựng nhà máy quy mô lớn… Ngoài ra, những DN FDI quy mô lớn còn có sức lan tỏa mạnh về công nghệ, kỹ năng, cũng như thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường trong nước.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng đầu năm 2018 cả nước có 1.366 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 11,8 tỷ USD, bằng 99,7% so với cùng kỳ năm 2017; có 507 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,43 tỷ USD, bằng 86,2% so với cùng kỳ năm 2017…
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành nhận định, đó không chỉ là sự chững lại về số lượng vốn đăng ký hay giải ngân trong 6 tháng đầu năm, mà nếu phân tích sâu, còn thấy sự đóng góp của các DN FDI cho nền kinh tế cũng đang giảm. Bên cạnh đó, thời gian qua không ít dự án còn có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường…
Tuy nhiên, không thể phủ nhận những DN này đã và đang đóng góp lớn đối kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, tạo ra công ăn việc làm, hiệu ứng tích cực trong việc sử dụng công nghệ tiến tiến, tạo đầu mối, liên kết chuỗi để tạo điều kiện cho các DN nội từng bước tiến ra thế giới.