Tỷ giá đang có xu hướng tăng khá mạnh thời gian gần đây, tạo áp lực lớn lên lạm phát. Ông nhận định về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Tỷ giá có tác động 2 mặt tới đời sống kinh tế trong nước. Một mặt tích cực giúp các doanh nghiệp xuất khẩu có thêm sức cạnh tranh trên thị trường, thậm chí có thêm các hợp đồng kinh doanh. Đây cũng là mặt tích cực cần lưu ý trong điều hành tỷ giá.
Mặt trái của nó là làm tăng giá hàng nhập khẩu. Trong bối cảnh lạm phát trong nước đang bị cộng hưởng bởi nhiều yếu tố và đang gia tăng, nếu tiếp tục điều chỉnh tỷ giá, có thể sẽ tạo cả áp lực về tiền tệ, áp lực tâm lý cũng như nhiều yếu tố khác. Nguy cơ khiến lạm phát có thể cao hơn mức 4% Quốc hội đề ra.
Vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố rằng, chúng ta đang có lượng dự trữ ngoại hối khá lớn và cam kết sẵn sàng “tung” USD để ổn định tỷ giá. Ông đánh giá như thế nào về động thái này?
Chưa bao giờ chúng ta có dự trữ ngoại hối tốt như bây giờ. Dự trữ ngoại hối tăng lên do Ngân hàng Nhà nước liên tục mua vào hàng chục tỷ USD, đồng thời có các giải pháp để trung hòa lượng tiền. Tuy nhiên như tôi đã nói, độ trễ của chính sách tiền tệ sẽ gây áp lực lên lạm phát.
Về mặt tích cực, tăng dự trữ ngoại hối là tốt nhưng mặt trái của nó chính là áp lực đối với lạm phát. Như vậy khi lạm phát tăng sẽ lập tức ảnh hưởng tới đời sống và do đó có thể ảnh hưởng ngay cả tới việc sử dụng quỹ dự trữ ngoại hối này để giữ mức độ ổn định của tỷ giá cũng như đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của các đơn vị, cá nhân.
Vậy, tỷ giá tăng có ảnh hưởng tới giá cả từ nay đến cuối năm hay không, thưa ông?
Chắc chắn tỷ giá tăng sẽ tác động đến lạm phát. Vì tỷ giá tăng, chúng ta phải bỏ ra lượng tiền nhiều hơn để mua 1 USD và do đó sẽ ảnh hưởng tới các mặt hàng. Mặc dù có mặt hàng không bị ảnh hưởng trực tiếp nhưng về tâm lý, kinh nghiệm cho thấy, cũng tạo ra sự lan tỏa, do đó sẽ ảnh hưởng chung tới mặt bằng giá cả trong nước. Đó là chưa kể đến việc doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao hơn, khiến động lực tăng trưởng kém đi, ảnh hưởng tới các mục tiêu về tăng trưởng vĩ mô.
Theo ông, các cơ quan quản lý cần làm gì để tránh những tác động không đáng có của việc tăng tỷ giá lên lạm phát, ảnh hưởng tới các mục tiêu đã đề ra từ đầu năm về tăng trưởng kinh tế vĩ mô và lạm phát?
Phải nhìn nhận rằng, những tháng đầu năm về tổng thể nền kinh tế cả nước tiếp tục tăng trưởng ổn định và đồng đều. Lạm phát được kiểm soát. Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt. Mặt bằng lãi suất ổn định, tín dụng tập trung cho sản xuất kinh doanh. Tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối nhà nước đạt 63,5 tỷ USD. Đây chính là tiền đề để chúng ta tiếp tục thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát đề ra trong năm 2018.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức đòi hỏi các chính sách phải đi vào thực chất và đặc biệt thận trọng trong thực hiện chính sách tài khóa – tiền tệ. Tôi cho rằng, cần phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, hướng mạnh tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; tiếp tục cơ cấu lại thu – chi ngân sách nhà nước; triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cùng với đó, Chính phủ phải quyết liệt cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém; phấn đấu giảm lãi suất cho vay; mở rộng quy mô tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tiếp cận vốn ngân hàng.
Xin cảm ơn ông!