Do đó, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng chuỗi liên kết cung ứng cho dệt may, đặc biệt là cung ứng nguyên phụ liệu tại chỗ.
-Dệt may được nhận định là ngành hưởng lợi cao từ CPTPP với mức tốc độ tăng trưởng dự kiến của xuất khẩu dệt may là 8,3-10%, quan điểm của ông về nhận định này thế nào?
Theo tôi mức tăng trưởng này là hoàn toàn lạc quan khi CPTPP và EVFTA có hiệu lực. Bởi năm 2017 xuất khẩu dệt may Việt đã đạt 31,16 tỷ đô, tốc độ 10,23%, hơn nữa với những điều khoản mang tính mở cửa của CPTPP như giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, thậm chí cả những vấn đề mới phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm Chính phủ hay doanh nghiệp nhà nước, sẽ tiếp lửa cho dệt may Việt Nam.
Ngành dệt may sẽ được hưởng lợi thứ nhất, tiếp cận nhiều thị trường lớn có tiềm năng như những thị trường Úc, Canada, Chile… những thị trường mới và tiềm năng. Trong đó nhiều thị trường hiện Việt Nam chưa có FTA do đó khi CPTPP có hiệu lực thuế suất giảm chúng ta có cơ hội lớn hơn vào các thị trường này.
Thứ hai, CPTPP quy định thuế suất hầu hết các mặt hàng sẽ giảm về 0% trong vòng 7 năm, Việt Nam có thể nới lỏng đến 10 năm, như vậy, thuế suất vào các thị trường xuất khẩu giảm sẽ giúp doanh nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao đồng thời nâng cao sức cạnh tranh
Thứ ba, tận dụng được nguồn cung nguyên liệu, học hỏi công nghệ sản xuất và trình độ quản lý từ các nước nội khối, kết hợp cùng phát triển.
Thứ tư, quy định về xuất xứ hàng hoá từ sợi trở đi sẽ tăng thu hút đầu tư nước ngoài vào đầu tư vào những khâu chúng ta đang yếu như vải, sợi. Minh chứng, ngay vào thời điểm đàm phán cuối của TPP các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan đã bắt đầu có xu hướng tăng cường đầu tư vào các nhà máy trong ngành. Các nhà đầu tư có thể tận dụng ưu đãi thuế suất khi xuất khẩu sản phẩm dệt may vào khối 10 nước còn lại trong CPTPP.
Thứ năm, thay đổi thể chế tạo hiệu ứng và động lực cho doanh nghiệp phát triển. Theo tôi, lợi ích về về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhiều khi còn lớn hơn những lợi ích về kinh tế như giảm thuế.
-Triển vọng là vậy, nhưng hẳn sẽ không thiếu những thách thức, thưa ông?
Đúng vậy, để được hưởng những lợi ích từ Hiệp định này, tôi cho rằng khó khăn mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải vượt qua khi vào CPTPP cũng không nhỏ. Điển hình như việc cắt giảm thuế quan sẽ có tác động hai mặt, trong đó, có hướng hàng hoá từ các nước mạnh về dệt may như…tràn hàng vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh.
Theo đó, một yêu cầu khắt khe của CPTPP là “nguyên tắc xuất xứ”. Bên cạnh đó là thách thức về xu hướng đầu tư rất nhanh và mạnh của các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường trong nước. Khi biết rõ mốc thời gian có thể thu được lợi ích từ hiệp định của Việt Nam, ngay lập tức các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp Việt sẽ rơi vào khó khăn vì yếu hơn các doanh nghiệp nước ngoài về mọi mặt.
Mặt khác, các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam hiện nay vẫn sản xuất gia công, may đơn hàng theo mẫu mà và chất liệu đặt hàng của nước ngoài, năng suất lao động còn thấp. Do đó, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường quốc tế vẫn còn yếu so với các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong khi đó, nội khối các nước CPTPP có nhiều nước mạnh về xuất khẩu dệt may như Mexico, Peru, Malaysia… các nước này đều đi trước chúng ta, đồng thời tự chủ được nguyên vật liệu đầu vào, đây lại là điểm yếu của dệt may Việt. Chúng ta vừa là đối tác vừa là đối thủ cạnh tranh với các nước này.
-Xin ông cho biết rõ hơn về “nguyên tắc xuất xứ” hàng hoá với sản phẩm dệt may trong CPTPP?
Yêu cầu khắt khe của CPTPP về “nguyên tắc xuất xứ” được quy định từ sợi trở đi, chứ không phải là từ vải trở đi như với quy định tại EVFTA. Cụ thể, nếu muốn hưởng thuế suất bằng 0% khi xuất khẩu thì các doanh nghiệp cần phải chứng minh được là nguyên vật liệu sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu đó hoàn toàn là sản xuất trong nước hoặc là nhập khẩu nguồn nguyên liệu đó từ các nước nội khối tham gia CPTPP.
Mặc dù có bổ sung danh mục nguồn cung thiếu hụt với 108 mặt hàng được phép nhập từ các nước ngoài CPTPP, nhưng cũng có 8 mặt hàng, bao gồm nguyên liệu sợi, vải có thời hạn 5 năm phải chuyển đổi vào nhập từ nội khối như Mexico, Peru…là những nước cung cấp nguyên liệu này.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ. 80% nguyên liệu của ngành phải nhập khẩu, mà chủ yếu lại từ những nước không tham gia CPTPP như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Trong đó riêng nhập khẩu vải từ Trung Quốc chiếm 50%. Chênh lệch về giá nguyên liệu từ các thị trường này so với các quốc gia trong CPTPP cũng là vấn đề với doanh nghiệp.
Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta cũng cần tăng cường liên kết trong nội khối, các doanh nghiệp phải phân chia thị trường để không phụ thuộc nhập khẩu nguyên liệu vào một thị trường nào đó.
-Vậy theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để vượt qua nỗi lo này và hưởng lợi từ CPTPP?
Có thể thấy, bản thân cơ hội không biến thành lợi ích và đôi khi chính thách thức làm nên cơ hội. Thách thức là rất lớn, nhưng cơ hội cũng rất nhiều. Do đó, việc đầu tiên doanh nghiệp cần tìm hiểu những nội dung liên quan tới ngành từ CPTPP về quy định, thủ tục hải quan, logistic của các nước. Bản thân doanh nghiệp phải tự mình vươn lên, nâng cao chất lượng sản xuất, liên kết với nhau tận dụng những lợi ích mà CPTPP.
Hiện tỷ trọng của doanh nghiệp FDI trong ngành chiếm 40% số lượng nhưng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm 62%, doanh nghiệp trong nước chỉ 38%. Hơn nữa, các doanh nghiệp FDI có vốn lớn và trình độ sản xuất hiện đại, do đó cần có sự liên kết phối hợp cùng tham gia vào chuỗi. Nhà nước nên có hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo sân chơi bình đẳng, giảm thiểu thủ tục hành chính và thủ tục xuất nhập khẩu, lao động để tránh được sự lép vế của doanh nghiệp Việt trên chính sân nhà.
– Xin cảm ơn ông!