- Nguồn nguyên liệu sản xuất ngành thực phẩm dồi dào, phong phú, do 90% nguồn nguyên liệu sản xuất là trong nước.
- Mặc dù bị ảnh hưởng do Covid-19 nhưng doanh nghiệp Nhật Bản cho biết mức độ bị ảnh hưởng tại thị trường Việt Nam ít hơn so với Thái Lan và Trung Quốc.
Trong bối cảnh nhiều ngành sản xuất đang lao đao (vì nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất), thì khảo sát gần đây do Hội Lương thực thực phẩm TPHCM thực hiện lại cho kết quả ngược lại.
Theo đó, hầu hết doanh nghiệp (DN) ngành chế biến lương thực thực phẩm cho biết đang tăng công suất sản xuất để đáp ứng đơn đặt hàng. Mức tăng trưởng toàn ngành được dự báo sẽ tăng hơn 10% trong năm 2020. Bên cạnh đó, làn sóng đầu tư của DN ngoại cũng đang nhích dần lên.
Sức tiêu thụ tăng mạnh
Đại diện Công ty cổ phần Acecook cho biết, đơn vị đã nâng công suất sản xuất lên khoảng 3 tỷ gói mì trong năm nay, đồng thời dự phòng sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 4,5 tỷ gói, nếu như nhu cầu sử dụng trong thời gian tới tăng cao.
Còn với lĩnh vực xuất khẩu, ông Mai Hoài Anh, Giám đốc Điều hành Kinh doanh quốc tế của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, thông tin sau khi tham dự hội chợ Gulfood Dubai 2020, công ty vừa hoàn tất việc ký kết hợp đồng xuất khẩu sữa và các sản phẩm sữa giá trị 20 triệu USD. Đây được xem là cơ hội để Vinamilk nói riêng và ngành sản xuất lương thực thực phẩm Việt Nam nói chung đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Đông, châu Âu và châu Á.
Ở góc độ khác, nhiều DN nước ngoài cũng đang gia tăng đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (Covid-19) vẫn diễn biến phức tạp. Phải kể đến là các DN Nhật Bản như Miki House, Uniqlo, Akuruhi… đang tích cực mở rộng hệ thống kinh doanh ở Việt Nam bằng việc khai trương thêm điểm bán hàng mới.
Lý giải vấn đề này, nhiều DN cho rằng Covid-19 diễn biến phức tạp đã đẩy nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng cao do người tiêu dùng có tâm lý mua trữ hàng. Tại nhiều hệ thống siêu thị trong nước nói riêng và trên thế giới nói chung vẫn diễn ra tình trạng thiếu hàng cục bộ. Do vậy, đơn đặt hàng sản xuất cũng theo đó tăng mạnh.
Nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại TPHCM đang tăng công suất sản xuất. |
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP HCM, cho biết hầu hết DN ngành chế biến lương thực thực phẩm đều tăng công suất sản xuất nhằm đáp ứng tối đa đơn đặt hàng mới. DN Việt Nam đang có lợi thế do nguồn nguyên liệu sản xuất dồi dào, phong phú, có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất của các DN chế biến lương thực, thực phẩm quy mô lớn. Có đến 90% nguồn nguyên liệu sản xuất là trong nước. Chỉ số ít lượng bột mì tinh nguyên liệu, hoặc phụ gia thực phẩm mới phải nhập khẩu, nhưng với tỷ lệ giảm dần, do nhiều DN trong nước đã được đầu tư và bước đầu chủ động sản xuất cung ứng cho thị trường trong nước.
Một yếu tố được xem là hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của các DN ngành chế biến lương thực thực phẩm là sự gia tăng hệ thống phân phối hiện đại nội và ngoại, giúp hàng hóa của DN tiếp cận dễ dàng hơn đến người tiêu dùng và đa dạng hóa kênh phân phối. Phải kể đến như chuỗi hệ thống bán lẻ Metro Cash và Carry, BigC, B’s Mart của Thái Lan; chuỗi siêu thị E’Mart của Hàn Quốc và Aeon của Nhật Bản; Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Alibaba của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma cũng đã mua lại Lazada với giá 1 tỷ USD để thâm nhập nhanh vào thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op… Các hệ thống bán lẻ này một mặt giúp hàng hóa sản xuất phủ rộng thị trường nội địa, mặt khác hỗ trợ xuất khẩu gián tiếp vào thị trường nước ngoài thông qua chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sẵn sàng đón sóng đầu tư ngoại
Với việc hàng loạt DN ngành chế biến lương thực thực phẩm đang phải tăng công suất sản xuất nhằm đáp ứng các đơn đặt hàng trong và ngoài nước như hiện nay, mức tăng trưởng của ngành được dự báo sẽ vượt hơn 10% trong năm nay.
Đại diện Bộ Công thương cho rằng, việc thay đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam theo hướng tăng giá trị gia tăng, chất lượng có tính đến xây dựng thương hiệu thay cho xuất khẩu thô, đã giúp hàng hóa Việt Nam dần có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã và đang tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập quốc tế thông qua các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Đây là điều kiện thuận lợi để các DN trong ngành dễ dàng mở rộng thị trường và nâng cao sản lượng xuất khẩu vào nhiều thị trường mới.
Còn với việc gia tăng đầu tư của DN Nhật Bản tại Việt Nam, thông tin từ Tổ chức Xúc tiến ngoại thương Nhật Bản tại TP HCM khẳng định, tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc đã và đang tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN Nhật Bản tại nước này. Việc dừng hoặc chậm cho phép nhà máy sản xuất Nhật Bản hoặc Trung Quốc hoạt động sẽ khiến các DN Nhật bị thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu, bắt đầu từ cuối tháng 3.
Kết quả khảo sát trên hơn 200 DN Nhật Bản cũng chỉ rõ, mức độ bị ảnh hưởng của các DN Nhật sản xuất tại Việt Nam ít hơn so với DN Nhật đang hoạt động tại Thái Lan và Trung Quốc. Môi trường đầu tư của Việt Nam đã được cải thiện rõ nét và ổn định trong những năm qua. Do vậy, việc chuyển hướng phát triển ở thị trường Việt Nam có lẽ là một phương án thay thế cần thiết để phân tán rủi ro cho các DN Nhật Bản.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh hiện nay, những điểm sáng tích cực của phát triển kinh tế vẫn tồn tại. Chính vì thế, các địa phương cần sớm có chính sách quy hoạch phát triển khu, cụm công nghiệp, cộng với những chính sách ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ thúc đẩy cũng như thu hút đầu tư DN trong và ngoài nước. Riêng với ngành chế biến lương thực, thực phẩm, việc quy hoạch khu công nghiệp sản xuất cần gắn với vùng nguyên liệu và có sự liên kết rõ ràng với các tỉnh về quy hoạch sản xuất, ổn định nguồn nguyên liệu cho ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm. Đồng thời, sớm có cơ chế, chính sách phát triển thị trường bán lẻ trong nước, như dành vị trí thuận lợi kèm theo chính sách giá thuê hợp lý kết hợp triển khai chính sách ưu đãi về thuế, vốn và lãi suất phù hợp cho các DN bán lẻ, để gián tiếp hỗ trợ DN sản xuất trong nước phát triển thị phần nội địa và xuất khẩu. |
Minh Xuân