Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức vào ngày 18/6/2018, CTCP Thực phẩm Đông lạnh Kido (Kido Foods, KDF) đã trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2018 với doanh thu thuần 1.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 195 tỷ đồng; tăng lần lượt 14% và 12%. Cổ tức dự kiến chi trả 14% bằng tiền, tương đương 1.400 đồng/cp. Trong đó, doanh thu từ sữa chua đá dự đạt 214 tỷ, khoai tây 7 tỷ và từ Dabaco là 20 tỷ… Còn về cơ cấu doanh thu theo địa lý, miền Bắc doanh thu (Quảng Trị trở ra) và miền Nam (Đà Nẵng đi vào) hiện đang tương đương nhau, người đứng đầu KDF cho biết.
Mảng kem dự kiến mức tăng trưởng 2018 sẽ cao hơn toàn ngành
Chi tiết mục tiêu từng mảng, đầu tiên là mảng đông lạnh, riêng kem tiếp tục là mảng đóng góp chủ lực đà tăng trong năm 2018 của Công ty. Mới đây, Công ty cho biết vừa tung sản phẩm kem với những mùi vị mới đã được khách hàng đón nhận.
Tại phân khúc cao cấp, Công ty cũng vừa cung cấp mặt hàng Kem cá Tayaki, tuy nhiên thực tế cho thấy nhiều bất cập đối với sản phẩm này. Thứ nhất, kem cá hiện đã có mặt trên thị trường Việt Nam với những thương hiệu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản… Chưa kể, Kem cá Tayaki của KDF dường như chưa gây được chú ý nhiều.
Mặt khác, Unilever cũng vừa tái khởi động lại thương hiệu Wall’s và tăng trưởng mạnh, điều này cũng được KDF ghi nhận là rủi ro thời gian tới. Song, lãnh đạo Công ty vẫn khẳng định nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành kem nói riêng đều đang tăng. Hơn nữa, mảng kem KDF còn được đặt kế hoạch tăng trưởng với mức tăng dự kiến cao hơn ngành.
Về chi phí đầu vào, KDF cho biết đã đạt được hợp đồng ký kết ngành sữa cho năm 2018 do đó biến động giá sẽ không ảnh hưởng đến chi phí, giá đường cũng đang ở mức giá thấp… do đó KDF hoàn toàn tự tin sẽ đạt được mục tiêu 2018.
Quý 1/2018, Công ty ghi nhận doanh thu thuần gần 216 tỷ đồng, giảm 46 tỷ đồng so với cùng kỳ, tương ứng mức giảm 18%. Trong khi đó, do không còn khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 80 tỷ đồng, nên doanh thu tài chính trong quý cũng giảm đi hơn 1 tỷ đồng, còn 1,53 tỷ đồng. Kết quả là, Kido Foods phải báo lỗ hơn 10,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế gần 13,6 tỷ đồng.
Trước kết quả này, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân một phần lớn đến từ sự chững lại của ngành kem. Đây cũng là câu hỏi và nghi ngại được thị trường đặt ra cho ông lớn ngành kem này, khi hiện có rất nhiều sản phẩm thay thế như trà sữa, hồng trà… đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của khách hàng, đặc biệt phân khúc giới trẻ.
Tại đại hội, phủ nhận điều này, lãnh đạo KDF phân trần có thể đà tăng trưởng đang chững lại tuy nhiên thời gian tới vẫn rất tốt. Đồng thời, ngành thực phẩm theo người cầm cương cũng đang rất khả quan.
Dự kiến tung hàng loạt sản phẩm thiết yếu trong tháng 10, quý 2 có dấu hiệu tăng trưởng trở lại
Cũng tại đại hội, rất nhiều cổ đông quan tâm đến dự án Nhà máy Bắc Ninh. Hiện, nhà máy đang được khấu hao với chi phí lớn hằng năm.
Chia sẻ tại đại hội, lãnh đạo KDF cho biết Nhà máy Bắc Ninh công suất thiết kế 20 triệu lít/năm, hiện đang đạt 8-9 triệu lít/năm. Nhà máy được xây dựng nhằm mục tiêu tiết kiệm chi phí logistic, đồng thời cũng là bản lề để Công ty phát triển mạnh hơn nữa chuỗi mặt hàng thiết yếu. Được biết, năm 2018 là năm Công ty bắt đầu đầu tư triển khai, dự kiến tung hàng loạt sản phẩm trong tháng 10 và nếu thành công, thì tương lai KDF sẽ phát triển mạnh mặt hàng sản phẩm thiết yếu.
Ngoài lợi thế từ sự hậu thuẫn của công ty mẹ là Tập đoàn Kido – một doanh nghiệp dày dạn kinh nghiệm, Kido Foods còn là doanh nghiệp sản xuất kem có hệ thống phân phối mạnh và thị phần lớn nhất – khoảng 40%. Bên cạnh kem, công ty còn có nhiều sản phẩm thực phẩm đông lạnh khác như bánh bao, xúc xích, cá viên… Bước đệm chính là việc mua lại Dabaco Food trong năm 2017, năm nay KDF sẽ bước chân sâu vào thị trường thực phẩm mát với những mặt hàng thị nguội, giò lụa, pate…
Theo đánh giá của Tổ chức Nghiên cứu thị trường Euromonitor, mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2016-2021 của ngành hàng lạnh dự báo đạt 4,4%/năm, trong đó nhóm bữa ăn sẵn có mức tăng trưởng cao hơn, xấp xỉ 9%/năm do sự dịch chuyển về thói quen tiêu dùng đối với những sản phẩm giúp tiết kiệm thời gian và tiện lợi khi sử dụng.
Dự báo kết quả quý 2, KDF cho biết đã có dấu hiệu tăng trưởng quay trở lại so với năm 2017, doanh thu lũy kế 6 tháng ước đạt 760 tỷ đồng.
Lên sàn HoSE nhằm cải thiện thanh khoản
HĐQT Công ty cho biết vào ngày 1/10/2018 tới, KDF sẽ thỏa mãn cơ bản các điều kiện để thực hiện đăng ký niêm yết giao dịch tại HoSE. Do đó, HĐQT đề xuất phương án chuyển sàn giao dịch từ UPCoM sang HoSE tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 sắp tới. Được biết, thời gian chuyển sàn dự kiến thực hiện từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019.
Nói về mã KDF của Kido Foods, một năm “chinh chiến” thương trường vẫn chưa thực sự làm thỏa mãn sự mong chờ của nhà đầu tư, khi thị giá cổ phiếu hiện tại đang rơi về vùng 35.000 đồng/cp, tương đương giảm gần một nửa so với lúc mới lên sàn.
Có rất nhiều nghi vấn cho sự sụt giảm này, nguyên nhân đến từ tình hình thời tiết không thuận tiện cho kinh doanh, hoặc cũng có nhà đầu tư cho rằng thị trường cần thêm thời gian để quan sát các động thái, sức khỏe của đại gia ngành hàng lạnh này.
Chính thức lên tiếng tại đại hội, lãnh đạo KDF cho biết hiện số cổ phiếu KDF lượng lưu hành tự do là 30% vốn, tương ứng 16 triệu đơn vị. Và, mục đích đưa KDF lên sàn HoSE nhằm cải thiện thanh khoản để tăng giá cổ phiếu trong tương lai.
Một nội dung khác cũng được xin ý kiến cổ đông trong kỳ Đại hội năm nay, HĐQT Công ty dự kiến miễn nhiệm ông Kelly Yin Hon Wong khỏi vị trí Trưởng Ban Kiểm soát, đồng thời bầu thay thế thành viên mới. Hiện, số lượng thành viên HĐQT của KDF là 2 trong khi quy định cần có từ 3 đến 5 thành viên. Do đó, HĐQT trình bầu bổ sung thêm 1 thành viên ban kiểm soát nhiệm kỳ 2016-2020. Song song với đó, HĐQT cũng trình đại hội bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT độc lập.