Tuy nhiên, trình độ và kỹ năng của người lao động Việt Nam, với xuất phát điểm chất lượng đã rất thấp, nhưng theo đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài, trong những năm gần đây lại chưa có nhiều cải thiện đáng kể.
Doanh nghiệp FDI nản lòng
Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2014 đã cảnh báo các nhà hoạch định chính sách về sự lệch pha giữa cung và cầu về lao động có kỹ năng. Trong Báo cáo PCI 2017 trở lại thảo luận về vấn đề này và thấy rằng chất lượng lao động vẫn chưa có nhiều đột phá.
Điều này được thể hiện rõ nét hơn khi doanh nghiệp (DN) FDI cho biết gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động cho các vị trí cán bộ kỹ thuật, quản lý.
Theo một khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) năm 2015, 80% DN trả lời cho biết có nhu cầu tuyển cán bộ kỹ thuật và 89% cho biết mong muốn tuyển dụng được cán bộ kỹ thuật trong tương lai.
Năm 2017, 3 năm sau đó, điều tra PCI-FDI cũng chỉ ra rằng nhân sự kỹ sư giỏi vẫn rất khan hiếm, với 55% DN cho biết “tương đối khó” và 19% đánh giá là “khó” để tuyển được lao động loại này.
Đặc biệt, đối với nhóm lao động giám đốc điều hành/giám đốc tài chính, 36% DN FDI được hỏi cho biết “khó” và 28% cho rằng “rất khó” tuyển dụng.
Tương tự, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá chất lượng lao động Việt Nam vẫn còn thấp. Chỉ có 31% DN FDI đánh giá chất lượng lao động tại tỉnh đáp ứng được nhu cầu của họ.
Phần lớn (64%) DN FDI cho biết chất lượng lao động mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu sử dụng của DN.
Theo Báo cáo PCI 2014, khi các DN FDI ít hài lòng về chất lượng đào tạo nghề của địa phương, họ phải chi nhiều hơn cho đào tạo lại lao động tuyển vào.
Năm 2014 chứng kiến sự sụt giảm đột ngột trong đánh giá của DN FDI về chất lượng đào tạo nghề tại địa phương và sự gia tăng đột biến trong chi phí đào tạo nội bộ của họ.
Tình hình không có nhiều biến chuyển kể từ thời điểm đó. Điểm số chất lượng đào tạo lao động do DN FDI đánh giá giảm từ 4,1 xuống 3,7 trong giai đoạn 2013 – 2014 và hầu như vẫn chỉ ở mức này trong 3 năm sau đó.
Theo đó, chi phí cho đào tạo lại lao động của các DN FDI hiện đã tăng lên rất nhiều kể từ năm 2014. Chi phí trung bình cho hoạt động này chỉ chiếm 3,6% chi phí kinh doanh vào năm 2013, đã tăng vọt lên 5,9% trong năm 2014 và ở mức 5,7% vào năm 2017.
Việc tăng chi phí đào tạo này có thể là do sự dịch chuyển của DN sang hướng sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn, đòi hỏi người lao động cần phải được đào tạo chuyên sâu hơn.
Thể chế phải nâng chất nhân lực
“Tuy nhiên, các chỉ số khác về chất lượng lao động cho thấy rằng sự thay đổi này phần nào phản ánh đánh giá của nhà đầu tư nước ngoài đối với trình độ tay nghề còn yếu kém của lao động địa phương”, Báo cáo PCI 2017 nêu.
Ngoài ra, Báo cáo PCI 2017 cũng cho thấy các DN FDI ít hài lòng hơn với chất lượng dịch vụ lao động tại địa phương cung cấp.
Tỷ lệ DN FDI đánh giá tích cực về chất lượng giáo dục phổ thông (chấm điểm >=3 trên thang điểm 6) giảm mạnh từ 88% xuống còn 75% trong giai đoạn 2013 – 2014 và hầu như không có cải thiện gì cho đến nay.
Trong năm 2017, điểm số của dịch vụ giới thiệu việc làm hoặc tuyển dụng lao động và giải quyết tranh chấp lao động lần lượt là 65% và 68%.
PGs.Ts. Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, chia sẻ: Việt Nam đề ra đường lối công nghiệp hoá, hiện đại hoá để sớm thành nước công nghiệp hiện đại, nhưng đến nay thành tựu đạt được còn thấp.
Với trình độ khoa học công nghệ (KHCN), chất lượng nguồn nhân lực hiện nay sẽ không tạo đẳng cấp mới, không tạo ra mức phát triển nhảy vọt cho nền kinh tế.
Ông Thạo chứng minh: Ngân hàng Thế giới dự báo với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), nếu kịch bản năng suất thấp, GDP của Việt Nam chỉ tăng thêm 1,1% vào năm 2030, còn kịch bản năng suất cao sẽ tăng thêm 3,5%.
“Tại sao chúng ta không đặt mục tiêu tăng GDP 3,5%. Để làm được chỉ có cách duy nhất là tập trung phát triển nguồn lao động, đẩy mạnh ứng dụng KHCN”, ông Thạo đánh giá.
Thời gian tới, theo ông Thạo, việc hoàn thiện thể chế tạo ra công khai, minh bạch, bình đẳng, tháo gỡ khó khăn là hoàn toàn đúng nhưng chưa đủ. Thể chế phải giúp phát triển KHCN, hướng vào nâng cao sản xuất mới tạo ra sự nhảy vọt phát triển kinh tế và tạo đẳng cấp mới.
“Giả sử đã hoàn thiện thể chế, làm môi trường trong sạch, công khai, minh bạch, giảm chi phí cho DN, tuy nhiên với trình độ KHCN hiện nay, nguồn nhân lực, năng suất lao động hiện nay, chúng ta có thể tạo ra sự phát triển cạnh tranh với nước khác không?”, ông Thạo nêu vấn đề.