Trong đó dệt may là ngành hàng được hưởng lớn từ CPTPP. Mặc dù Mỹ không tham gia CPTPP nhưng vẫn còn những thị trường đầy tiềm năng khác đặc biệt là Australia, Canada. Đây là 2 thị trường có quy mô sử dụng hàng dệt may khá lớn, khoảng 10 tỷ USD/năm, trong khi thị phần XK của hàng dệt may của Việt Nam vào hai thị trường này còn nhỏ, chỉ khoảng 500 triệu USD/năm.
Bên cạnh đó, theo nhận định của ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng cầu của thị trường dệt may thế giới vẫn dao động ở mức 700 tỷ USD/năm trong 5 năm qua. Trong khi đó các quốc gia sản xuất hàng dệt may trên thế giới liên tục đưa ra những chính sách ưu đãi nhằm thu hút đơn hàng dẫn đến cạnh tranh trong ngành dệt may ngày càng khốc liệt. Nếu không có CPTPP, việc duy trì kim ngạch XK trên 3 tỷ USD trong những năm tới của ngành dệt may là rất khó khăn. Cùng với CPTPP, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định thương mại Việt Nam Liên minh kinh tế Á – Âu thực thi sẽ giúp ngành dệt may duy trì được tốc độ tăng trưởng kim ngạch khoảng từ 3 tỷ đến 3,5 tỷ USD/năm. Như vậy, CPTPP vẫn là động lực đủ mạnh thúc đẩy tăng trưởng XK của ngành dệt may khi đưa ra những ưu đãi thuế quan hấp dẫn.
Đối với ngành da giày, theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội da giày TP.HCM, việc Mỹ rút ra khỏi hiệp định TPP không làm ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung và ngành da giày nói riêng. Một điển hình rõ nhất là trong năm 2017, số liệu thống kê chính thức của Tổng cục Thống kê cho thấy, ngành giày vẫn giữ được tăng trưởng bình quân so với các năm trước khoảng 12%. Tuy nhiên, việc Mỹ rút ra khỏi TPP có ảnh hưởng tới ngành tủi xách do Mỹ đang cung cấp chế độ GSP cho một số nước trong đó có các nước đang sản xuất túi xách giống Việt Nam như Philippine, Indonexia, Ấn Độ, Thái Lan, Myanma. Nhìn lại hoạt động sản xuất túi xách trong năm 2017 không bằng năm 2016. Năm 2016 tăng trưởng 12%, tuy nhiên năm 2017 chỉ tăng trưởng 8%.
Tuy nhiên, CPTPP lại mang đến cho Việt Nam những cơ hội. Trong đó cơ hội số 1 là chúng ta có bước đệm để chuẩn bị vì nếu chúng ta có ngay TPP với Mỹ thì sự chuẩn bị của chúng ta rất cập rập còn nếu có CPTPP trước thì chúng ta sẽ có thời gian chuẩn bị vì tiêu chuẩn của CPTPP gần giống với tiêu chuẩn của TPP chỉ khác là không có thị trường Mỹ. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, riêng CPTPP đã giúp cho Việt Nam tăng trưởng 1% GDP, đây là một tín hiệu tốt. Hi vọng trong những năm sắp tới với sự thay thế Đảng Dân chủ Mỹ sẽ lại tiếp tục tham gia vào CPTPP. Hiện nay chính quyền Donal Trump cũng đã để mở cơ hội tham gia vào CPTPP. Đây là bước đệm tốt và cũng phải là thời gian dài, chậm nhất là 4 năm thì một số nước sẽ thấy lợi ích của CPTPP và sẽ tiếp tục tham gia. Như vậy, chúng ta sẽ có một thị trường rộng lớn hơn thị trường hiện có.
“Nhìn một cách tổng thể CPTPP giúp rất nhiều ngành kinh tế ở Việt Nam do các FTA thế hệ mới trong đó có CPTPP đều có yêu cầu cao về mặt thể chế, sử dụng vốn công… đó là những vấn đề đang nhức nhối của chính phủ. Do vậy, các FTA này sẽ tạo áp lực đòi hỏi chính phủ phải có những cải tiến. Vì vậy, cho dù DN có không được hưởng lợi ích trực tiếp từ các FTA này nhưng cũng sẽ được hưởng lợi ích từ các chính sách cải cách về thể chế. Bên cạnh đó, CPTPP cũng sẽ giúp ích cho nhiều ngành trong nước, trong đó có ngành da giày vì trong 10 nước tham gia CPTPP chỉ có 3 nước chưa có FTA là Mexico, Canada, Australia. Tuy không mang lại sự thay đổi lớn về cục diện nhưng đây đều là các thị trường tiềm năng có yêu cầu về sản phẩm cao cấp. Do vậy, đây là cơ hội để Việt Nam tham gia vào các nước này mà không phải đàm phán với riêng từng nước”, ông Kiệt nhấn mạnh.
Liên quan đến việc thu hút FDI hậu CPTPP, ông Kiệt cho biết, khi Mỹ rút khỏi TPP thì FDI vào một số ngành phụ trợ như dệt may, sản xuất sợi, vải cho da giày có phần giảm hơn trước. Tuy nhiên, việc Việt Nam ký CPTPP cũng sẽ là động lực để các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khởi động lại các dự án đầu tư. Trong tương lai với sự trở lại của Mỹ vào Hiệp định CPTPP, hoạt động đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực này sẽ nóng trở lại và có sự tăng trưởng vững chắc hơn.