Tại Đại hội, cổ đông bày tỏ sự lo lắng về xu hướng giảm giá của cổ phiếu SAB. Tính từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu SAB giảm gần 20%. Nếu tính mức giá đỉnh 335.000 đồng/CP, thì SAB đang mất hơn 40%. Qua đó, cổ đông hy vọng HĐQT SAB có kế hoạch để cải thiện giá cổ phiếu.
Ông Koh Poh Tiong cho biết, Công ty sẽ cố gắng đẩy cao doanh thu, lợi nhuận, từ đó phản ánh tốt vào giá cổ phiếu. Dĩ nhiên, có nhiều yếu tố khác tác động vào giá cổ phiếu và nằm ngoài tầm kiểm soát của Công ty.
Dù vậy, năm 2018, HĐQT trình ĐHCĐ kế hoạch lợi nhuận sụt giảm so với các năm trước đó. Cụ thể, SAB đặt kế hoạch tổng sản lượng bia tiêu thụ dự kiến 1.803 triệu lít, chỉ tăng 1%; doanh thu 36.092 tỷ đồng, tăng 5%, nhưng kế hoạch lợi nhuận sau thuế 4.007 tỷ đồng, giảm 19%. SAB dự kiến chia cổ tức 35% dựa trên kết quả kinh doanh của năm 2018.
Cổ đông yêu cầu giải thích rõ hơn về kế hoạch doanh thu tăng nhẹ, nhưng lợi nhuận giảm sâu. Đồng thời, chia sẻ kế hoạch phát triển của SAB trong các năm tiếp theo.
Đại diện SAB cho biết, có 2 nguyên nhân chính. Từ năm 2018, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng thêm 5%, từ mức 60% lên 65%. Và giá các nguyên liệu đầu vào đều tăng so với các năm trước.
Theo ông Koh Poh Tiong, SAB có nhiều khía cạnh có thể cải thiện. Đối với danh mục sản phẩm, SAB đã xem xét lại sản phẩm, cũng như nhãn hàng của công ty và đặt mục tiêu phát triển các thị trường cụ thể khác nhau.
“Chúng tôi sẽ phát triển thêm sản phẩm mới, đầu tư phát triển thương hiệu bằng các chiến lược bền vững. Đây là những ưu tiên của chúng tôi hiện nay”, ông Koh Poh Tiong nói.
Ngoài ra, thông qua hệ thống trong Công ty, trong Tập đoàn, SAB sẽ hợp tác chặt chẽ với các đối tác để đảm bảo giá nguyên liệu đầu vào, hợp tác với Thaibev để có khả năng mua hàng nhiều hơn với giá thấp hơn. Đối với vấn đề vận chuyển – tốn nhiều chi phí của SAB, sẽ có sự thay đổi để giảm chi phí vận chuyển.
Ông Koh Poh Tiong chia sẻ, có vài chục đến cả trăm danh mục mà SAB sẽ cải thiện và kỳ vọng, hạng mục chi phí sẽ có cải thiện rõ rệt trong năm tới.
Về phát triển thị trường, SAB tập trung phát triển cả 2 khu vực thành thị và nông thôn Việt Nam. Hiện SAB đã nhận được kết quả tốt ở khu vực nông thôn, là đơn vị dẫn đầu ở khu vực này. Tuy nhiên, khu vực thành thị gặp rất nhiều sự cạnh tranh.
Dự kiến, SAB sẽ tung thêm nhiều sản phẩm mới ở khu vực này, đồng thời, một trong bảy ưu tiên là phát triển hệ thống phân phối ở khu vực thành thị, nhất là ở TP.HCM.
Trước lo lắng về thương hiệu bia Việt Nam, đại diện cổ đông lớn Vietnam Beverage cho rằng, Tập đoàn đã chi hơn 4,8 tỷ USD để mua 53,59% vốn SAB cũng vì yếu tố quan trọng nhất là thương hiệu bia Sabeco. Và mục tiêu của đơn vị này không chỉ ở Việt Nam, mà đưa thương hiệu này ra tầm khu vực.
Cổ đông chất vấn về vai trò của Công ty Bia Sài Gòn mới thành lập. Cụ thể, trước thềm ĐHCĐ, SAB thông báo trở thành chủ sở hữu của Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn. Doanh nghiệp này mới được thành lập vào ngày 13/7/2018, vốn điều lệ 10 triệu đồng với lĩnh vực đăng ký hoạt động kinh doanh là bán buôn các loại bia, cồn rượu và nước giải khát.
Đại diện SAB cho biết, việc thành lập công ty này là để bảo hộ sở hữu trí tuệ về thương hiệu bia Sài Gòn.
ĐHCĐ tiến hành thông qua các tờ trình, trong đó có tờ trình quan trọng như nới room lên 100%, bỏ Ban Kiểm soát, thay vào đó là ban Kiểm toán nội bộ; bầu cử HĐQT nhiệm kỳ mới; thay đổi Điều lệ công ty…
Đại diện SAB cho biết, ngay sau ĐHCĐ, Công ty sẽ tiến hành các thủ tục để nới room.
Kết quả bầu cử HĐQT SAB nhiệm kỳ 2018-2023, gồm 7 người, trong đó có 2 đại diện của Bộ Công thương.
HĐQT Sabeco nhiệm kỳ 2018-2023 ra mắt cổ đông.
Các thành viên HĐQT SAB nhiệ kỳ 2018-2023:
Ông Koh Poh Tiong, quốc tịch Singapore, Chủ tịch HĐQT Sabeco.
Bà Trần Thị Nga, Tổng giám đốc của VietBev (pháp nhân trực tiếp mua lại Sabeco).
Ông Michael Chye Hin Fah, quốc tịch Singapore.
Ông Pramoad Phornprapha, quốc tịch Thái Lan.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Kế toán trưởng Sabeco, đại diện phần vốn Nhà nước.
Ông Lương Thanh Hải, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn, đại diện phần vốn Nhà nước.
Ông Nguyễn Tiến Vỵ, Phó chủ tịch Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam.