Diễn biến bất lợi
Giá cao su đang chịu áp lực giảm mạnh trên thị trường thế giới bởi tác động của nhiều yếu tố bao gồm giá dầu rẻ, nhu cầu cao su thiên nhiên yếu. Tính tới phiên ngày 25/6, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 11 trên Sàn giao dịch hàng hóa Tokyo giảm 1,1%, xuống 1,57 USD/kg, tương đương khoảng 34,5 triệu đồng/tấn. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 7/10/2016.
Một trong các nguyên nhân đẩy giá cao su xuống thấp là sau thời gian hồi phục, giá dầu có xu hướng đi xuống, góp phần đẩy mạnh nhu cầu sử dụng cao su tổng hợp, trong khi tác động tiêu cực tới cao su thiên nhiên. Chưa kể, cây cao su đang vào mùa rụng lá, việc khai thác tạm dừng nên sản lượng giai đoạn tới đây sẽ bị ảnh hưởng.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cao su tăng nhẹ về sản lượng nhưng giảm về giá trị. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu từ đầu năm đến hết tháng 5 ước đạt 424 nghìn tấn, trị giá 620 triệu USD, tăng 17,4% về lượng, nhưng giảm gần 20% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Doanh nghiệp thận trọng
Diễn biến giá cao su có nhiều thay đổi khiến các doanh nghiệp cao su tỏ ra thận trọng hơn trong việc đưa ra kế hoạch kinh doanh, đồng thời thu hút sự chú ý của các cổ đông.
Tại Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú (DPR) mới đây, cổ đông đã chất vấn HĐQT nhiều vấn đề xung quanh việc kế hoạch giá bán của năm 2018 thấp hơn nhiều so với năm 2017. Cụ thể, giá bán cao su trung bình trong năm 2018 DPR đưa ra là 36,5 triệu đồng/tấn, sản lượng tiêu thụ kế hoạch đạt 16.500 tấn.
Lý giải vấn đề này, Chủ tịch HĐQT DPR Đặng Gia Anh cho rằng, Công ty đã điều chỉnh giảm giá dựa trên giá bán thực tế quý IV/2017 và dự báo xu hướng năm 2018. Hiện giá cao su đang diễn biến xấu và liên tục giảm, trong 5 tháng đầu năm, giá bán bình quân mủ cao su của DPR là 35,9 triệu đồng/tấn (thấp hơn cả kế hoạch giá bán bình quân và giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái). Đáng chú ý, riêng tháng 5, giá bán giảm về 34,1 triệu đồng/tấn.
Trong bối cảnh này, lãi gộp về sản xuất kinh doanh của DPR 5 tháng đầu năm đạt 148 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận từ mảng kinh doanh cao su giảm mạnh, khi Công ty chỉ thu về 14,2 tỷ đồng, giảm gần 70%.
Năm nay, Cao su Đồng Phú dự kiến thu về 781,7 tỷ đồng tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 245,7 tỷ đồng, cổ tức chia tỷ lệ 40%. Với con số này, Công ty sẽ bị sụt giảm tăng trưởng so với năm 2017 khi cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) nhìn thấy rõ nhiều yếu tố khó khăn từ nay đến cuối năm 2018, khi Công ty tiếp tục thanh lý vườn cây cao su già; lao động thiếu; diễn biến thời tiết thất thường kéo theo các bệnh trên cây, ảnh hưởng đến sản lượng khai thác mủ cao su, doanh thu và lợi nhuận.
Với diễn biến này, PHR xác định kế hoạch tổng doanh thu đạt 1.606 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 400,5 tỷ đồng; giảm lần lượt 2,8% và 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, trong quý I vừa qua, doanh thu của Cao su Phước Hòa giảm mạnh từ 412 tỷ đồng xuống 268 tỷ đồng, khiến lãi gộp giảm 16,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, Công ty cổ phần Cao su Hòa Bình (HRC) cũng đề ra kế hoạch kinh doanh năm nay sụt giảm nhiều so với thực hiện năm trước. Cụ thể, tổng doanh thu 145,6 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5,5 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 35%. Hết quý I, Công ty mới ghi nhận vỏn vẹn 1 tỷ đồng lợi nhuận ròng, giảm 41% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 18% kế hoạch năm.
Cùng chung hoàn cảnh, tính đến hết tháng 4/2018, giá bán cao su của Công ty cổ phần Cao su Tây Ninh (TRC) chỉ là 35,9 triệu đồng/tấn, trong khi giá thành bình quân để sản xuất đạt 33,5 triệu đồng/tấn, mức chênh chỉ khoảng 2,4 triệu đồng/tấn. Giá vốn bán hàng cao làm giảm lợi nhuận của TRC trong kỳ này, các khoản lợi nhuận khác ghi nhận 5,5 tỷ đồng (giảm mạnh so với con số 27,3 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái).
Đồng thời, doanh thu quý I/2018 của Công ty giảm nhẹ, chỉ đạt 80,8 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 11,4 tỷ đồng, bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. So với kế hoạch năm, TRC mới hoàn thành 13% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Trên thị trường chứng khoán, nhiều cổ phiếu cao su đã có phản ứng với diễn biến khó khăn chung của ngành, khi đồng loạt quay đầu giảm giá. Chỉ tính hơn 10 phiên từ ngày 14/6 đến ngày 26/6, giá cổ phiếu PHR giảm 12,1%; cổ phiếu TRC giảm 3,4%; cổ phiếu HRC giảm 9,5%, DPR giảm 4,1%…