Buổi gặp gỡ với cổ đông của Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) mới đây thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, nhất là khi hoạt động kinh doanh quý II của công ty kém lạc quan. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lỗ hơn 62 tỷ đồng. Phía doanh nghiệp đã lường trước điều này và cũng đã thông tin tới cổ đông. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do lãi vay cao, trích lập dự phòng giảm giá đầu tư chứng khoán trong bối cảnh thị trường suy giảm…
Ông Lê Quốc Bình, phụ trách công bố thông tin của CII cho biết, để kịp thời cung cấp thông tin đến nhà đầu tư về tình hình doanh nghiệp, CII tổ chức hẳn buổi gặp gỡ trực tiếp, chứ không dừng lại ở những thông tin công bố trên website, trên HOSE.
Theo ông, đại hội cổ đông có quá nhiều việc phải bàn. Những nhà đầu tư tổ chức quy mô, chuyên nghiệp có hẳn đội ngũ phân tích nên dễ dàng đánh giá thực trạng doanh nghiệp, nhưng sẽ là khó khăn cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Chính vì vậy, những buổi chất vấn trực tiếp các vấn đề thiết yếu, được quan tâm nhiều nhất như: phân tích kinh doanh quý II, hoạt động quý III, cơ cấu nợ vay… sẽ giúp nhà đầu tư nắm bắt nhanh những thông tin cần thiết. Điều này còn giúp cổ đông nhận diện rõ nét hơn cổ phiếu doanh nghiệp, thay vì chỉ nghiên cứu “chay” các báo cáo tài chính.
“Công ty sẽ tổ chức gặp gỡ nhà đầu tư thường xuyên hơn trong thời gian tới. Việc làm này không tốn kém chi phí bao nhiêu nhưng mang lại hiệu quả cao”, ông Bình nhận xét.
Cuối tuần trước, Vietinbank (mã chứng khoán CTG) tổ chức đối thoại ở TP. HCM lẫn Hà Nội với thông điệp hấp dẫn “Hội nghị dành cho các chuyên gia phân tích năm 2011”. Chủ tịch Vietinbank Phạm Huy Hùng cho biết, mục đích chính là cung cấp thông tin một cách rõ ràng nhất hoạt động của đơn vị đến nhà đầu tư.
Ngoài các thông tin vĩ mô, thị trường chứng khoán, đánh giá ngành tài chính từ đầu năm tới nay, hoạt động kinh doanh thời gian qua… đây cũng là dịp để nhà băng nâng tầm cổ phiếu CTG. Ông Hùng khẳng định: “Cổ phiếu CTG là một trong những mã tốt nhất hiện nay, bởi đơn vị kinh doanh hiệu quả, giá trị gia tăng ngày càng lớn…”.
Nhiều lần tham dự các buổi gặp gỡ với doanh nghiệp, anh Hà, quận 10, TP. HCM chia sẻ: “Nhà đầu tư háo hức đến nghe lãnh đạo công ty phân tích kỹ lưỡng hoạt động kinh doanh, trải lòng về những khó khăn, thách thức, cách khắc phục. Tuy nhiên, nhiều lúc, các ông chủ cứ huyên thuyên, nói toàn cái tốt và PR lộ liễu theo kiểu cổ phiếu của công ty tôi là tốt nhất”.
Theo anh, điều này hãy để nhà đầu tư tự đánh giá. Nhiệm vụ chính của doanh nghiệp là phác họa bức tranh kinh doanh của công ty, để cổ đông hiểu và đóng góp ý kiến, vì lợi ích chung là làm cho doanh nghiệp đi lên. Buổi đối thoại nên thẳng thắn: tại sao lỗ, khắc phục thế nào, thế mạnh là đâu, bằng cách nào khai thác tối đa…
Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP. HCM nhận định, ngoài những thông tin đã có trong bảng cáo bạch, doanh nghiệp có nhiều thông tin định tính cần cập nhật tới cổ đông. Một trong những cách thức truyền đạt hữu hiệu là gặp gỡ trực tiếp nhà đầu tư. Tại đây, nếu doanh nghiệp có “tô hồng” bản thân cũng là điều dễ hiểu và không có gì sai, cái không đúng là việc nói xấu đối thủ hay các công ty khác. “Doanh nghiệp có quyền nói tốt cho bản thân, nhà đầu tư phải biết gạn lọc thông tin”, ông chia sẻ.
Ông Phạm Kinh Luân, chuyên gia chứng khoán độc lập cũng ủng hộ việc doanh nghiệp niêm yết tăng cường tiếp xúc cổ đông. Theo ông, đây là xu hướng tất yếu. Bởi lẽ dòng tín dụng dễ dãi sẽ không còn. Tiền ít nhưng nhà đầu tư có nhiều cơ hội và họ sẽ chọn lựa kỹ lưỡng hơn trước. Cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp quyết liệt, căng thẳng hơn và muốn vượt trội hơn phải cho nhà đầu tư thấy tiềm năng, những thế mạnh của doanh nghiệp một cách thuyết phục.
Ông Luân nhận xét, phải phân biệt rõ PR và IR (quan hệ đầu tư) và xu hướng trong thời gian tới sẽ là IR. Những buổi hội thảo kiểu “khoe mẽ”, tâng bốc cổ phiếu mà không có những giải thích tường tận, thuyết phục sẽ chết dần chết mòn, bởi không mấy nhà đầu tư bỏ thời gian để “ngồi đồng” mà nghe chuyện trên trời. Do đặc thù kinh doanh khó khăn của năm nay nên nhà đầu tư sẽ dễ thông cảm, nên việc doanh nghiệp dám thừa nhận cái sai, cái khó không có nghĩa là nhà đầu tư quay lưng lại.
Vị chuyên gia góp ý, ngoài việc nghe lãnh đạo phân tích thực trạng, bản thân nhà đầu tư cũng cần đặt những câu hỏi hóc búa và xoáy sâu, chứ không nên dễ dàng bỏ lửng.