Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex – Mã: VGT) sáng ngày 28/6. Theo đó, Vinatex công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về kế hoạch kinh doanh năm 2018.
Kế hoạch kinh doanh hợp nhất tăng nhưng công ty mẹ lại giảm
Cụ thể, công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất đạt trên 20.300 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 787 tỷ đồng, tăng lần lượt 10% và 5% so với thực hiện năm 2017.
Riêng Công ty mẹ đặt kế hoạch doanh thu giảm 35% xuống còn gần 1.160 tỷ đồng. Dù vậy, lợi nhuận trước thuế công ty công ty mẹ vẫn đảm bảo tăng hơn 19% với trên 305 tỷ đồng.
Tại Đại hội, ông Lê Tiến Trường – Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinatex nói rằng trước đây Công ty mẹ không thực hiện sản xuất mà chỉ sản xuất tại các công ty thành viên nơi Vinatex giữ vốn. Nhưng đến năm 2017, Vinatex có đơn vị sản xuất 100% đầu tư mới tạo doanh thu tăng mạnh. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận không cao do nhiều lý do khách quan của ngành.
6 tháng đầu năm 2018, Vinatex ước thực hiện tổng doanh thu gần 9.300 tỷ đồng, tăng gần 7% so với 6 tháng đầu năm 2017. Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 394 tỷ đồng, tăng hơn 14%. Như vậy, kết quả lãi trước thuế dự tính hoàn thành một nửa kế hoạch đặt ra trong năm.
Riêng Quý I, Vinatex đạt doanh thu thuần hơn 4.399 tỷ đồng, tăng gần 13% so với quý I/2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 178 tỷ đồng, tăng hơn 41%.
|
Ước thực hiện kinh doanh 6 tháng đầu năm Vinatex (Ảnh: Sơn Tùng) |
Kế hoạch cổ tức 2018 là 6% còn năm 2017 cổ tức là 5% và đã được ĐHCĐ thông qua và sẽ thực hiện trong vòng 60 ngày sau khi được thông qua.
Tình hình ngành dệt may thiếu khả quan thời gian qua
Ông Lê Tiến Trường cho rằng thị trường dệt may thế giới năm qua không có nhiều tín hiệu sảng sủa. Năm 2017 là năm thứ 4 liên tiếp, tổng ước tiêu thụ hàng hóa dệt may tiếp tục suy giảm.
Nhiều thị trường xuất khẩu dệt may chính trên thế giới có diễn biến không thuận lợi. Đáng chú ý, nước dẫn đầu là Trung Quốc đã giảm 1,2% trong năm 2017, tương ứng trên 3 tỷ USD chênh lệch xuất khẩu. Một quốc gia khác năm trong top 5 xuất khẩu dệt may là Bangladesh giảm 1,32%, tương ứng gần 500 triệu USD. Thổ Nhĩ Kỳ cũng giảm hơn 1 tỷ USD, tương ứng 4% còn Indonesia là 4,1%. Trong các quốc gia trong top 10 chỉ có Ấn Độ tăng 3% và Campuchia tăng 3,15% còn Pakistan là 4%.
Ngoài ra, ông Trường cũng cho rằng tác động từ các căng thẳng thương mại từ Mỹ, Triệu Tiên hay Trung Quốc cũng là yếu tố tác động xấu. Đặc biệt, phía Mỹ có chính sách bảo hộ mậu dịch làm việc xuất khẩu dệt may của Việt Nam khó khăn. Kế đến, Cục dự trữ liên bang Mỹ nhiều lần tăng lãi suất gây tiềm ẩn rủi ro. Bên cạnh đó, tỷ giá tăng cũng là vấn để ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp.
Các yếu tổ khác là giá nguyên vật liệu đầu vào như bông, sơ tăng cao làm tăng chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Chí phí vận chuyển tại Việt Nam cao, thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu dài nhất trong ASEAN 4 là những vấn đề khác đang gặp phải.
Bỏ ngỏ việc thoái vốn Nhà nước trong năm nay
Ông Trường trả lời về vấn đề thoái vốn của Bộ Công thương rằng hiện nay chỉ có quyết định 58 của Thủ tướng Chính Phủ về các đơn vị Nhà nước giữ vốn trên 51%. Theo đó, danh sách không có Vinatex. Ông Trường nói rằng điều đó được hiểu là Vinatex có thể được thoái vốn khi không bị Nghị định 58 chi phối.
Ông Trường cho biết thêm việc tổ chức thoái vốn của Vinatex sẽ do Bộ Công thương chủ trì. Tới đây, nếu phần vốn Nhà nước được chuyển về Ủy ban quản lý vốn Nhà nước hoặc SCIC thì các đơn vị này sẽ đứng ra tổ chức thoái vốn. Ông nhấn mạnh thông tin chi tiết thuộc thẩm quyền của cơ quan sở hữu vốn Nhà nước nhưng có thể sẽ không thoái vốn trong giai đoạn này.
Cổ phiếu VGT giảm sâu từ đầu năm
Cổ phiếu VGT có giai đoạn tăng mạnh đầu năm nhưng có xu hưởng giảm sau đó đến nay trên 30%. Kết phiên sáng 28/6, VGT đạt 11.300 đồng/cp, giá trị vốn hóa thị trường khoảng 5.700 tỷ đồng. Về cổ phiếu công ty, ông Trần Quang Nghị – Chủ tịch HĐQT cũng chia sẻ với cổ đông và mong muốn sẽ có cải thiện trong tương lai.
|
Diễn biến giá cổ phiếu VGT từ đầu năm tới nay (Nguồn: VNDirect) |