Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết trong chuyến công tác tại Mỹ mới đây, cộng đồng doanh nghiệp (DN) nước này có nêu vấn đề chiến tranh thương mại Mỹ- Trung đang diễn ra, các cơ quan quản lý ở Việt Nam có kiểm soát được việc chuyển đổi xuất xứ, chuyển hàng hóa liên quan đến dệt may qua cửa khẩu Việt-Trung?
Áp lực từ thị trường Mỹ
Trả lời những thắc mắc trên, ông Giang khẳng định: “Việt Nam sẽ kiểm soát được. Hệ thống hải quan, quản lý thị trường và hệ thống quản lý chứng nhận xuất xứ ở Việt Nam đang làm rất tốt. Còn có kiểm soát được 100% hay không thì tôi chưa dám khẳng định, nhưng nếu xảy ra đột biến thì tức khắc các cơ quan quản lý Việt Nam sẽ có giải pháp để ngăn chặn việc chuyển đổi này”.
Cũng theo Chủ tịch VITAS, thời gian tới, các cơ quan quản lý của Bộ Công Thương sẽ hết sức vất vả để kiểm soát việc chuyển xuất xứ này. Nếu hoàn cảnh ngày càng căng thẳng thì càng phải làm để không ảnh hưởng đến uy tín ngành dệt may Việt Nam trên thị trường Mỹ.
Thị trường Mỹ hiện nay đang chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) dệt may của Việt Nam. Nhưng theo ông Giang, nếu bây giờ XK sang thị trường này tăng đột biến, chiếm tỷ lệ ngoài 50% thì phía Mỹ sẽ nêu nghi vấn ngay về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm đó.
Nhận định mới đây của Bộ Công Thương cho thấy có khả năng Mỹ sẽ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng dệt may từ Trung Quốc. Điều này tạo cơ hội tốt cho các DN dệt may Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần XK sang thị trường lớn này.
Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến quy tắc về nguồn gốc xuất xứ vẫn là điều mà các DN XK dệt may lâu nay lưu tâm. Tại hội thảo “Những tác động của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đối với ngành dệt may Việt Nam” ngày 2/8, ông Vương Đức Anh (Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương), Trưởng đoàn đàm phán quy tắc xuất xứ trong Hiệp định CPTPP, cũng lưu ý các DN về điều này.
Ông Vương Đức Anh cho biết rõ ràng là có nguy cơ khó tránh khỏi trong việc Mỹ nâng thuế với dệt may Trung Quốc, có thể những mặt hàng như sợi và vải từ Trung Quốc sẽ tìm cách chuyển sang Việt Nam để tìm cách XK sang Mỹ. Nếu như lượng hàng chuyển đổi này tăng đột biến, chắc chắn phía Mỹ sẽ đặt câu hỏi ngay.
Triển vọng sáng sủa
Về các quy tắc xuất xứ được quy định chặt chẽ trong CPTPP và EVFTA, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Vương Đức Anh mong muốn các DN dệt may cần điều chỉnh một chút về thành phần trong các loại sợi và vải đang nhập khẩu để cố gắng làm sao sản phẩm dệt may XK tận dụng được những lợi thế từ hai hiệp định này mang lại.
Cũng theo ông Vương Đức Anh, các DN cần lưu ý quy trình thủ tục chứng nhận xuất xứ. Nếu DN dệt may sẵn sàng áp dụng các quy tắc xuất xứ thì phải có đủ kiến thức vững chắc về những quy tắc và phải tự chịu trách nhiệm trong việc chứng minh hàng hoá khi cơ quan hải quan có yêu cầu trong việc kiểm soát hàng nhập khẩu. Đây cũng là thách thức cho các DN hiện nay.
Số liệu thống kê cho thấy trong nửa đầu năm nay, kim ngạch XK hàng dệt may của Việt Nam ước đạt 16,5 tỷ USD, tăng 16,49% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với tốc độ tăng 10,43% của cùng kỳ năm 2017.
Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam có nhiều cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường. Đó là hiệu ứng của các hiệp định thương mại mang lại như CPTPP (ký kết tháng 3/2018) với lộ trình miễn thuế xuống 0% và nhiều điều khoản ưu đãi theo quy tắc “từ sợi trở đi”.
Cùng với đó là triển vọng về việc ký kết EVFTA sẽ giúp ngành dệt may Việt tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường EU.
Bộ Công Thương cho rằng CPTPP dự kiến bắt đầu có hiệu lực trong năm 2019 sẽ kỳ vọng thúc đẩy XK với thị trường trên 40 tỷ USD của 6 nước nhập khẩu dệt may trong CPTPP. Trong năm 2017, XK của Việt Nam sang nhóm các nước này đạt trên 950 triệu USD. Việc sẽ được áp dụng các ưu đãi thuế quan chính là động lực mới phát triển ngành dệt may.
Còn theo dự báo của Vitas, với tốc độ tăng trưởng XK cao trong 6 tháng đầu năm nay, cùng với những diễn biến mới từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung theo hướng có lợi cho hàng hóa của Việt Nam cũng như tiến độ nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đang tăng nhanh, dự kiến XK hàng dệt may của Việt Nam 6 tháng cuối năm 2018 sẽ đạt tốc độ tăng trưởng tốt, kim ngạch ước đạt 18,5 tỷ USD, nâng kim ngạch XK cả năm đạt 35 tỷ USD, vượt 1 tỷ USD so với kế hoạch.
Những thị trường XK trọng điểm như Mỹ, các nước khối CPTPP, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, ASEAN… đều tăng mạnh, tốc độ tăng vượt trội so với cùng kỳ năm 2017. Đơn hàng của các DN cũng rất khả quan, nhiều DN đã nhận đơn hàng đến hết năm.