Sáng ngày 14/03/2018, CTCP Cao su Phước Hòa (HOSE: PHR) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018. Tại đây, cổ đông PHR đã thông qua kế hoạch sản lượng cao su khai thác là 13.000 tấn mủ quy khô, sản lượng cao su thu mua là 12.000 tấn mủ quy khô, sản lượng cao su tiêu thụ là 32.713 tấn mủ quy khô với giá bán bình quân 37,01 triệu đồng/tấn. Theo đó, PHR kỳ vọng doanh thu công ty mẹ đạt 1,605 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 400,5 tỷ đồng. Với chỉ tiêu trên, PHR dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt 20%/mệnh giá cho cổ đông.
Được biết trong năm 2017, với giá bán cao su bình quân 40,39 triệu đồng/tấn, PHR đạt doanh thu hợp nhất 1.932 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng hơn 330 tỷ đồng. PHR dự kiến chi 187 tỷ đồng chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 23%, thời gian thực hiện vào quý 2/2018.
Đồng thời, để đảm bảo thực hiện các loại vốn, nguồn vốn đầu tư, phù hợp với quy mô hiện nay và thực hiện tái cơ cấu các dự án ngoài ngành theo chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, năm 2018 Công ty sẽ phát hành 54,2 triệu cổ phần với tổng mệnh giá 542 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ. Nếu phát hành thành công, tổng vốn điều lệ PHR sẽ tăng từ 813 tỷ lên 1.355 tỷ đồng, nguồn tăng vốn từ quỹ đầu tư phát triển. Được biết, cổ phiếu phát hành là cổ phiếu tự do chuyển nhượng, tỷ lệ thực hiện 3:2, dự kiến tiến hành ngay sau khi ĐHĐCĐ thông qua.
Riêng trong năm 2017 PHR chỉ tập trung phát triển dự án cao su tại Campuchia cũng như điều hành Khu Công nghiệp Tân Bình, gỗ Trường Thành; và không còn đầu tư vào lĩnh vực ngoài ngành như: dự án Sơn La, Qua La, Thủy điện Ngọc Linh, Geruco Lào… Tính đến nay, Công ty đang có 2.000 ha đất đã khấu hao nhưng chưa thanh lý, trong đó cây nhóm III đạt đến 64%, trước tình hình này, PHR đã và đang hợp tác với Mía đường Tây Ninh để luân canh cây cao su, định kỳ 3 năm.
Một nội dung đáng quan tâm khác, Đại hội cũng đã thông qua việc ủy quyền cho HĐQT ban hành quy chế quản trị nội bộ cho PHR, làm bàn đạp để trở thành công ty đại chúng sau này.
Mở rộng KCN Tân Bình thêm hơn 1.000 ha, vẫn chưa có lộ trình cụ thể về thoái vốn VSIP và NTC
Thời gian qua, bên cạnh mảng kinh doanh cốt lõi, Phước Hòa còn được giới phân tích “nhòm ngó” khi Công ty dự kiến tiếp tục có những khoản lợi nhuận đột biến đền từ tiền đền bù đất do vườn cao su bị lấy lại làm đất KCN VSIP 3, hay việc thoái vốn khỏi KCN Nam Tân Uyên (NTC).
Chia sẻ vấn đề này tại Đại hội, lãnh đạo PHR cho biết con số dự kiến sẽ bị thu hồi khoảng 691 ha cho KCN VSIP 3, phần tiền bồi thường liên quan đến khu đất vào khoảng 1 tỷ đồng/ha, tương ứng với phần lợi nhuận 691 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Phước Hòa sẽ còn được nhận thêm 20% từ lợi nhuận kiếm được từ VSIP, theo suốt vòng đời dự án. Bởi chi phí đầu tư hiện PHR bỏ ra là 35 USD/m2, như vậy Công ty mong muốn thu về tối thiểu 20% lợi nhuận. Hiện, chủ trương trên của tỉnh Bình Dương đang được Chính phủ phê duyệt nên chưa tiện công bố.
Liên quan đến việc thoái vốn tại NTC, PHR hiện đang nắm giữ 32,5% cổ phần NTC, với tổng giá trị sổ sách là 53 tỷ đồng, trong khi giá trị thị trường tương ứng tại ngày 14/03/2018 là 431,6 tỷ đồng (hiện cổ phiếu NTC đang giao dịch tại mức 83.000 đồng/cp). Hiện, tập đoàn cao su VRG đang có chủ trương sẽ mua lại phần vốn của NTC từ PHR, thay vì kế hoạch Công ty mua lại phần vốn từ VRG như trước kia; tuy nhiên tất cả vẫn chỉ là chủ trương nên chưa tiện chia sẻ lộ trình, dự kiến hết năm 2018 thì tỷ lệ sở hữu tại NTC vẫn không thay đổi.
Mặt khác, trước thắc mắc cổ đông về việc thanh lý cao su dài hạn, PHR cho biết đã ghi nhận đấu giá và toàn bộ quá trình này được thực hiện bởi Trung tâm Đấu giá tỉnh Bình Dương, nên hoàn toàn minh bạch. Đồng thời, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đồng ý cho PHR liên doanh liên kết với đối tác có năng lực để làm nông nghiệp hướng công nghệ cao, trước mắt sẽ liên hệ với Thành Thành Công.
Trên thị trường, một năm qua giá cổ phiếu PHR tiếp tục tăng gấp đôi từ mức 25.000 đồng/cp lên 49.800 đồng/cp (phiên 14/03/2018). Thanh khoản đơn vị cao su này tương đối, riêng phiên 14/02/2017 đột biến gần 3 triệu cổ phiếu được giao dịch.