Cổ tức khủng bằng cổ phiếu
CTCP Đại Thiên Lộc (HOSE: DTL) trong tuần trước đã báo cáo lên Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh về kế hoạch phát hành 30,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2017 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ lên đến 50%, tổng giá trị phát hành theo mệnh giá 303 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành sẽ được lấy từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của năm 2016 và năm 2017. Sau đợt phát hành tăng cổ phiếu này, vốn điều lệ của công ty sẽ được nâng từ 614 tỷ đồng lên trên 917 tỷ đồng.
Trước đó ngày 18/9, HĐQT của TTC Land đã thông qua Nghị Quyết triển khai phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 7% theo phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Theo đó, TTC Land dự kiến sẽ phát hành 22.192.282 cổ phiếu, tương đương 222 tỷ đồng cho việc trả cổ tức năm 2017. Nguồn vốn phát hành cũng trích từ lợi nhuận chưa phân phối và dự kiến vốn điều lệ của công ty sẽ tăng từ 3.170 tỷ đồng lên 3.392 tỷ đồng.
Một ông lớn bất động sản mới lên sàn hồi đầu năm nay là Vinhomes (HOSE: VHM) cũng đã có thông báo hôm 27/9 về phương án phát hành 669,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, với tỷ lệ lên tới 25%. Ngày chốt danh sách cổ đông là 4/10. Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế lũy kế tính đến 30/6. Vốn điều lệ công ty dự kiến tăng từ 26.796 tỷ lên 33.495 tỷ đồng.
Ngày 09/10 tới, CTCP thép Pomina (HOSE: POM) cũng sẽ chốt danh sách cổ đông phát hành gần 56 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2017 cho cổ đông tỷ lệ 30%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận 30 cổ phiếu mới. Giá trị phát hành theo mệnh giá gần 560 tỷ đồng, trích từ lợi nhuận chưa phân phối và sau phát hành vốn điều lệ sẽ tăng lên 2.433 tỷ đồng.
Cổ đông liệu có vui?
Về cơ bản, chia cổ tức bằng cổ phiếu chính là nghiệp vụ chia tách cổ phiếu và nó không hề phát sinh bất kỳ dòng tiền mới nào giúp doanh nghiệp gia tăng nội lực của mình. Tuy nhiên, chính sách này sẽ giúp dòng tiền mặt của doanh nghiệp không bị giảm xuống nếu phải chia cổ tức bằng tiền mặt, đồng thời làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp, dù giá trị vốn chủ sở hữu (gồm vốn điều lệ, lợi nhuận chưa phấn phối, các quỹ, thặng dư vốn,…) là không đổi.
Một hiểu lầm khá phổ biến là nhiều nhà đầu tư cho rằng chia cổ tức bằng cổ phiếu chứng tỏ doanh nghiệp đang tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh và kỳ vọng vào sự tăng trưởng sắp tới. Tuy nhiên, thực tế không ít doanh nghiệp do đang gặp khó khăn trong hoạt động, dòng tiền mặt bị hạn chế nên không thể chọn giải pháp chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông, mà phải chia bằng cổ phiếu.
Đứng về góc độ nhà đầu tư, việc chi trả cổ tức bằng cổ phiếu thực tế không làm tăng tài sản của cổ đông. Do sau khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu, số cổ phiếu mà cổ đông sở hữu tăng lên bằng với tỷ lệ chi trả. Nhưng đồng thời giá cổ phiếu cũng bị điều chỉnh giảm tương ứng, và vì vậy tổng giá trị cổ phiếu mà cổ đông sở hữu không tăng lên. Thậm chí có trường hợp sau khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư ngay lập tức bán ra lượng cổ phiếu nhận thêm và còn gây thêm áp lực giảm giá lên cổ phiếu.
Việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu cũng không làm tăng hay giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông, do tất cả cổ đông đều được chia thêm cổ phiếu tương ứng với tỷ lệ nắm giữ. Điểm lợi hơn là việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu giúp tránh được thuế, tương tự như việc không hề chia cổ tức do doanh nghiệp giữ lại tiền mặt để tái đầu tư. Tuy nhiên, việc tránh được thuế không có nghĩa là gia tăng giá trị cổ đông. Đáng lưu ý là đối với những doanh nghiệp đang có giá giao dịch dưới mệnh giá, thì các nhà đầu tư sẽ bị thiệt do giá áp dụng cho cổ phiếu để trả cổ tức vẫn bằng mệnh giá.
Do đó, hầu hết các nhà đầu tư không mấy mặn mà với việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, trong một thị trường giá lên thì chính sách chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp giá cổ phiếu điều chỉnh về vùng phù hợp hơn, từ đó thu hút thêm dòng tiền mới, do đó được nhiều doanh nghiệp sử dụng triệt để. Đặc biệt là với những cổ phiếu có thị giá cao, việc này sẽ gia tăng tính thanh khoản do giá cổ phiếu đã được điều chỉnh giảm và giúp những nhà đầu tư ít vốn sẽ có thêm cơ hội đầu tư, từ đó sẽ làm tăng lượng cầu và tác động làm tăng giá chứng khoán.
Dù vậy, nếu như doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả thì cũng khó có thể nhận được hiệu ứng tích cực như trên. Vì vậy, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu chỉ thật sự có lợi và làm gia tăng giá trị cho cổ đông nếu như doanh nghiệp sử dụng lượng lợi nhuận giữ lại đó và tái đầu tư có hiệu quả, gia tăng giá trị doanh nghiệp, từ đó giúp định giá công ty lên cao hơn, giá cổ phiếu cũng đi lên bền vững thì cổ đông mới thật sự nhận được quả ngọt từ việc gắn bó với doanh nghiệp.