Sắp tới, Bộ Thông tin & Truyền thông sẽ xúc tiến thành lập Vụ Công nghiệp Điện tử Viễn thông. Động thái này được cho là nhằm thúc đẩy sản xuất thiết bị đầu cuối, thiết bị mạng lưới “Made in Việt Nam”, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp điện tử nội địa, trong đó có công nghiệp quốc phòng và phát triển Internet vạn vật (IoT), công nghệ 4.0.
Thương hiệu nội mất dần
Cần thấy rằng đến lúc phải có những chính sách quyết liệt để hỗ trợ phát triển công nghiệp điện tử Việt, nhất là khi chủ lực xuất khẩu (XK) điện tử vẫn là các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Các DN điện tử trong nước vẫn loay hoay lắp ráp, gia công trong ngành công nghiệp phụ trợ, nhưng tỷ lệ cung ứng cho khối FDI chưa cao, gặp nhiều cạnh tranh từ các đối thủ ngoại.
Tại Diễn đàn Nepcon Vietnam 2018 bàn về phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành điện tử Việt Nam diễn ra ở Tp.HCM ngày 23/8, bà Đỗ Thị Thuý Hương, thành viên Ban chấp hành Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA), cho biết ngành điện tử Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn do các tập đoàn đa quốc gia đóng vai trò chủ đạo, trong đó đặc biệt là các tập đoàn của Hàn Quốc, Nhật Bản ở các lĩnh vực sản phẩm cuối cùng và sản xuất linh kiện điện tử.
Thêm nữa, theo bà Hương, những dự án đầu tư lớn nhất ở Việt Nam tập trung vào các công ty điện tử ngoại tầm cỡ lớn như Samsung, LG, Panasonic, Canon. Trong khi đó, các DN lớn trong ngành điện tử nội địa đang phát triển chậm lại, thương hiệu nội mất dần và chỉ chiếm thị phần nhỏ trong nước.
Từ nay cho đến năm 2020, mức tiêu thụ sản phẩm điện tử, điện lạnh của Việt Nam được dự báo sẽ tăng từ 7,3% lên 11,9%. Với thị trường hơn 90 triệu dân, khi nhận định về bán lẻ hàng điện tử, điện lạnh, nhiều nhà đầu tư ngoại cho biết thị trường Việt Nam vẫn là một “miếng bánh lớn” chưa được khai thác.
Vị chuyên gia của VEIA cũng nhận định các chuỗi phân phối với tỷ lệ cổ phần nằm trong tay các công ty, tập đoàn nước ngoài như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Thực tế là hàng điện tử ngoại nhập đã và đang đổ bộ mạnh vào thị trường Việt Nam.
Theo một đánh giá từ các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang là điểm đến và là công trường của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt trong đó là công nghiệp điện tử.
Cho đến nay, các số liệu về xuất nhập khẩu trong ngành công nghiệp điện tử tiếp tục cho thấy rõ về sự “thao túng” của khối ngoại và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất nhập khẩu, đặc biệt khi ngành điện tử hiện phải nhập khẩu 70 – 80% giá trị sản phẩm, trong khi tỷ lệ cung ứng các linh kiện điện tử rất thấp.
Bài toán chờ lời giải
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng có trị giá nhập khẩu lớn nhất trong 7 tháng đầu năm 2018.
Các thị trường XK máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lớn nhất sang Việt Nam là: Hàn Quốc với 9,79 tỷ USD (tăng 18,4% cùng kỳ năm ngoái); Trung Quốc với 3,95 tỷ USD (tăng 3,4%); Nhật Bản với 2,12 tỷ USD (tăng 30,5%)…
Riêng sản phẩm điện thoại các loại và linh kiện trong 7 tháng đầu năm 2018 chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với 4,33 tỷ USD (tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước), trong khi nhập khẩu từ Hàn Quốc 2,58 tỷ USD, giảm 6,8%…
Bộ Công Thương qua rà soát một số mặt hàng/ nhóm hàng công nghiệp chủ yếu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở đánh giá năng lực sản xuất, khả năng về thị trường tiêu thụ năm 2018, có nhận định rằng điện thoại di động là một trong 7 nhóm sản phẩm có khả năng tăng trưởng cao (tăng từ 10% đến trên 50%). Trong đó, nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 48 tỷ USD (tăng 27,3%), điện thoại và linh kiện ước đạt 19,5 tỷ USD (tăng 19,4%).
Song song đó, kim ngạch XK của ngành công nghiệp điện tử với tầm ảnh hưởng lớn của khối ngoại cũng cho thấy chiều hướng đi lên. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trị giá XK của nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện trong 7 tháng qua đạt 26,48 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 15,94 tỷ USD, tăng 16,2%. Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện đạt 2,36 tỷ USD, tăng 34,9%.
Tất cả đều cho thấy “miếng bánh” công nghiệp điện tử Việt đang được khối FDI khai thác triệt để như thế nào. Vậy nhưng số lượng DN nội địa thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của ngành điện tử đã và đang là nhà cung cấp cho các DN FDI lại vẫn quá khiêm tốn.
Rõ ràng, cơ hội của ngành điện tử đã bị khối ngoại lấy đi rất nhiều, vậy liệu còn có cơ hội nào cho các DN điện tử nội địa? Đây là bài toán dành cho các nhà hoạch định chính sách tìm lời giải để ngành điện tử Việt không thể mãi “nhường sân” cho khối ngoại như hiện giờ.