Đi xa để phát triển mạnh hơn
Thị trường địa ốc phía Nam gần đây chứng kiến làn sóng nhiều doanh nghiệp TP.HCM đổ mạnh dòng vốn đầu tư về các tỉnh lẻ. Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Thiên Minh (thuộc Thiên Minh Group) đã tung ra thị trường dự án đất nền shophouse – phố thương mại Phan Đình Phùng ngay trung tâm TP. Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi).
Sự kiện bán hàng dự án này gây sốt trên thị trường Quảng Ngãi khi có hơn 500 khách hàng tham dự và chỉ trong 2 giờ đồng hồ, toàn bộ sản phẩm công bố ra thị trường đã được khách hàng đặt mua. Đây là dự án thành phần do Thiên Minh mua lại từ Công ty Bất động sản Phát Đạt.
Trước đó, Thiên Minh cũng đã tiến về thị trường Bình Dương bắt tay với Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tây Hồ (TayHo JSC) để phát triển dự án căn hộ cao cấp Compass One tại đường Hoàng Văn Thụ, phường Chánh Nghĩa, TP. Thủ Dầu Một.
Theo bà Nguyễn Vũ Thiên Diễm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Thiên Minh, thị trường bất động sản hiện nay đã hoàn toàn khác, câu chuyện một người sinh sống ở TP.HCM có một căn nhà ở Nha Trang hay Phan Thiết, Bà Rịa – Vũng Tàu… để đầu tư hay để nghỉ dưỡng đã trở nên hết sức bình thường và đang dẩn trở thành xu hướng trong thời gian tới.
Ngoài Thiên Minh, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, nhiều doanh nghiệp địa ốc tại TP.HCM khác cũng đang đẩy mạnh đầu tư về các tỉnh.
Chẳng hạn, đầu năm 2017, Công ty Bất động sản Danh Khôi (DKR) rót vốn đầu tư dự án Queen Pearl Mũi Né tại Bình Thuận. Dự án có quy mô lên đến 1.200 nền sản phẩm nhà phố, chỉ sau một thời gian ngắn chào bán ra thị trường, toàn bộ sản phẩm đã được tiêu thụ.
Nối tiếp thanh công này, giữa năm 2017, Danh Khôi tiến ra thị trường Nha Trang để phát triển Dự án Haborizon Nha Trang. Đây là dự án được quy hoạch đồng bộ trên khu đồi Hòn Rớ, nằm trên trục đường Tôn Đức Thắng – liền kề Đại lộ Nguyễn Tất Thành, TP. Nha Trang. Cuối năm 2017 vừa qua, dự án đã chính thức chào bán ra thị trường và chỉ trong một buối sáng, toàn bộ gần 400 căn nhà phố, biệt thự đều được khách hàng đón nhận.
Tương tự, Tập đoàn Hưng Thịnh sau thành công với việc bán hàng ngàn sản phẩm đất nền tại Dự án Khu đô thị Golden Bay có mô 79 ha tại Bắc bán đảo Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), trong năm 2017 vừa qua, cũng tại khu vực Bắc Bán đảo Cam Ranh, Hưng Thịnh đã thâu tóm một dự án của Công ty Phát Đạt để phát triển thành một dự án bất động sản nghỉ dưỡng tầm cỡ có quy mô vốn lên đến gần 1.000 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp ở TP.HCM khác là Công ty DRH Holdings mới đây cho biết, vừa mua lại một dự án có quy mô gần 80 ha tại tỉnh Bình Thuận và đang triển khai phát triển thành một khu đô thị với tổng vốn đầu tư lên đến 3.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức cũng cho biết, đang triển khai một dự án có quy mô hơn 60 ha tại Bình Dương và nhiều quỹ đất khác tại Đồng Nai, Quảng Ngãi…
Ngoài những cái tên “đình đám” nêu trên, còn có một loạt đại gia bất động sản lớn khác ở TP.HCM đã rộn ràng vào cuộc hoặc ngấm ngầm mở rộng phạm vi phát triển ra các thị trường mới như Phúc Khang Corp với chuỗi sản phẩm nghỉ dưỡng tại Phan Thiết, Danh Khôi Việt với một dự án ở Cam Ranh, Novaland với dự án ở Cần Thơ, cùng với nhiều tên tuổi lớn của làng địa ốc Hà Nội và TP.HCM đã có mặt tại Phú Quốc…
Xu hướng ngày càng mạnh
Theo phân tích của các chuyên gia bất động sản, với thị trường địa ốc phía Nam, nếu xác định TP.HCM là đầu tàu của thị trường, thì các địa phương lân cận được xem là thị trường ngách.
“TP.HCM đang ngày càng trở nên đắt đỏ và quá ôm đồm, trong khi cuộc sống của người dân đô thị ngày càng cải thiện, nhu cầu thụ hưởng cuộc sống yên bình, nghỉ dưỡng ngày càng gia tăng, thì câu chuyện người dân làm việc tại TP.HCM, cuối tuần ra Nha Trang, Phan Thiết hay Bà Rịa – Vũng Tàu nghỉ ngơi sẽ ngày một phổ biến”, ông Trần Lê Thanh Hiển, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Danh Khôi Việt nhận định, đồng thời cho rằng, sự phát triển của thị trường ngách này sẽ tùy thuộc vào mạng lưới kết nối hạ tầng giữa các khu vực. Nơi nào có hạ tầng phát triển tốt, nơi đó bất động sản sẽ phát triển.
Không chỉ các chủ đầu tư, trong khi thị trường địa ốc TP.HCM đã bão hòa và khó lường hơn, nhiều nhà đầu tư thứ cấp cũng đã chuyển hướng dòng tiền đầu tư về các thị trường tiềm năng, nhất là đối với những địa phương có biển, phù hợp với nhu cầu nghỉ dưỡng, đầu tư cho thuê và có hạ tầng phát triển như Bà Rịa -Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc…
Ông Dương Minh Tiến, đại diện Công ty Bất động sản Danh Khôi cho rằng, việc giá nhà đất tại TP.HCM tăng quá nóng thời gian qua là một trong những nguyên nhân chính khiến làn sóng đầu tư nhà đất ở tỉnh lẻ tăng mạnh.
Cụ thể, giá nhà đất tại TP.HCM đã tăng trung bình từ 16 – 40%, đặc biệt nhiều khu vực tăng 20 – 30%, thậm chí có nơi tăng đến 50% trong 1 năm qua.
Trong đó, khu Tây TP.HCM trước đây vốn có giá bình ổn, nay cũng tăng 20%. Trong khi đó, đất tại các địa phương lân cận hiện chỉ dừng ở mức 500 – 800 triệu đồng/nền, phù hợp tài chính nhiều nhà đầu tư tầm trung tại TP.HCM. Bên cạnh đó, hạ tầng liên tục phát triển, kết nối giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận được rút ngắn, không chỉ thuận lợi giao thương, mà hoạt động đầu tư nghỉ dưỡng, du lịch cũng thuận lợi và dễ sinh lời hơn.
Nhìn nhận về xu hướng chuyển dòng tiền về tỉnh lân cận trong thời gian tới, ông Tiến cho biết, nếu sinh sống ở TP.HCM và phải lựa chọn thị trường tỉnh lẻ để đầu tư, nhà đầu tư nên chọn những nơi có thể đến và đi tùy hứng bằng xe hơi.
“Trong bối cảnh thị trường nhà đất TP.HCM tăng quá nóng như hiện nay, nhiều khả năng trong thời gian tới, dòng tiền từ nhà đầu tư sẽ đổ dồn về các thị trường ngách, trong đó Bà Rịa – Vũng Tàu, Phan Thiết, Cần Thơ, Đồng Nai hứa hẹn là những điểm đến lý tưởng”, ông Tiến đánh giá.