Sáng 12/6, CTCP Gang thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS, Tisco) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018, thông qua kế hoạch 2018 và một số tờ trình liên quan đến khoản vay tại Vietinbank, cùng dự án Gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2.
HĐQT đã có tờ trình về việc thế chấp toàn bộ quyền khai thác Mở quặng sắt Tiến Bộ và Mỏ than Phấn Mễ cho Vnsteel để đảm bảo nghĩa vụ bảo lãnh với khoản vay 1.864 tỷ đồng tại Vietinbank hoặc thế chấp cho ngân hàng hay một tổ chức thừa kế/mua khoản nợ của Vietinbank khi ngân hàng hoặc tổ chức thừa kế /mua khoản nợ, nhằm giải phóng nghĩa vụ bảo lãnh khoản vay nêu trên cho Vnsteel.
Trong giai đoạn triển khai dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng sản xuất giai đoạn 2 (2009-2010) Tisco đã có văn bản đề nghị Tổng công ty thép Việt Nam (Vnsteel), cổ đông sở hữu 65% vốn, bảo lãnh khoản vay tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank). Vnsteel đã chấp thuận bảo lãnh vốn dài hạn cho khoản vay 1.864 tỷ đồng của Tisco tại Vietinbank.
Đến nay, Vnsteel đã được phê duyệt phương án thoái vốn tại Tisco, giảm sở hữu từ 65% xuống còn 21,5%. Do đó, Vnsteel đề nghị Tisco thế chấp quyền khai thác mỏ sắt Tiến Bộ và mỏ than Phấn Mễ để đảm bảo quyền lợi cho Vnsteel trong trường hợp phát sinh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của tập đoàn với khoản vay tại Vietinbank.
Tại đại hội, cổ đông đã có câu hỏi liên quan đến giá trị thị trường của 2 mỏ và tình hình đàm phán cơ cấu nợ của Tisco với Vietinbank. Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Văn Tuấn chỉ cho biết, việc thế chấp 2 mỏ nhằm đảm bảo nghĩa vụ bảo lãnh khi Vnsteel thoái vốn. Nội dung trọng tâm của câu hỏi cổ đông không được đề cập. Bên cạnh đó, đối với lộ trình thoái vốn của Vnsteel tại Tisco cũng không được HĐQT giải đáp khi cổ đông đưa ra ý kiến.
HĐQT cũng trình lên phương án tăng vốn điều lệ của Tisco từ 1.840 tỷ đồng lên 1.936 tỷ đồng, thông qua phát hành riêng lẻ. Cụ thể, Tisco sẽ phát hành riêng lẻ gần 9,7 triệu cp, tương đương 5% vốn điều lệ sau khi tăng, cho tổ chức thừa kế/mua khoản nợ của Vietinbank.
Tổ chức thừa kế/mua khoản nợ sẽ được quyền chuyển một phần nợ lãi thành vốn góp cổ phần tại Tisco tương ứng với 5% vốn điều lệ sau khi trở thành chủ nợ của Tisco.
Số nợ còn lại không trả được theo kế hoạch thì tổ chức thừa kế/mua khoản nợ của Tisco tại Vietinbank hoặc nhà đầu tư mua lại nợ của tổ chức thừa kế/mua khoản nợ sẽ được quyền chuyển tiế một phần nợ thành vốn góp tại Tisco không quá 1.000 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề trên, cổ đông cũng có câu hỏi, đã xuất hiện tổ chức nào quan tâm đứng ra mua lại khoản nợ của Tisco tại Vietinbank hay chưa, và trong tương lai tổ chức này có bị giới hạn tỷ lệ sở hữu khi chuyển đổi nợ thành vốn góp?
Đoàn chủ tịch cho biết, hiện nay, Tisco chưa thấy có doanh nghiệp, tổ chức nào muốn mua khoản nợ 1.864 tỷ đồng của công ty tại Vietinbank. Tuy nhiên, qua tiếp xúc, các doanh nghiệp, tổ chức đề xuất sau khi mua khoản nợ, muốn tham gia, phối hợp cùng Tisco trong hoạt động sản xuất kinh doanh, do đó HĐQT đã trình phương án phát hành 5% vốn. .
Kế hoạch lãi ròng 2018 tăng 46%, dự án gang thép giai đoạn 2 vẫn bế tắc
Về hoạt động kinh doanh, năm 2018, Tisco trình lên kế hoạch sản xuất thép cán 850.000 tấn, tiêu thụ toàn bộ; sản xuất phôi thép 435.000 tấn; sản xuất gang lò cao 200.000 tấn.
Công ty dự kiến doanh thu đạt 11.019 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 144,5 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 13% và 46%.
Tisco đánh giá tình hình tài chính còn gặp nhiều khó khăn, do đó công ty ưu tiên vốn để thực hiện các dự án chuyển tiếp từ năm 2017 và các dự án thực sự cần thiết phục vụ sản xuất bình ổn.
Đối với dự án mở rộng sản xuất khu liên hợp gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, công ty đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án thoái vốn Nhà nước và tái cơ cấu Tisco và phương án xử lý tồn tại vướng mắc hợp đồng EPC số 01# để Tisco làm căn cứ pháp lý triển khai đàm phán giải quyết dứt điểm các tồn tại vướng mắc với MCC và các nhà thầu phụ Việt Nam, để tái khởi động dự án trong thời gian sớm nhất.
Đối với dự án này, ban lãnh đạo cho biết, công ty đang tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, tích cực xử lý tháo gỡ với nhà thầu MCC và các thầu phụ Việt Nam. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty cũng không đưa ra phương án cụ thể và thời gian chính thức đưa dự án vận hành trở lại.
Công ty cũng lên kế hoạch đầu tư dự án nhóm B và C trong đó nhóm B là 1 dự án, tổng mức đầu tư 151 tỷ đồng, giá trị thực hiện năm 2018 là gần 12 tỷ đồng; 2 dự án nhóm C tổng mức đầu tư trên 53 tỷ đồng, giá trị thực hiện trong năm 2018 chỉ gần 2 tỷ đồng…
Công ty sẽ chi 13,76 tỷ đồng (gồm 5,51 tỷ vốn chủ sở hữu và 8,25 tỷ đồng đi vay) cho 3 hạng mục gồm mua 2 xe oto 7 chỗ và trang thiết bị hệ thống quan trắc khí thải tự động.
Năm 2017, Tisco đạt doanh thu và lợi nhuận 9.824 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2016. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế đạt 98,7 tỷ đồng, giảm 52% do chi phí sản xuất tăng cao từ ahr hưởng của dự án Gan thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn 2.
Tính đến cuối 2017, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Tisco ở mức 113,8 tỷ đồng. Công ty cho biết đang cần tập trung các nguồn lực để thực hiện dự án mở rộng giai đoạn 2, do đó tạm thời chưa phân phối lợi nhuận trong năm 2017.
Tại đại hội, HĐQT cũng tiến hành bầu bổ sung ông Lê Minh Tú và ông Ngô Sỹ Hiếu vào thành viên HĐQT thay thế ông Vũ Bá Ôn và Ngô Đình Khôi đã có đơn từ nhiệm trước đó. Cả hai ứng viên mới đều đến từ Vnsteel, mỗi cá nhân đại diện 11,7% vốn của Vnsteel tại Tisco.
Kết thúc đại hội, toàn bộ các tờ trình đều được thông qua.