Việc che giấu thông tin phá sản của CTCP Dược Viễn Đông (DVD) khiến các cổ đông mới của DVD từ tháng 5 tới nay phẫn nộ, khi cổ phiếu phút chốc biến thành mớ giấy vụn. Sự việc là hồi chuông cảnh báo rủi ro cho giới đầu tư khi DN niêm yết cố tình chây ỳ thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin. Đã đến lúc cơ quan quản lý cần mạnh tay trong xử lý những sai phạm tương tự.
Trông người lại nghĩ đến ta
Gần đây, các NĐT nội địa biết đến hai câu chuyện liên quan đến việc công bố thông tin trên TTCK nước ngoài. Trường hợp thứ nhất xảy ra với một DN Việt Nam – Tập đoàn Cavico (mã CAVO) trên sàn chứng khoán NASDAQ (Mỹ). Vào đầu tháng 7/2011, cổ phiếu CAVO bị buộc phải hủy niêm yết trên NASDAQ. Lý do NASDAQ quyết định hủy niêm yết cổ phiếu CAVO là do Cavico không nộp báo cáo tài chính năm 2010 đúng hạn – một quy định bắt buộc đối với các cổ phiếu niêm yết tại đây. Trước đó, sàn này đã từ chối cho phép Cavico kéo dài thời gian gia hạn nộp báo cáo.
Câu chuyện thứ hai là của cổ phiếu của Tập đoàn HSBC tại Sở GDCK Hồng Kông. Chiều 10/8/2011, cổ phiếu này bất ngờ bị tạm đình chỉ giao dịch. Nguyên nhân là do trên website của mình, Tập đoàn HSBC thông báo về việc bán lại bộ phận kinh doanh thẻ và khối dịch vụ tài chính cá nhân tại Mỹ. Thông tin này được công bố trên bản tin và trang web của Sở GDCK Hồng Kông cùng ngày 10/8, nhưng trễ hơn. Lý do là sàn này bất ngờ bị tin tặc tấn công nên có thời điểm thông tin bị gián đoạn. Ngay sau khi kiểm soát lại tình hình, Sở GDCK Hồng Kông đã quyết định tạm thời đình chỉ giao dịch 7 cổ phiếu trong phiên giao dịch buổi chiều cùng ngày (trong đó có cổ phiếu HSBC), nhằm giúp các NĐT có đủ thời gian tiếp cận thông tin một cách công bằng.
Việc xử lý hai tình huống trên khiến giới đầu tư trong nước so sánh với “scandal” về DVD hiện tại. Trước khi thông tin phá sản được một chủ nợ của DVD (thực chất không có nghĩa vụ và trách nhiệm thông báo với HOSE) chủ động công bố, DVD đã chây ỳ không thực hiện một loạt nghĩa vụ công bố thông tin bắt buộc như báo cáo thường niên 2010, BCTC và báo cáo tình hình quản trị quý I và II/2011. Trong khoảng thời gian này, một loạt cổ đông lớn đã thực hiện thoái vốn khỏi DVD. Gần 4 triệu cổ phiếu DVD đã được sang tên cho các NĐT, có lẽ đa phần là cá nhân nhỏ lẻ. Và bây giờ, họ đang hứng chịu thiệt hại khi nắm trong tay một mớ cổ phiếu sắp trở thành giấy vụn. Thông tin được xem là linh hồn của TTCK. Và khi sự không rõ ràng vô tình được dung dưỡng đã ươm mầm cho sự thiếu minh bạch về thông tin DN, gây thiệt hại trực tiếp cho cổ đông.
Đã hai tuần trôi qua kể từ khi kết thúc thời hạn nộp BCTC bán niên soát xét, vẫn còn khá nhiều DN niêm yết chây ỳ. Thậm chí, số lượng DN chưa nộp BCTC hợp nhất lên đến vài chục DN. Với số đã hoàn thành, giới đầu tư còn vấp phải hiện tượng “bùa phép” kế toán, khi nhiều con số có sự chênh lệch lớn trước và sau kiểm toán, trước và sau hợp nhất. Vấn nạn này lặp đi lặp lại, làm giảm dần niềm tin của NĐT.
Cần xử phạt nặng
Tồn tại nêu trên một phần xuất phát từ sự dễ dãi của không ít NĐT cá nhân, nhưng cũng liên quan đến khung pháp lý và khả năng thực thi pháp luật của cơ quan quản lý thị trường hiện nay. TTCK giống như cái chợ mà các mã cổ phiếu niêm yết giống như một loại hàng hóa được bày bán. Trong số đó có thể có các mặt hàng kém chất lượng như DVD trà trộn. Vấn đề là cần có cơ chế điều tiết nhằm phân loại, sàng lọc để loại bỏ các mặt hàng kém chất lượng đó. Chẳng hạn, việc chậm trễ hay vi phạm thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin hiện nay, đa phần cơ quan quản lý mới dừng lại ở việc nhắc nhở, có chăng một số trường hợp bị xử phạt hành chính.
Thị trường đang đòi hỏi phải có sự chấn chỉnh bằng các chế tài mạnh hơn. Ví dụ, với việc DN chậm thực hiện nghĩa vụ công bố BCTC không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền thật nặng. Nếu tái phạm có thể bị tạm ngừng niêm yết đến khi công ty hoàn thành nghĩa vụ công bố thông tin với các cổ đông. Tương tự, với các DN có số liệu tài chính chênh lệch trước và sau kiểm toán lặp lại nhiều lần có thể buộc phải nâng tầm sự minh bạch bằng cách tiến tới xét BCTC quý. Nếu vẫn sai phạm có thể bị hủy niêm yết bắt buộc. “Chuẩn” của một DN niêm yết không nên dừng ở các con số định lượng khô cứng về quy mô vốn, các chỉ tiêu tài chính, mà còn ở chất lượng quản trị DN, trong đó có việc công bố thông tin, công tác kế toán, kiểm toán nội bộ…
Trong trường hợp của DVD, sự thiệt hại của NĐT lẽ ra có thể được hạn chế nếu cơ quan quản lý mạnh tay xử lý các sai phạm của Công ty ngay từ khi DVD không hoàn thành các nghĩa vụ công bố thông tin từ tháng 4/2011. Điều thị trường chờ đợi hiện nay là một tinh thần mới từ cơ quan quản lý trong việc ngăn ngừa các sự cố tương tự. Chỉ khi nào các sai phạm trong công bố thông tin bị xử lý nghiêm thì mới ngăn ngừa thị trường không xuất hiện một DVD thứ hai.