Sáng nay (28/3), Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số (FPT Retail – FRT) tổ chức họp Đại hội cổ đông thường niên 2018. Mới đây, HOSE thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 40 triệu cổ phiếu FRT.
Năm 2018, HĐQT trình kế hoạch kinh doanh với doanh thu thuần ước tính 16.020 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 377 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 30% so với năm trước. Cổ tức dự kiến 20% bằng tiền mặt.
Năm 2017, FPT Retail đạt tổng doanh thu 13.147 tỷ đồng, tăng 21%; lợi nhuận sau thuế gần 290 tỷ đồng, tăng 40% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên HĐQT không trình kế hoạch chia cổ tức cho năm này.
Tại Đại hội, HĐQT trình phương án phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 70%, tương đương số lượng phát hành 28 triệu cổ phiếu. Nguồn thực hiện là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính đã kiểm toán 2017.
Quyền nhận cổ phiếu phát hành thêm để trả cổ tức không được phép chuyển nhượng, cổ phiếu phát hành thêm để trả cổ tức không bị hạn chế chuyển nhượng.
HĐQT cũng trình kế hoạch phát hành ESOP năm 2018. Tỷ lệ phát hành 1% nếu tỷ lệ hoàn thành kế hoạch từ 90 đến dưới 100%. Tỷ lệ phát hành 2% nếu hoàn thành 100% kế hoạch.
Giá phát hành ESOP là giá thấp nhất giữa mệnh giá với giá thị trường tại thời điểm phát hành. Dự kiến FRT phát hành ESOP vào năm 2019 sau khi có báo cáo tài chính kiểm toán liền trước. 50% số cổ phiếu mới phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Về tờ trình thù lao HĐQT và BKS năm 2017 và kế hoạch cho năm 2018, FPT Retail không trả thù lao cho HĐQT và BKS cả năm 2017 và 2018.
FPT Retail có vốn điều lệ 400 tỷ đồng, đang sở hữu 2 chuỗi bán lẻ là FPT Shop (bán lẻ sản phẩm công nghệ) và F.Studio (cung cấp các sản phẩm và phụ kiện chính hãng của Apple) với 475 cửa hàng trên cả nước. Con số cửa hàng đã tăng trên 7 lần trong giai đoạn 2012 – 2017 và dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Hiện, thị phần bán lẻ di động của FPT Retail chỉ đứng thứ 2, sau công ty Thế Giới Di Động (MWG) và ước đạt 18,2% năm 2017.
Trong năm 2017, FPT Retail có sự thay đổi về cơ cấu cổ đông, đặc biệt là sự tham gia của hai cổ đông ngoại. Công ty cổ phần FPT là cổ đông lớn nhất sở hữu 47% vốn FRT. Hai cổ đông ngoại khác là VinaCapital và Dragon Capital lần lượt sở hữu 15% và 20% vốn, còn lại là các cổ đông khác.