Vốn ngoại đảo chiều, Việt Nam có là ngoại lệ?
Dù đã dự báo từ trước, song đa phần chuyên gia đều bất ngờ vì chiến tranh thương mại trên thế giới đã leo thang sớm hơn dự báo và có dấu hiệu lan rộng.
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, chiến tranh thương mại vừa bùng nổ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm USD tiếp tục tăng giá, gây tâm lý lo lắng, khiến nhiều nhà đầu tư rút vốn khỏi các thị trường mới nổi.
Thực tế, chỉ từ đầu năm đến nay, hàng tỷ USD đã tháo chạy khỏi Thái Lan, Indonesia, Philippines…
Ông Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế Thế giới (Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia) cho rằng, Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ tương tự.
Lãi suất USD hấp dẫn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất cùng với chính sách thuế ưu đãi của Mỹ (giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế áp dụng với lợi nhuận phát sinh ngoài nước) có thể khiến các nhà đầu tư Mỹ chuyển vốn đầu tư tại Việt Nam về nước.
Cho đến nay, dòng vốn ngoại rút khỏi Việt Nam chưa đáng kể. Thậm chí, có người cho rằng, Việt Nam sẽ là một “ngoại lệ” so với khu vực, không bị vốn ngoại tháo chạy. Lý do là đa phần vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam là vốn FDI, sự dịch chuyển, nếu có, sẽ diễn ra rất chậm.
Chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa giúp thị trường chứng khoán Việt Nam giữ được sự hấp dẫn. Chưa kể, nếu chiến tranh thương mại Mỹ – Trung căng thẳng, Việt Nam có thể đón dòng vốn ngoại từ Trung Quốc đổ sang.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, nếu có đảo chiều, sự việc sẽ diễn ra cực kỳ nhanh chóng. Với diễn biến thế giới hiện nay, Việt Nam không thể chủ quan, mà phải luôn trong trạng thái đề phòng.
Tránh “bẫy” tỷ giá
Ngoài nguy cơ đảo chiều của vốn ngoại, việc nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá gần 10% từ đầu năm đến nay cũng gây áp lực không nhỏ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong việc điều hành tỷ giá.
Theo các chuyên gia kinh tế, đang có rất nhiều “bẫy” giăng với tỷ giá VND/USD. Từ bên ngoài, đó là tác động của chiến tranh thương mại và dấu hiệu của chiến tranh tiền tệ (USD tăng giá, nhân dân tệ mất giá, hàng loạt quốc gia phá giá đồng nội tệ). Từ bên trong, áp lực lạm phát đang có dấu hiệu tăng lên và xu hướng găm giữ USD có thể quay trở lại.
Với áp lực đến từ hai phía, tỷ giá VND/USD tuần qua trên thị trường tự do đã có lúc tăng vọt lên 23.700 đồng/USD. Hiện tại, tỷ giá chợ đen đã hạ nhiệt, giá USD chính thức cũng chỉ còn 22.800 đồng/USD. Tuy nhiên, sóng ngầm tỷ giá vẫn còn ở phía trước.
Cho đến nay, dù được rất nhiều chuyên gia khuyến nghị “linh hoạt”, song NHNN vẫn đang rất cứng rắn với tỷ giá. Cụ thể, trần lãi suất huy động USD 0% vẫn tiếp tục được áp dụng, cam kết ổn định tỷ giá tiếp tục được thực hiện (năm nay, tỷ giá dự đoán chỉ tăng trên dưới 2%), tín dụng ngoại tệ bị siết chặt thêm; lãi suất tiền đồng được giữ ở mức hấp dẫn; hoạt động bơm – hút tiền được thực hiện nhịp nhàng…
Việc NHNN “chặt tay” trong điều hành tỷ giá trước mắt đã giúp thị trường ngoại tệ vận hành ổn định. Đáng chú ý nhất là người dân vẫn chuyển đổi từ USD sang tiền đồng và cơn sốt đầu cơ ngoại tệ không diễn ra như những năm trước.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế phân tích: “Lãi suất USD đang ở mức 0%, tỷ giá lại khá ổn định, chỉ biến động trên 2%/năm, trong khi lãi suất tiền đồng đang ở mức khá cao. Chênh lệch lãi suất USD và tiền đồng vẫn hấp dẫn, nên nhiều người đã chuyển từ ngoại tệ sang tiền đồng để gửi tiết kiệm”.
Theo đại diện NHNN, cơ quan này kiên quyết giữ ổn định tỷ giá. Bởi nếu điều chỉnh tỷ giá, thị trường sẽ xuất hiện tâm lý kỳ vọng và nảy sinh tâm lý đầu cơ. Một khi người dân quay trở lại thói quen nắm ngoại tệ, thanh khoản thị trường sẽ bị bóp nghẹt khiến tỷ giá lên cơn sốt.
“NHNN sẽ có biện pháp để đảm bảo nắm giữ tiền đồng luôn có lợi hơn nắm giữ USD. Một khi tỷ giá được cam kết ổn định, chênh lệch lãi suất tiền đồng và USD vẫn cao, thì việc chuyển đổi từ USD sang tiền đồng vẫn sẽ diễn ra”, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cam kết.
Có thể nói, bằng việc giữ được cam kết ổn định tỷ giá, NHNN đã tạo được niềm tin cho thị trường. Tuy nhiên, ngoài niềm tin, cán cân thương mại tổng thể thặng dư thời gian qua đã hỗ trợ rất tốt cho nhà điều hành ghìm cương tốt tỷ giá, bất chấp thị trường tiền tệ thế giới dậy sóng.
Dù vậy, giới chuyên gia cảnh báo, chiến tranh thương mại nhiều khả năng sẽ tiếp tục leo thang, Fed chắc chắn sẽ còn tăng lãi suất. Nếu dòng vốn ngoại đảo chiều và thặng dư thương mại giảm, thì kỳ vọng tỷ giá của thị trường có thể sẽ mạnh hơn niềm tin. Do đó, NHNN phải dựng trước kịch bản đề phòng, vì tỷ giá có thể sẽ rơi vào vòng xoáy mới.