Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB Capital cho biết, Công ty đã làm việc với đối tác Nhật Bản để chuẩn bị cho mô hình quỹ đầu tư dạng mở, chờ cơ hội Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chính thức cho phép triển khai.
Công ty này cũng vừa có cuộc làm việc với 6 quỹ đầu tư hàng đầu tại Singapore, trong đó, có những quỹ đang quản lý trên 30 tỷ USD, để giới thiệu về TTCK Việt Nam và tìm khả năng hợp tác, triển khai mô hình quỹ mở. Không chỉ MB Capital, nhiều công ty quản lý quỹ trong nước cũng đang chờ đợi UBCK cho phép triển khai quỹ mở, vì mô hình này có thể giúp thị trường giải tỏa 2 nút thắt quan trọng, đó là tính thanh khoản và tâm lý đầu tư.
Một số nghiên cứu cho thấy, trên thế giới, 90% quỹ đầu tư được tổ chức dưới dạng quỹ mở, vì mô hình quỹ này không chỉ giúp nhà đầu tư dễ dàng rút vốn, mà còn tạo sức ép buộc các công ty quản lý quỹ phải hoạt động hiệu quả và linh hoạt hơn trong chiến lược đầu tư.
Tại Việt Nam, cho đến thời điểm này, quỹ đầu tư mới chỉ có 2 dạng là quỹ đại chúng và quỹ thành viên, đều được tổ chức dưới dạng quỹ đóng. Mô hình quỹ đầu tư dạng mở nếu ra đời, sẽ là một loại sản phẩm mới có thể cởi trói tâm lý đầu tư của dòng vốn ngoại chảy vào TTCK Việt Nam. Quỹ mở có thể sẽ là một yếu tố “kích hoạt” dòng vốn đầu tư, trong bối cảnh TTCK Việt Nam được nhà đầu tư quốc tế “xếp hạng” đã giảm mạnh nhất thế giới và hiện đang có những tín hiệu tích cực hơn từ nền kinh tế vĩ mô (tốc độ tăng CPI giảm dần, lãi suất bắt đầu giảm từ tháng 9…), với kỳ vọng có thể hỗ trợ cho một chu kỳ tăng trưởng mới.
Về thanh khoản, nếu như góp vốn vào quỹ đại chúng, nhà đầu tư có thể bán được qua sàn, thì với quỹ thành viên, người góp vốn gần như “tắc vốn” do không thể thu hồi khoản đầu tư khi quỹ chưa đến hạn giải thể.
Theo quy định hiện hành, chỉ nhà đầu tư tổ chức mới được góp vốn vào quỹ thành viên và vì thế, khi muốn giải tỏa khoản vốn góp, họ phải tìm được một pháp nhân khác nhận mua lại. Quy định bó buộc, thủ tục phức tạp, chịu sự giám sát chặt chẽ và không được ưu đãi về thuế thu nhập, là những hạn chế không nhỏ của mô hình quỹ đầu tư tại Việt Nam, mà chỉ khi vận hành, cả công ty quản lý quỹ và nhà đầu tư góp vốn vào quỹ mới thấm hết.
Mô hình quỹ mở khi ra đời sẽ mở ra cơ hội mới, chuyển đổi hoạt động của các quỹ đầu tư hiện hữu sang quỹ mở, từ đó, ít nhất cũng sẽ giải tỏa căn bản tính thanh khoản đang bị bó chặt trong các quỹ đầu tư, nhất là quỹ thành viên hiện nay.
Cũng liên quan đến chính sách mới, ngày 30/8/2011, UBCK ban hành Quy chế hướng dẫn giao dịch kỹ quỹ (margin), trong đó có nhiều điểm mới, cởi mở và thực tiễn hơn so với dự thảo ban đầu. Dù có thể vẫn còn những “hạn sạn” trong văn bản chính thức này, nhưng để có sự đổi mới trong tư duy quản lý về margin, theo UBCK, là nhờ những ý kiến từ thị trường, nhất là các ý kiến phản biện thẳng thắn của nhiều thành viên. UBCK hy vọng, văn bản mới ban hành sẽ được các thành viên đón nhận và có tính khả thi cao trong thực tế.
Dù dòng vốn ngoại vẫn đang ở thế quan sát là chính, nhưng thị trường chờ đợi UBCK sẽ sớm mở đường cho mô hình quỹ mở, sau khi đã chính thức mở đường cho dòng vốn vay đầu tư vào chứng khoán kể từ ngày 30/8/2011. Những chính sách mới, nếu ra đời đúng thời điểm, sẽ là yếu tố quan trọng nâng đỡ tâm lý đầu tư, định hướng dòng chảy vốn vào chứng khoán – một thị trường rất cần được “kích hoạt” bằng chính sách mới để thoát khỏi xu hướng suy giảm suốt 2 năm qua.