Ông BÙI QUỐC DŨNG, Trợ lý Trưởng ban Kinh tế Trung ương:
Tỷ giá tăng mang tính thời điểm
Điều hành tỷ giá của NHNN thời gian qua rất nhịp nhàng, nên diễn biến của tỷ giá trong thời gian qua tính trên tổng thể không nhiều. Tỷ giá USD/VNĐ thay đổi 1-2% là chuyện bình thường và cần thiết trong điều hành.
Tuy nhiên, điều này lại thu hút được sự quan tâm vì có biến động giá ở một số thời điểm do có yếu tố tâm lý. Thứ nhất, tác động từ căng thẳng quan hệ thương mại Trung Quốc – Hoa Kỳ, đồng NDT giảm giá mạnh đã dẫn đến tâm lý lo ngại VNĐ giảm giá mạnh theo.
Thứ hai, liên quan đến thị trường chứng khoán. Trong thời gian qua, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng dẫn đến suy đoán họ sẽ rút vốn ra khỏi thị trường Việt Nam, từ đó cũng tạo ra tâm lý lo ngại về vấn đề tỷ giá. Yếu tố thứ ba là vấn đề lạm phát đang được nói đến rất nhiều, kèm theo đó là câu hỏi lạm phát có vẻ tăng và có tác động đến tỷ giá hay không.
Thêm vào đó, trên thị trường liên NH, giải ngân ngân sách chậm nên tiền gửi của Kho bạc Nhà nước ở các NHTM rất nhiều, làm cho lượng tiền mặt trên thị trường này rất nhiều, dẫn tới lãi suất VNĐ ở mức rất thấp. Khi lãi suất liên NH thấp, bản thân NH cũng có tâm lý muốn giữ USD.
Tất cả những yếu tố vừa khách quan vừa chủ quan, khiến tỷ giá tăng nhưng tựu chung cũng chỉ mang tính chất thời điểm, trên tổng thể cung cầu ngoại tệ vẫn ổn định. Sắp tới, tỷ giá sẽ còn biến động nhưng vẫn thiên nhiều về tính chất thời điểm. Hiện nay về tổng thể cung cầu rất tốt, NHNN đã tuyên bố trong những trường hợp cần thiết sẽ bán ra USD. Đồng thời, nếu việc thoái vốn của một số DNNN thực hiện thành công sẽ tạo ra thêm sự hỗ trợ cho nền kinh tế.
Thời gian qua có nhiều ý kiến nên để tỷ giá tăng theo biến động các đồng tiền khác, nhưng đặt trong tổng thể chung, đặc biệt là lạm phát có xu hướng tăng, việc điều chỉnh tỷ giá ở mức độ vừa phải là yếu tố rất quan trọng trong thời điểm hiện nay. Vừa rồi, các đồng tiền trên thế giới biến động nên có tác động tâm lý rất lớn.
Tuy nhiên, như đã phân tích, trong tỷ giá yếu tố tâm lý có tác động nhưng chỉ là một phần, cơ bản vẫn là yếu tố cung cầu của nền kinh tế. Khi cung cầu vẫn tốt, không có lý gì để kích tỷ giá lên. Còn đương nhiên tỷ giá linh hoạt không có nghĩa là cố định, nếu tỷ giá vẫn có xu hướng tăng, nhà điều hành không phải dùng mọi cách để giữ lại.
Nhìn chung, tác động từ thị trường quốc tế và yếu tố tâm lý sẽ tạo ra biến động nhưng biến động này có tính chất thời điểm, nên sẽ có lúc tỷ giá USD/VNĐ tăng mạnh nhưng sẽ lúc giảm xuống. Vì vậy, việc tỷ giá tăng 2% trong năm nay là điều bình thường và hợp lý.
PGS.TS NGUYỄN ĐỨC THÀNH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR):
VNĐ nên giảm thấp hơn NDT
Trên thị trường ngoại hối, sau khoảng thời gian biến động, tỷ giá NDT/USD liên tục tăng mạnh mẽ trong quý II-2018. Đặc biệt, quý II chứng kiến sự lao dốc của đồng NDT, sau 14 phiên giảm giá liên tục với tổng mức giảm 5,4%. Trong bối cảnh giá trị đồng USD đang dần mạnh lên vào quý II, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã có những xu hướng giảm nhẹ trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, đạt 3.112,1 tỷ USD vào cuối quý II, bất chấp thị trường tài chính trong nước này và thế giới đang trải qua những phiên giao dịch biến động mạnh do căng thẳng thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc leo thang.
Để đảm bảo dự trữ ngoại hối, Chính phủ Trung Quốc thời gian gần đây liên tiếp có những động thái cứng rắn, nhằm siết chặt đầu tư ra nước ngoài để ngăn đồng nội tệ suy yếu và dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc. Động thái giảm dự trữ ngoại hối trong giai đoạn gần đây, có thể cho thấy NH Trung ương Trung Quốc (PoBC) đang chủ động phá giá đồng NDT trước những áp lực thương mại từ Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ và Trung Quốc là 2 đối tác thương mại đặc biệt quan trọng với Việt Nam. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu, Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc với khoảng 1/4 tổng kim ngạch nhập khẩu. Cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc và sự mất giá của đồng NDT có ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tính tới cuối quý II-2018, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã giảm khoảng 30 tỷ USD so với quý I. Khả năng lớn là khối ngoại đã bắt đầu rút vốn khỏi Trung Quốc, khiến PBoC phải giảm dự trữ ngoại hối để giữ giá đồng NDT. Hiện nay, VNĐ vẫn đang được neo giá theo đồng USD. Khi đồng NDT mất giá mạnh, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường nội địa.
VEPR gợi ý một chính sách giảm giá đồng VNĐ đối với USD ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm giá của đồng NDT so với USD. Cụ thể, mức giảm giá của VNĐ có thể chấp nhận 2-3%. Với đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Việc tận dụng 2 thị trường lớn này có thể cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại.
Trong thời gian tới, tỷ giá vẫn chịu nhiều sức ép tăng mạnh trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế bộc lộ những lo ngại khi cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc leo thang. Giống như quý I, thặng dư thương mại cùng với lượng vốn FDI giải ngân cao, đã cho phép NHNN tiếp tục mua vào ngoại tệ để bổ sung nguồn dự trữ ngoại hối trong quý II.
Theo Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng, NHNN đã mua vào khoảng 11 tỷ USD trong nửa đầu năm 2018. Điều này dẫn tới dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục 63,5 tỷ USD. Tuy nhiên, lượng ngoại hối này cũng chỉ tương đương 13 tuần nhập khẩu, bằng với mức khuyến nghị của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về lượng dự trữ ngoại hối tối thiểu 1 quốc gia cần nắm giữ. Việt Nam vẫn cần tiếp tục tích lũy thêm dự trữ ngoại hối để tự tin hơn trong quá trình hội nhập.