Nghiên cứu của Statistics Portal – công ty nghiên cứu thị trường của Đức, dự báo tốc độ tăng trưởng của ngành thời trang Việt hàng năm trong giai đoạn 2017-2022 là 22,5%. Với mức tăng trưởng này, thị trường có thể đạt mốc 998 triệu USD doanh thu vào năm 2022.
Lép vế với hàng ngoại
Thị trường hơn 90 triệu dân với tốc độ tăng trưởng như vậy chắc chắn sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn của các hãng thời trang ngoại. Theo Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện có khoảng hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam, chiếm hơn 60% thị phần từ hàng trung bình đến cao cấp.
Sau một năm hiện diện tại thị trường Việt Nam, hãng thời trang Thụy Điển Hennes & Mauritz AB (H&M) dự tính sẽ nâng số lượng cửa hàng lên con số 6 trong tháng 9 tới. Vào Việt Nam cùng thời điểm với H&M, Zara đến nay cũng sở hữu 2 cửa hàng tại Hà Nội và Tp.HCM.
Thời gian gần đây, sau khi đổ bộ vào Việt Nam, những thương hiệu thời trang nước ngoài như Mango, Stradivarius, Massimo Dutti, Topshop… cũng đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường. Việc cạnh tranh trên thị trường nội địa gay gắt khiến nhiều DN may mặc trong nước phải rời bỏ “cuộc chơi”.
Sau một thời gian xây dựng, tạo dấu ấn hàng Việt, những thương hiệu thời trang như Việt Thy, Foci, May Sài Gòn 2, Ninomaxx, PT 2000… buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất.
Nếu trước đây, trung bình mỗi tháng, CTCP May Sài Gòn 2 cho ra đời 70-80 mẫu sản phẩm mới, nay chỉ còn gần một nửa. Sản xuất cho thị trường nội địa của công ty cũng giảm 20-25% so với năm 2016 và đến thời điểm này, May Sài Gòn 2 chấp nhận buông thị trường nội địa.
Để tồn tại, Foci buộc phải cắt giảm tất cả các khoản đầu tư mới, thu hẹp dần hệ thống cửa hàng và DN này hiện đã không còn đầu tư vào hệ thống bán lẻ thời trang mà chuyển sang may gia công đồng phục, xây dựng website để bán hàng qua mạng.
Không chỉ quần áo thời trang, các sản phẩm quần áo bảo hộ lao động cũng đang lép vế tại thị trường nội địa. Ông Nguyễn Văn Tăng, Giám đốc công ty TNHH MTV May Mạnh Cường, cho biết DN này đang xuất khẩu quần áo bảo hộ lao động sang Nhật Bản. Xác định thị trường đồ bảo hộ lao động ở Việt Nam đang rất tiềm năng, công ty quay trở về tiếp cận thị trường nội địa, nhưng sản phẩm không thể cạnh tranh dù được rao bán rẻ hơn nhiều so với hàng ngoại.
“Đến giờ, tôi vẫn không hiểu nguyên nhân vì sao sản phẩm của công ty có chất lượng tốt, đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Nhật Bản mà vẫn không bán được hàng cho DN trong nước (trong đó có DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam). Những công ty Nhật Bản đang phải nhập khoảng 1 triệu đồng/bộ quần áo bảo hộ lao động, công ty chào bán 400-500 nghìn đồng/ bộ mà họ vẫn không mua”, ông Tăng chia sẻ.
Cạnh tranh càng trở nên khốc liệt hơn khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung diễn ra. Thực tế, hàng may mặc Trung Quốc vốn đã “làm mưa làm gió”, nay càng “tấn công” thị trường Việt nhiều hơn.
Bắt đầu từ thiết kế
Ông Hoàng Hữu Chương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng công ty Nguyễn Hoàng, lo ngại lợi thế mà DN dệt may đang có là thị trường trong nước với hơn 90 triệu dân, nhưng khi xung đột thương mại Mỹ – Trung xảy ra, hàng hóa Trung Quốc sẽ vào Việt Nam nhiều hơn.
Cùng với đó, một trong những vấn đề mà các DN dệt may gặp phải là hàng nhái, hàng giả lộng hành. Ông Chương chia sẻ DN này cũng từng rơi vào tình huống bị một công ty của Malaysia làm nhái thương hiệu KICO.
“Chúng tôi đã mất gần 5 năm kiện tụng mới đẩy được họ ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Ngoài ra, còn rất nhiều vụ làm nhái, làm giả nhỏ lẻ khiến DN rất khốn khổ để bảo vệ thương hiệu của mình”, ông Chương cho biết.
Để ngăn chặn vấn nạn này, Tổng công ty Nguyễn Hoàng kiến nghị cơ quan chức năng ngăn chặn hàng giả, hàng nhái ngay tại cửa khẩu, buộc tái xuất đối với các lô hàng có nghi vấn, các lô hàng không đảm bảo chất lượng kiểm tra chuyên ngành…
Đồng thời, lực lượng quản lý thị trường cần phải đẩy mạnh kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp DN, cá nhân làm hàng giả, hàng nhái. Kiểm tra bằng cách đi sâu, đi sát vào hoạt động của từng đối tượng, từng DN.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch CTCP Đầu tư và thương mại TNG, cho biết thị trường nội địa của ngành dệt may khá lớn, nếu vấn đề quản lý buôn lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam được siết chặt, DN sẽ thoải mái dư địa tăng trưởng ở thị trường hơn 90 triệu dân cùng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao.
Tuy nhiên, các DN cũng thừa nhận muốn cạnh tranh với hàng may mặc nước ngoài, DN cần phải khắc phục điểm yếu về thiết kế, chất liệu, hệ thống phân phối.
“Thực tế, nguyên phụ liệu dệt may ở Việt Nam không hề thiếu, quan trọng là chúng ta phải tìm cách thiết kế ra sản phẩm sử dụng được nguyên liệu này. Nếu chúng ta cứ đi chạy theo thiết kế của nước ngoài và sử dụng nguyên liệu nhập khẩu thì Việt Nam sẽ không bao giờ có ngành công nghiệp thời trang”, ông Chương cho biết.
Để phát triển ngành công nghiệp thời trang, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho rằng cần phải bắt đầu từ chính khâu đào tạo. “Chúng ta cần đào tạo sinh viên ngành thời trang không chỉ thiết kế quần áo như xưa nay quan niệm, mà cần thiết kế từ sợi, vải trở đi. Đồng thời trả lời câu hỏi tại sao đến giờ phút này mà Việt Nam chưa có thành phố nào được mệnh danh là thành phố sáng tạo của ngành thời trang dù thị trường tiêu thụ hàng may mặc đã vô cùng lớn. Chẳng lẽ chúng ta cứ để cho các thương hiệu ngoại tiến vào thị trường và dẫn dắt người tiêu dùng?”, ông Giang đặt vấn đề.
Trong bối cảnh DN nội đa phần yếu về tiềm lực tài chính nên việc phát triển hệ thống phân phối không hề đơn giản. Giải quyết khó khăn này, các DN cần liên kết với nhau.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, mong muốn các công ty thành viên tích cực sử dụng chung hệ thống phân phối theo hình thức tích hợp.
Chẳng hạn, Tổng công ty May Việt Tiến có 3.000 cửa hàng bán quần áo có thể kết hợp phân phối thêm đồ của Dệt kim Đông Xuân, chăn ga trải giường từ công ty Phong Phú… Hình thức kết hợp này giúp giảm chi phí phát triển hệ thống và khai thác tối đa tài sản cố định.