Hiện nay, so với USD, đồng NDT đang mất giá 8,39%, còn VND mất giá 2,8%. Sự chênh lệch này khiến nhập siêu từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh, ảnh hưởng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước.
Tác động từ USD – NDT
Một số ý kiến cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, đồng nghĩa với việc NDT sẽ còn mất giá, trong khi lãi suất USD được dự báo sẽ được điều chỉnh tăng trong 3 kỳ liên tiếp tới. Vì vậy, Việt Nam cần theo một chính sách tỷ giá mềm dẻo.
Tính đến cuối tháng 9, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại đạt 23.390 đồng/USD, tăng hơn 1,7% so với thời điểm cuối tháng 6. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm lại không thay đổi nhiều, tăng 0,3%. Mức tăng chênh lệch khiến tỷ giá tiến sát mức biên độ trần 3% mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra.
Không chỉ có VND mất giá khi USD tăng giá, mà hàng loạt đồng tiền khác trên thế giới cũng mất giá mạnh, điển hình là đồng NDT mất giá đến 8,39% so với hồi đầu năm.
Đáng nói, hai thị trường Mỹ và Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam hiện nay, trong đó Mỹ là thị trường xuất khẩu số 1, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu đứng đầu.
Vậy, đồng NDT mất giá sâu như vậy sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường Việt Nam?
Theo Ts. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP), việc NDT mất giá mạnh sẽ khiến cán cân thương mại của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường nội địa.
Để khắc phục tình trạng này, Viện trưởng VERP cho rằng Việt Nam nên chủ động giảm giá VND một cách khéo léo giữa mức mất giá của NDT so với USD là cần thiết để Việt Nam thích ứng trong cuộc chiến tranh thương mại.
Phân tích thêm về vấn đề này, Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng xu hướng gia tăng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Do đó, từ nay đến cuối năm, tỷ giá đồng NDT sẽ còn những biến động.
Tuy nhiên, biến động tỷ giá NDT bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào sự thương lượng đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc. Nếu Mỹ sẽ tiếp tục áp thuế nhập khẩu vào các mặt hàng của Trung Quốc với lượng lớn hơn nữa, Trung Quốc sẽ phá giá đồng NDT để đối phó lại.
“Khi đồng NDT mất giá nhiều hơn nữa so với đồng USD, Việt Nam phải phá giá VND ở khoảng giữa sự mất giá giữa tiền đồng đối với USD và mất giá giữa NDT đối với USD, tạo nên sự cân bằng để hỗ trợ nền kinh tế”, ông Hiếu nói.
Có thể tăng 1,5%
Theo các chuyên gia, việc giữ ổn định VND so với USD là cần thiết, nhưng trong bối cảnh hiện nay cần có sự điều chỉnh linh hoạt.
Giải thích rõ hơn, đại diện VEPR cho rằng với đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu sang Mỹ. Việc tận dụng hai thị trường lớn này có thể cải thiện tình trạng sản xuất và cán cân thương mại.
Một số ý kiến cho rằng việc điều chỉnh trung hòa tỷ giá giữa VND đối với USD và NDT vào khoảng 4%.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, không cần thiết phải điều chỉnh cao quá. Cần phải có dự báo chính xác về tỷ giá giữa VND và USD từ nay đến cuối năm tăng bao nhiêu phần trăm, và ước tính về tỷ giá tăng giữa tiền VND, NDT và USD. Từ đó tìm được điểm trung hòa ở giữa cho tỷ giá VND.
“Tôi nghĩ rằng từ nay đến cuối năm, tỷ giá VND có thể phá giá vào khoảng 1-1,5% là hợp lý”, ông Hiếu nói.
Liên quan đến việc tỷ giá VND từ đầu năm đến nay đã tăng gần 3%, giới chuyên gia cho rằng với tình hình chiến tranh thương mại vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, Việt Nam sẽ đứng trước áp lực tỷ giá vượt mức mục tiêu của NHNN.
Trước những lo ngại về việc điều chỉnh tỷ giá tăng cao sẽ khiến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) giảm, một chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nước ngoài khi chọn thị trường Việt Nam do nhiều yếu tố như: là thị trường mới nổi có nhiều sức hấp dẫn, nhiều ưu đãi, tỷ giá ổn định… Vì vậy, tỷ giá chỉ là một yếu tố nhỏ, không mang tính quyết định.
“Việc đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp FDI là chiến lược toàn cầu. Vì vậy, thay đổi tỷ giá hiện nay không phải là động cơ chính cho quyết định của các doanh nghiệp FDI, FII”, vị chuyên gia này khẳng định.