Việc bất động sản tiếp tục giữ vị trí “á quân” trong thu hút FDI có vai trò quan trọng trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng dường như đang siết lại với kinh doanh, đầu tư, mua bán bất động sản.
Đồng thời, như nhận định của ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc Đầu tư Savills Việt Nam, sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại sẽ đem tới thị trường những chuyên môn, kinh nghiệm phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế ở tất cả các lĩnh vực và phân khúc.
Một sự tình cờ thú vị khi tuần qua, Công ty Tư vấn Jones Lang Lasalle (JLL) công bố Báo cáo minh bạch bất động sản châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, tại Đông Nam Á, Thái Lan và Việt Nam được xếp hạng thị trường có chỉ số minh bạch tăng trưởng ấn tượng nhất, ở ngưỡng quá độ lên nhóm “Bán minh bạch”.
Đây được xem là bản báo cáo về chỉ số minh bạch bất động sản toàn cầu (GRETI) có sự so sánh toàn diện nhất về khả năng cung cấp dữ liệu, quản trị, quy trình giao dịch, quyền tài sản và quy định/môi trường pháp lý của các nền kinh tế trên toàn thế giới.
Do đó, việc Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng về chỉ số minh bạch không đơn thuần chỉ là sự gia tăng về mặt xếp hạng trong báo cáo của JLL, mà nó còn cho thấy tín hiệu tích cực về niềm tin của các nhà đầu tư ngoại đối với một thị trường bất động sản còn khá mới như Việt Nam.
Có nghĩa là niềm tin tỷ lệ thuận với động thái rót vốn!
Trong các đối tác đầu tư, một điểm đáng lưu ý là 6 tháng đầu năm, Nhật Bản bất ngờ đứng vị trí dẫn đầu trong số các quốc gia và vũng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư là 6,47 tỷ USD, trong đó bất động sản Việt Nam cũng là “miếng bánh” được các nhà đầu tư Nhật yêu thích.
Chỉ tính riêng dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội đã có tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do Sumitomo, một doanh nghiệp Nhật Bản phối hợp cùng BRG Việt Nam thực hiện. Đồng thời, cũng là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất nửa đầu năm 2018.
Ngoài ra, một loạt đại gia Nhật Bản khác như Aeon, Hankyu Hanshin Properties, Nishi Nippon Railroad…, cũng liên tục gia tăng các khoản đầu tư vào bất động sản Việt với nhiều thương vụ hợp tác với nhà đầu tư nội như Phú Mỹ Hưng, Nam Long, An Gia, Tiến Phát, Hòa Bình, Phúc Khang…
Là một trong những nhà đầu tư khó tính nhất thế giới, việc các dòng vốn từ Nhật Bản chủ động đổ vào Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn gây nhiều sự ngạc nhiên. Bởi lẽ, mới trước đó vài năm, nhiều nhà đầu tư nội đã từng “đem chuông đi đánh xứ người”, nhưng đều nhận được sự lắc đầu từ chối.
Vậy điều gì đã khiến nhà đầu tư thay đổi “khẩu vị” nhanh chóng đến vậy?
Theo JLL Việt Nam, thực ra, có một lượng lớn các nhà đầu tư ngoại đã “âm thầm” quan sát thị trường địa ốc Việt Nam từ năm 2014-2016. Đây cũng là thời điểm mà Việt Nam tiến hành thay đổi, cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, đặc biệt là xây dựng lại bộ khung pháp lý cho thị trường bất động sản.
Và giờ là thời điểm phù hợp để các chính sách thẩm thấu, khiến nhà đầu tư ngoại yên tâm hơn!
Bên cạnh đó, trong bối cảnh cơ hội đầu tư địa ốc ở các quốc gia phát triển lân cận đã tới hạn, thì việc Việt Nam mới đang ở chu kỳ đầu phát triển được xem là cơ hội tốt để tối ưu hóa dòng vốn đầu tư.
Đại diện một doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, thị trường bất động sản, hạ tầng của Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang hấp dẫn. Ngoài ra, như chia sẻ của ông Shinichi Sakaki, Phó cục trưởng Cục Đô thị, Bộ Đất đai, Giao thông, Du lịch Nhật Bản, nước này có kinh nghiệm phát triển nhiều đô thị vệ tinh quy mô lớn, nên đang tìm cách “xuất khẩu” kỹ thuật đó ra nước ngoài.
Tất nhiên, Nhật Bản cũng chỉ là một trong số nhiều nhà đầu tư tiềm năng và cơ cấu của dòng vốn FDI hiện vẫn quá thiên về các phân khúc cao cấp. Nhưng theo thời gian, điều này sẽ thay đổi.
Chỉ có điều, các nhà quản lý và chủ đầu tư nội không thể ngồi chờ thời gian mà cần phải tự thay đổi, đổi mới hơn cơ chế quản lý, minh bạch thị trường, minh bạch dự án để tiếp sức hút mạnh hơn dòng vốn từ bên ngoài biên giới.