Với năng lực tài chính có phần “vững” nhất trong ngành dệt may, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) được biết đến là doanh nghiệp (DN) nội địa đi đầu trong các hoạt động đầu tư của ngành. Cũng bởi vậy, với mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu (KNXK) 5 tỷ USD vào năm 2016, Vinatex đang gấp rút đẩy tiến độ các dự án khi đặt ra kế hoạch đầu tư vào 57 dự án trong năm 2014.
“Đua” rót vốn đầu tư
Trong đó, sẽ có 2 dự án trang trại trồng bông, 15 dự án sợi, 8 dự án dệt và 24 dự án may mặc được triển khai… Đặc biệt, có nhiều dự án có số vốn đầu tư “khủng” đang được tập đoàn này gấp rút chuẩn bị các thủ tục đầu tư, làm việc với đối tác để sớm triển khai thực hiện.
Đơn cử như Dự án Khu liên hợp Sợi – dệt, Nhuộm – may với tổng số vốn đầu tư lên đến 2.200 tỷ đồng dự kiến sẽ được triển khai vào cuối quý I/2014; các nhà máy sản xuất vải với gần 60 triệu mét, sản xuất sợi với quy mô 200.000 cọc sợi; hơn 300 chuyền may… Khi các dự án này được hoàn thành, năng lực nguyên, phụ liệu của Vinatex sẽ tăng khoảng 7.000 tấn sợi, 4.000 tấn vải dệt kim, trên 20 triệu mét vải dệt thoi…
Phó TGĐ thường trực Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, đây là năm “quan trọng” để các DN hoàn tất việc triển khai các dự án nhằm tăng cường khả năng cung ứng nguyên phụ liệu, chuẩn bị đón đầu cơ hội từ các FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), với yêu cầu về xuất xứ nguyên liệu. Do đó, nguồn vốn đầu tư các dự án mà Vinatex triển khai trong năm nay cũng tăng gấp 5 lần, với quy mô vốn tập trung chủ yếu cho các dự án nguyên phụ liệu (80% vốn, 20% cho dự án may).
Nếu như phần lớn các dự án nguyên phụ liệu của DN nội được thực hiện bởi Vinatex, thì hàng loạt NĐT nước ngoài cũng đang dòm ngó và đẩy mạnh các hoạt động đầu tư vào lĩnh vực này. Nổi lên là các NĐT đến từ Trung Quốc, như Tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô chính thức được cấp giấy chứng nhận đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất sợi, dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư lên đến 68 triệu USD; Công ty Forever Glorious thuộc Tập đoàn Sheico (Đài Loan) cam kết đầu tư 50 triệu USD cho dự án dệt vải và các sản phẩm may mặc; Công ty Gain Lucky Limited, thuộc Tập đoàn may Trung Quốc Shenzhou International chuyên sản xuất trang phục cho các thương hiệu như Nike, Adidas, Puma… cam kết đầu tư 140 triệu USD vào Tp.HCM…
Trước đó vào năm ngoái, đã có hàng loạt công ty, tập đoàn lớn chuyên sản xuất xơ, sợi, dệt, nhuộm như Texhong, Công ty Dệt may Sunrise (Trung Quốc); Toray International và Mitsui (Nhật Bản); Lenzing (Áo) đã triển khai dự án nguyên phụ liệu.
Rào cản vốn, môi trường đầu tư
Theo bà Đặng Phương Dung – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), các FTA mà Việt Nam đang đàm phán, ký kết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là “cú hích” cho sự phát triển của ngành dệt may: “Đây là thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng, nên từ năm 2013 và đặc biệt là đầu năm nay, đã có nhiều đoàn doanh nhân nước ngoài sang Việt Nam tìm hiểu về chính sách, điều kiện đầu tư, chi phí, lao động và tính ổn định của thị trường, trên cơ sở đó đưa ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, khác với các dự án may có quy mô vốn nhỏ, dễ thu hồi vốn nhanh nên việc triển khai dự án nhanh hơn, còn đầu tư vào dệt, nhuộm, sợi thường yêu cầu vốn lớn, nên NĐT cũng thận trọng hơn”.
Thực tế cũng cho thấy, việc đầu tư vào các dự án nguyên phụ liệu đặt ra không ít thách thức cho các DN khi chi phí đầu tư lớn, khả năng thu hồi vốn chậm. Do đó, các NĐT nước ngoài dù có nguồn lực tài chính mạnh, song vẫn cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng, và chỉ quyết định rót vốn đầu tư khi có những điều kiện thuận lợi về chính sách, hạ tầng. Vitas cho biết, hiện có nhiều NĐT nước ngoài đã quyết định bỏ vốn, song do nhiều địa phương “ngại” vấn đề ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải nên đã không “ưu ái” cho ngành dệt. Thực tế này khiến cho nhiều NĐT nước ngoài khá “vất vả” trong việc tìm các địa điểm đầu tư thuận lợi, có mặt bằng rộng và phù hợp để xây dựng dự án.
Trong khi đó, “ông lớn” nội địa Vinatex thì đang loay hoay với bài toán huy động vốn đầu tư. Đại diện của tập đoàn này cho biết, chỉ riêng năm 2014, nguồn vốn đầu tư cho các dự án cần đến 9.722 tỷ đồng, song mức giải ngân dự kiến chỉ đạt khoảng 4.915 tỷ đồng. Đáng lo ngại hơn, tổng nguồn vốn đầu tư đến năm 2015 lên đến khoảng 20.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ khoảng 4.000 tỷ đồng, nên đây sẽ là rào cản lớn nhất để Vinatex thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 60% vào năm 2015…
Bài toán vốn đầu tư cho dệt nhuộm – một ngành được đánh giá là “khắt nghiệt” với các NĐT khi mức độ rủi ro sẽ rất lớn nếu như DN không có vốn tự có. Do đó, các DN cho rằng bên cạnh cơ chế ưu đãi vốn, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN như giảm giá thuê đất, thuế, tạo thuận lợi trong tiếp cận mặt bằng, điều chỉnh hợp lý các tiêu chí về môi trường…