Chiều ngày 12/6, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) đã được diễn ra tại quận 1, TPHCM. Cổ đông đã thông qua các nội dung HĐQT trình lên.
Chia cổ tức 9% cho năm 2017
Năm 2017, Nhà máy Đạm Cà Mau đã vận hành với hiệu suất lên tới 108% công suất, qua đó đưa sản lượng năm 2017 cán mốc 850.000 tấn, hoàn thành trước kế hoạch 2 tháng. Công ty tiêu thụ được 940.000 tấn phân bón các loại, giúp doanh thu tăng trưởng trên 10% so với năm trước.
Cụ thể, doanh thu đạt 5.920 tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch và lợi nhuận trước thuế 679 tỷ đồng, vượt kế hoạch 2%.
Tây Nam Bộ là thị trường chính của Đạm Cà Mau với thị phần khoảng 60% trong năm 2017, tăng 7% so với 2016. Trong đó, công ty duy trì thị phần số 1 tại đồng bằng Sông Cửu Long.
Với những kết quả đạt được, DCM đã quyết định trích 476,5 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho các cổ đông với tỷ lệ thực hiện 9% trên mệnh giá.
Kế hoạch 2018 lãi 650 tỷ đồng
Trong năm 2018, DCM đặt chỉ tiêu sản lượng sản xuất 751 nghìn tấn đạm, tiêu thụ 841 nghìn tấn đạm và phân bón khác.
HĐQT trình kế hoạch kinh doanh với doanh thu 5.496 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 650 tỷ đồng. Trong khi doanh thu giảm 7% thì lợi nhuận lại tăng 1,5% so với kết quả thực hiện năm trước. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu ước đạt 12%.
Kết thúc quý I, Đạm Cà Mau đạt 1.315 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận sau thuế gần 260 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Đạm Cà Mau tăng lên hơn 6.394 tỷ đồng ở thời điểm tháng 3, vốn điều lệ 5.294 tỷ đồng. Trong đó, tổng quỹ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là gần 803 tỷ đồng.
Năm 2018, công ty phát triển các dự án trọng tâm gồm nhà máy sản xuất phân bón phức hợp NPK từ Ure nóng chảy công suất 300.000 tấn/năm và cảng nhập nguyên liệu công suất 500.000 tấn/năm. Đặc biệt, DCM đã hoàn thiện chiến lược vốn, báo cáo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phương án và lộ trình thoái vốn từ 75,56% xuống còn 51%.
Tỷ lệ cổ tức duy trì cho năm 2018 là 9% bằng tiền, tương đương năm trước.
6 tháng lãi 390 – 400 tỷ đồng
Thảo luận
Đề nghị nâng cổ tức 2017 lên 10%. Kế hoạch năm 2018 thận trọng và quá an toàn cần nâng các chỉ tiêu lên cao hơn. Khả năng thực hiện được bao nhiêu phần trăm kế hoạch năm?
Cần giữ lợi nhuân trích quỹ để đầu tư nên tỷ lệ cổ tức 9% là sự cố gắng của công ty.
Hoạt động kinh doanh phụ thuộc 2 yếu tố lớn. Đó là chỉ tiêu sản lượng phụ thuộc vào khả năng cung cấp khí của PVN, tập đoàn chỉ cam kết mức tối thiểu và đây là căn cứ để DCM lập kế hoạch. Về lợi nhuận, bị ảnh hưởng bởi chính sách điều tiết giá của PVN để DCM đảm bảo có lợi nhuận 12%/vốn. Khả năng có lợi nhuận từ nguồn khác chưa rõ nét, từ 2019 sẽ có nguồn khác.
Ước lợi nhuận 6 tháng?
Ước 6 tháng, lợi nhuận công ty khoảng 390 tỷ đến gần 400 tỷ đồng. Tuy nhiên lợi nhuận còn phụ thuộc vào mức điều tiết của Chính phủ. Các chỉ tiêu sản lượng, doanh thu có thể vượt mức các kế hoạch dự kiến.
Khả năng chính sách VAT mới ảnh hưởng như thế nào?
Nếu chính sách VAT được áp dụng sẽ được khấu trừ các chi phí đầu vào, giá trị được khấu trừ còn phụ thuộc vào nguyên vật liệu đầu vào. Chính sách này có thể áp dụng trong năm 2019, giảm chi phí từ 150-200 tỷ, phụ thuộc nguyên liệu đầu vào.
Lộ trình thoái vốn ra sao? Tại sao thoái còn 51%? Chiến lược thay đổi thương hiệu như thế nào?
Trong lộ trình thoái của PVN, DCM luôn sẵn sàng cho các kế hoạch kể cả khi tập đoàn thoái xuống dưới mức 51%. PVN hiện đã thành lập ban chỉ đạo để thực hiện đúng theo quy định và ký kết với đơn vị tư vấn lập phương án định giá, thời gian cụ thể.
Từ năm 2016, công ty đã triển khai chiến lược thay đổi bộ nhận diện thương hiệu. Chuyển đổi không chỉ ở phương diện sản xuất phân đạm ure mà còn là hướng đến bộ sản phẩm Đạm Cà Mau, mong muốn trở thành nhà cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng. Trong công tác R&D, DCM tập trung đầu tư giá trị gia tăng và các giải pháp dinh dưỡng cho cây trồng, tận dụng xu hướng nông nghiệp công nghệ cao.
Tác động của giá khí đầu vào từ 2019? Giải pháp giữ lợi nhuận?
Chính sách giá khí ở Việt Nam đang áp dụng phù hợp với nhiều nhà máy, DCM đang làm việc với PVN để đề xuất hợp đồng mua khí từ 2019 theo tình hình thị trường và hợp lý để nhà máy tiếp tục phát triển và hiệu quả.
Đến nay, DCM đã có sự ủng hộ từ phía tập đoàn, chính sách cụ thể hiện đã báo cáo Bộ Công Thương, thời gian tới Bộ sẽ báo cáo Chính phủ. Công ty tin tưởng Chính phủ sẽ có chính sách hợp lý để thoái vốn và giúp DCM phát triển.
Ngoài ra, DCM đã có thêm các giải pháp về sản xuất, kinh doanh, đầu tư để phát triển từ các mảng kinh doanh khác, trong đó có nhà máy NPK và phân bón hữu cơ.
Kế hoạch Nhà máy NPK?
Công ty sẽ tập trung phát triển thị trường Đồng bằng Sông Cửu Long và đây cũng là thị trường lớn nhất cả nước. DCM cũng tập trung vào sản xuất các sản phẩm chất lượng cao.
PVN có thể thoái vốn xuống 51% vào cuối năm
Về công tác thoái vốn, PVN vừa là cổ đông lớn, vừa là nhà cung cấp khí chính cho DCM.
Đại diện PVN cho biết theo kế hoạch sẽ thoái vốn xuống 51% tại DCM và cả DPM cũng được lên kế hoạch từ trước theo đề án tái cấu trúc.
Hiện nay, không phải vì DPM, DCM còn cần sự hỗ trợ về chính sách hay nguồn lực mà tập đoàn vẫn còn nắm giữ 51%. Đây chỉ là lộ trình tái cấu trúc và phù hợp với nguyên tăc thị trường, trong tương lai sẽ tiếp tục tái cấu trúc và có thể nắm ở tỷ lệ tối ưu nhất.
Hiện, tập đoàn đã thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác. Đại diện PVN tin tưởng, cuối năm nay có thể thoái vốn xuống mức 51%.
Về nguồn khí, DCM đang sử dụng chung nguồn khí với nhiều đơn vị khác tại khu vực và nguồn khí này hữu hạn. Chất lượng và khối lượng hiện không còn tốt như những năm trước, tuy nhiên PVN sẽ phân bổ tối ưu nhất, trong đó sẽ ưu tiên cho điện và đạm để sản xuất, đảm bảo tỷ lệ 80-90% trở lên.
Ngoài ra, tập đoàn đàm phán mua khí từ Petronas để bổ sung nguồn khí cho khu vực này. Khí Lô B Ô Môn cũng có 1 nhánh cấp về cho DCM trong đó có đạm và điện. PVN sẽ đảm bảo tối ưu để DCM có nguồn khí kinh doanh.
Về giá khí, Chính Phủ đã đảm bảo giá khí để DCM có lợi nhuận 12% trên vốn kể từ khi IPO. Đến nay với kế hoạch DCM đang triển khai và giá thị trường, đại diện PVN tin tưởng công ty hoàn toàn có đủ điều kiện và giải pháp để phát triển, chưa kể DCM còn có các giải pháp kinh doanh khác như năm ngoái có doanh thu tự doanh, đại diện xuất khẩu kali,…
Cuối cùng, đại diện PVN cam kết tiếp tục tạo điều kiện tốt hỗ trợ các nguồn lực, trong đó có nguồn khí ổn định cho DCM.