3 năm tới mảng dược sẽ đóng góp từ 30-40% tổng doanh thu
Rầm rộ trong năm 2017, nhiều đại gia công nghệ như Thế giới di động (MWG), Digiworld (DGW) và FPT Retail bắt đầu “dấn thân” vào mảng dược với dư địa tăng trưởng khá dồi dào. Song đến nay, khi MWG cho biết không vội triển khai mà chỉ dồn lực tập trung vào Bách Hóa Xanh, hay DGW vẫn chưa có động tĩnh đẩy mạnh, thì ngược lại FPT Retail đang cho thấy một tham vọng khá lớn đối với mảng này.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ diễn ra ngày 28/3/2018, bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Retail cho biết sau 1 năm tham gia vào chuỗi Long Châu đã tăng gấp đôi số cửa hàng dược phẩm này. Cụ thể, thời điểm Công ty bắt đầu đầu tư vào Long Châu thì chuỗi nhà thuốc chỉ đạt 5 cửa hàng, và sau 1 năm vừa học hỏi, xây dựng hệ thống phần mềm cũng như tiếp quản nguồn cung cấp, FPT Reatial đã mở thêm 5 nhà thuốc nữa, như vậy đầu năm nay Long Châu đã đạt 10 nhà thuốc. Chưa dừng lại, kế hoạch năm 2018 Công ty sẽ mở thêm 20 nhà thuốc nữa tại khu vực Tp.HCM, và con số thời gian đến là 100 cửa hàng/năm.
Bà Điệp cũng cho biết thêm sở dĩ chọn chuỗi Long Châu khi bắt đầu lấn sang mảng dược do theo quan sát, FPT Retail nhận thấy lượng đến cửa hàng này cao hơn so với các đơn vị khác. Chưa kể, lượng thuốc Long Châu có cao hơn gấp 6-7 lần so với nhà thuốc khác với giá cả tương đối rẻ, như vậy ít ai có thể cầm toa thuốc của Long Châu để mua thuốc ở gần nhà. Từ đó dẫn đến doanh thu của Long Châu rất cao, và với 40% nguồn thu đến từ mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và trang thiết bị y tế đã giúp khả năng sinh lời của chuỗi này vượt trội so với mặt bằng chung.
Theo kế hoạch, doanh thu lĩnh vực dược phẩm sẽ được đưa vào doanh thu chung của FPT Retail từ năm 2019, cụ thể khoảng 3 năm tới mảng này sẽ đóng góp 30-40% tổng doanh thu Công ty.
Tình hình kinh doanh 3 tháng đầu năm đang gặp khó khăn
Tại Đại hội, FPT Retail cũng trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 với 16.020 tỷ đồng doanh thu – tăng 22% và 377 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế – tăng 30% so với kết quả đạt được của năm 2017. Với chỉ tiêu trên, FPT Retail dự kiến sẽ chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20% và chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 70%. Với vốn điều lệ hiện đạt 400 tỷ đồng, dự kiến sau khi chia cổ phiếu, vốn điều lệ của Công ty sẽ tăng lên 680 tỷ đồng.
Tính đến tháng 3/2018 thì tình hình kinh doanh của Công ty chưa được tốt lắm, trong đó doanh thu đi ngang do gặp khó khăn về nguồn hàng về chậm. Tuy nhiên, lợi nhuận vẫn tăng trưởng tốt khoảng 25-30%. Như vậy, biên lợi nhuận Công ty đang tăng tốt?
Trả lời điều này, bà Điệp chia sẻ: “Biên lãi cải thiện chủ yếu do Công ty tối ưu hóa chi phí, cụ thể điều chỉnh ca làm của nhân viên theo giờ trong ngày, tăng lúc cao điểm và giảm lúc vắng khách. Cùng với đó, chi phí marketing hiện cũng được Công ty quản lý tốt”.
Được biết, năm 2017 vừa qua là năm có nhiều thay đổi lớn của FPT Retail về cơ cấu sở hữu cũng như kết quả kinh doanh. Doanh thu năm 2017 đạt 13.147 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2016 còn lợi nhuận sau thuế tăng 40% lên 290 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong năm 2017, FPT Retail đã được tiến hành đại chúng hóa với việc FPT giảm tỷ lệ sở hữu từ 85% xuống 47%, đưa FPT Retail từ công ty con thành công ty liên kết của FPT. Hai quỹ đầu tư hàng đầu tại Việt Nam là Dragon Capital và VinaCapital hiện đang sở hữu lần lượt là 20% và 15% cổ phần của FPT.
Một thông tin đáng chú ý khác, FPT dự kiến sẽ đưa FPT Retail niêm yết trên sàn HoSE trước ngày 30/4/2018 và hồ sơ niêm yết cũng đã được nộp lên HoSE. Trước thắc mắc về giá niêm yết của cổ đông, bà Điệp cho biết chưa thể công bố giá niêm yết đến thời điểm này do phải được duyệt bởi HoSE.
FPT Retail cũng đẩy mạnh Apple Store khi thị trường bán lẻ bão hòa
Đồng ý với luồng thông tin rằng thị trường bán lẻ điện thoại di động đã bão hòa, bà Điệp cho biết cũng chính vì thế nên bên cạnh 3 chiến lược nhằm củng cố lĩnh vực bán lẻ hiện hữu, bước đi mới của FPT Retail là mở rộng chuỗi cửa hàng Apple Store. Cụ thể, Công ty dự kiến mở khoảng 100 cửa hàng mỗi năm, kỳ vọng con số cửa hàng sẽ đạt từ 650-700 cửa hàng vào năm 2020.
Hiện Apple Store là một trong những chuỗi cửa hàng thuộc lĩnh vực F.Studio của FPT Retail. Trong đó, F.Studio đang là chuỗi cửa hàng được ủy quyền chính thức của Apple tại Việt Nam, chuyên kinh doanh các sản phẩm chính hãng của Apple, bao gồm mô hình cửa hàng cấp 1 là APR, cấp 2 AAR và cấp 3 CES. Tính đến đầu năm nay, FPT Retail đã đạt 12 cửa hàng F.Studio.
Phân tích sâu về tính khả quan của chiến lược này, Công ty cho biết Việt Nam là thị trường thứ 3 trong kênh phân phối của Apple, đứng sau Thái Lan và Singapore. Đồng thời, với thị trường Apple tại Việt Nam ngày càng tăng trong khi lượng mua hàng xách tay đang chiếm khoảng 50% thị trường, nhắm thấy tiềm năng này FPT Retail kỳ vọng sẽ lôi kéo được lượng khách hàng trên về kênh mua hàng chính hãng trong tương lai.
Tính đến nay, một trong những lợi thế cạnh tranh của FPT Retail là hiểu Apple và đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của hãng (chiếm khoảng 95% tổng lợi nhuận kinh doanh điện thoại toàn cầu). Do đó, cùng với 2 đơn vị nước ngoài là Gel và Thakral Brothers, FPT Retail được Apple chọn để phân phối sản phẩm.
Trên thực tế, điều này không phải quá mới mẻ với FPT Retail khi trước đó trong một buổi gặp gỡ nhà đầu tư, vị Tổng Giám đốc này từng phân trần: “Nếu Thế giới Di động (MWG) mở rộng kinh doanh dựa trên cái nền quản trị bán lẻ hiện có bằng việc mở Bách hóa xanh và Điện máy xanh, thì FPT Retail cũng không ngoại lệ. Và Công ty lựa chọn Apple Store dựa trên chiến lược tiếp tục khai thác thị trường Việt Nam của Apple. Mặc dù hiện tại biên lợi nhuận kinh doanh còn thấp so với các sản phẩm khác, song với mức doanh thu trên từng sản phẩm cao, cùng chiến lược phát triển sản phẩm phụ kiện kèm theo, kinh doanh sản phẩm Apple vẫn còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng”.