PGs.Ts. Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) đã chia sẻ thẳng thắn điều này với Thời báo Kinh Doanh khi đánh giá về thị trường dệt may nội địa.
Ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển của ngành dệt may ở thị trường trong nước? Các doanh nghiệp (DN) trong nước đang nắm giữ vị thế như thế nào trong thị trường hơn 90 triệu dân này?
Nhu cầu về dệt may trên thị trường nội địa là rất lớn, nhưng rất tiếc là tập đoàn, DN dệt may Việt Nam có một thời gian dài chỉ tập trung vào kênh xuất khẩu (XK), bỏ lãng thị trường nội địa.
Chỉ sau khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra (năm 2008) và đặc biệt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động (2009), các DN dệt may trong nước mới bắt đầu quay về thị trường nội địa. Tuy nhiên, so với nhu cầu thị trường và năng lực, mức độ chi phối thị trường trong nước của các DN Việt vẫn chưa tương xứng, thậm chí còn thua trên chính “sân nhà”.
Cụ thể, ở phân khúc hàng cao cấp – phân khúc thu về giá trị cao nhất, các hãng thời trang danh tiếng của nước ngoài đang thống trị hoàn toàn, gần như chưa có DN Việt Nam nào đặt chân vào phân khúc này.
Ở phân khúc hàng giá rẻ, hàng Trung Quốc cũng gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường.
Còn lại ở phân khúc trung bình, thời gian qua, không ít DN Việt Nam “đặt chân” vào nhưng có thể nói đây là phân khúc gặp phải sự cạnh tranh quyết liệt với các hãng ngoại đến từ khu vực như Thái Lan, Malaysia hay các hãng thời trang thế giới như H&M, Zara và sắp tới là Uniqlo…
Điều này cho thấy năng lực dệt may của Việt Nam lớn nhưng mới thiên về XK, “miếng bánh” ở thị trường nội địa vẫn dành cho các DN ngoại. Đây là điều đáng tiếc.
Thời gian tới, muốn giành được thị phần trong nước, ngay từ bây giờ, các DN dệt may phải điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh.
Thưa ông, các hãng thời trang nước ngoài từ cao cấp tới bình dân như H&M, Zara và sắp tới là Uniqlo đã và đang “làm mưa làm gió” tại thị trường Việt Nam. Muốn giành được thị phần, DN Việt phải điều chỉnh chiến lược như thế nào?
Ngành dệt may Việt Nam phải sản xuất hàng hóa cho người Việt, chứ không phải sản xuất cho người nước ngoài, hàng không XK được mới bán ở thị trường nội địa. Chưa kể tình trạng vô số hàng hóa gắn mác “hàng Việt Nam XK” nhưng thực chất là hàng không rõ nguồn gốc, trôi nổi khiến người tiêu dùng trong nước mất niềm tin vào thời trang Việt.
Tiếp đó, DN phải nhắm tới đối tượng khách hàng theo từng độ tuổi, cũng như đáp ứng nhu cầu cho thành thị hay nông thôn. Muốn làm được, cần nghiên cứu cung – cầu một cách thấu đáo, sản xuất ra hàng dệt may phù hợp với nhu cầu người Việt Nam.
Đặc biệt, các DN phải thay đổi cung cách phục vụ người Việt. Giá cả phải tương xứng với khả năng chi trả của người tiêu dùng trong nước, chứ như hiện nay nhiều khi quần áo do Việt Nam sản xuất còn đắt hơn hàng ngoại. Thực tế cho thấy về vấn đề này, các DN may mặc nước ngoài rõ ràng đang biết “kinh doanh” hơn chúng ta.
DN nước ngoài đang biết cách “kinh doanh” hơn DN Việt. Ông có thể nói rõ hơn đánh giá này?
Thẳng thắn mà nói, các hãng thời trang ngoại xuất phát từ quyền lợi người tiêu dùng nhiều hơn. Họ có các chương trình giảm giá, đổi trả hàng trong vòng 30 ngày, bố trí quầy kệ bắt mắt, nhân viên phục vụ nhiệt tình, khách hàng thoải mái lựa và thử đồ…
Trong khi đó, nhiều DN Việt Nam lại xuất phát từ quyền lợi của nhà cung cấp, vì lợi ích trước mắt chỉ cho khách hàng đổi trả hàng trong vòng một tuần là tối đa, thậm chí không cho khách đổi trả, rất ít khi giảm giá, khu vực thử đồ chật hẹp…
Đặc biệt, DN ngoại luôn tìm cách ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để hạ giá thành sản phẩm, tập trung khâu thiết kế, cập nhật mẫu mã theo xu hướng thời trang thế giới. Còn DN Việt Nam trong thời gian dài vẫn làm gia công, dựa vào lao động giá rẻ, mẫu mã đơn điệu, chậm đổi mới.
Điểm yếu của các DN dệt may Việt Nam khi so với DN nước ngoài là khá rõ, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là chúng ta không còn cơ hội khai thác thị trường có giá trị hàng tỷ đô này.
Như ông vừa đề cập, hiện nay, ngành dệt may Việt Nam vẫn còn cơ hội ở thị trường trong nước. Vậy, các DN cần phải làm gì để phát huy lợi thế của mình, tận dụng cơ hội, đặc biệt là trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0?
Hiện nay, Việt Nam là cường quốc sản xuất hàng dệt may, giá trị XK luôn nằm trong tốp 5 thế giới. Ở thị trường Mỹ, Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc. Nhiều thị trường khác cũng đang tín nhiệm hàng dệt may Việt Nam.
Điều này chứng tỏ chúng ta đã có kinh nghiệm sản xuất hàng dệt may, chỉ cần có ý tưởng, quyết tâm thay đổi những điều đề cập ở trên, các DN đều có thể quay trở về thị trường nội địa, chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.
Cũng cần phải nói thêm cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới ngành dệt may, có cả tiêu cực và tích cực. Nếu tận dụng được cơ hội, DN Việt chắc chắn sẽ nắm lợi thế.
Thực tế, nhiều người tiêu dùng, đặc biệt ở khu vực nông thôn đã quay lưng với hàng dệt may Trung Quốc. Đây chính là thời cơ để các DN dệt may nội địa mở rộng hệ thống phân phối, ứng dụng công nghệ 4.0 nâng cao chất lượng mẫu mã, hạ giá thành sản phẩm phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng Việt Nam nói chung và người dân nông thôn nói riêng.
Sức mua hàng dệt may trong nước vẫn đang tăng trưởng tốt, với quy mô được đánh giá trên 4 tỷ USD, bởi vậy thị trường này đang là “miếng bánh” hấp dẫn mà nhiều DN ngoại “thèm muốn”, nếu chúng ta không biết cách tận dụng cơ hội, chắc chắn sẽ mất thị trường.