Nếu như nhìn vào mục tiêu Nghị quyết 19-2017/NQ-CP với việc Chính phủ đặt mục tiêu đến hết năm 2017 nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng theo cách tiếp cận của WB thuộc nhóm 30 nước đứng đầu, thì dường như Việt Nam đã cán đích sớm với vị trí thứ 29 trong Báo cáo Môi trường kinh doanh của WB (2018), xếp thứ hạng 29 trên nền dữ liệu của năm 2016 và đầu năm 2017.
Tuy nhiên, để duy trì chỉ số này cũng như hướng tới chỉ tiêu tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay theo cách tiếp cận của WEF thuộc nhóm 40 nước đứng đầu vào năm 2020, thì những nỗ lực của riêng ngành Ngân hàng là chưa đủ…
Tăng độ mở cho từng thành tố
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) phân tích, trong Báo cáo của WB (2018), chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam xếp thứ hạng 29/190 nền kinh tế được khảo sát, đạt 75/100 điểm, cao hơn mức trung bình của khu vực OECD và Đông Á – Thái Bình Dương. So với năm 2017, chỉ số này đã tăng 5 điểm, cải thiện 3 bậc và là chỉ số cao thứ 2 trong 10 chỉ số của Việt Nam trong Báo cáo. Những điều này đã giúp cho xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc so với năm 2017, đứng vị trí 68/190.
“Đáng lưu ý là Việt Nam đã đạt mục tiêu đề ra về chỉ số Tiếp cận tín dụng trong Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020. Nó cũng phản ánh nỗ lực không dừng của Việt Nam và ngành Ngân hàng qua nhiều năm”, ông Thành phân tích.
Nhìn ở phạm vi rộng hơn của việc cải thiện tiếp cận tín dụng theo tiêu chuẩn của WEF, Vụ trưởng Vụ Dự báo thống kê NHNN Nguyễn Đức Long phân tích, chỉ số tiếp cận tín dụng là chỉ số tổng hợp đánh giá về sự dễ dàng thuận lợi của các chủ thể kinh tế khi vay vốn ngân hàng. Chỉ số đánh giá tiếp cận tín dụng ngân hàng không chỉ đánh giá việc doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng mà còn đánh giá cả các khuôn khổ pháp lý để bảo vệ người cho vay, minh bạch thông tin tín dụng qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng thực hiện cho vay an toàn, hiệu quả, tăng khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng của người đi vay.
Từ phân tích này, ông Long cho biết thời gian qua, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã tích cực tổ chức triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng, từng bước cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng của Việt Nam. Điều này có thể nhìn rõ trong việc NHNN đã thực hiện điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và kiểm soát tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và tạo điều kiện cho các TCTD đảm bảo cân đối vốn và kịp thời hỗ trợ vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho các doanh nghiệp.
Khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, ngân hàng tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân mở rộng vay vốn và tiếp cận các nguồn vốn tín dụng khác (bảo lãnh, thuê tài chính…) của các TCTD. Đặc biệt, việc ra đời Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, Nghị quyết số 42/2017/QH14, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD… đã tạo cơ sở pháp lý xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, các khoản nợ của các TCTD; đảm bảo quyền lợi người vay cũng như thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Hiệu ứng chính sách có thể nhìn thấy qua tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2017 đạt 18,24% là một con số cao. Song những hỗ trợ của ngành Ngân hàng còn nhiều hơn thế khi doanh số cho vay năm 2017 lên tới hơn 1,2 triệu tỷ đồng, giải quyết rất nhiều bài toán cho nền kinh tế cả vốn ngắn và trung dài hạn.
Khả năng tiếp cận tín dụng đang ngày càng mở rộng với việc triển khai có hiệu quả Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế đến năm 2020 (Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 5/9/2016). Chỉ sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, 7 chỉ tiêu cụ thể của đề án đã đạt trên 50%, có chỉ tiêu gần đạt mục tiêu của năm 2020. NHNN cũng đang khẩn trương hoàn thiện để ban hành Đề án xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các dịch vụ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng nhằm nâng cao mức độ sẵn có và đầy đủ về dịch vụ tài chính của Việt Nam.
Chỉ số độ sâu thông tin tín dụng đã có sự cải thiện mạnh mẽ từ mức 4/6 năm 2013 lên mức 7/8. Chỉ tiêu duy nhất Việt Nam chưa đạt được chính là việc ngoài các thông tin của khách hàng vay có quan hệ với các TCTD thì chưa có các thông tin của khách hàng vay quan hệ với các nhà bán lẻ hoặc các công ty cung ứng dịch vụ. Để cải thiện điều này, từ năm 2017 đến nay CIC đã mở rộng thu thập được thông tin từ một số đơn vị ngoài Ngành (như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên 30 tổ chức tự nguyện), qua đó góp phần làm phong phú thêm kho dữ liệu của CIC. Tính đến hết năm 2017, tổng số khách hàng vay được CIC cập nhật vào kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia là trên 34,3 triệu, trong đó trên 700.000 khách hàng doanh nghiệp và trên 33,6 triệu khách hàng cá nhân. Từ tháng 7/2017, CIC chính thức cung cấp sản phẩm xếp hạng tín dụng doanh nghiệp theo mô hình tiêu chuẩn quốc tế.
Khoảng trống và bài toán không của riêng ngành Ngân hàng
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh thêm ý chí của NHNN: “Cải thiện chỉ số tiếp cận tín dụng đã làm tốt rồi nhưng phải phấn đấu tốt hơn nữa, phải cải thiện hơn nữa. Vẫn có 28 nước xếp trên chúng ta, tất nhiên vị trí số 1 là rất khó cạnh tranh với các nước phát triển, nhưng chúng ta có quyền khát vọng hướng tới”.
Cùng với đó là bài toán đưa chỉ số tiếp cận tín dụng theo cách tiếp cận của WEF (hay còn gọi là “Sự dễ dàng, thuận lợi trong việc tiếp cận vốn vay”) lên vị trí 40. Một khoảng cách khá xa so với hiện tại là 69/137 dù trong vòng hơn 2 năm NHNN đã nỗ lực cải thiện 19 bậc, với điểm số 3,9 trên thang điểm 7.
“Kết quả về chỉ số Tiếp cận tín dụng (và cả xếp hạng môi trường kinh doanh nói chung) của Việt Nam là tích cực, đáng mừng. Song nhìn rộng và sâu hơn, vẫn còn đó không ít nỗi trăn trở, lo âu và đằng sau là những vấn đề chính sách, thực thi”, TS. Võ Trí Thành nhìn nhận. Phân tích về khung đánh giá tiếp cận tài chính của ASEAN mà Việt Nam đang ở vị trí trung bình. Một số vấn đề như: gợi mở không ít chính sách có thể nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng và cả sức bật của DNNVV, cùng các doanh nghiệp khởi nghiệp như khung khổ pháp lý cho địa chính (bao gồm quyền sử dụng đất); Quyền của người cho vay; Cơ sở vật chất tài chính vi mô, Chương trình bảo lãnh tín dụng; Cho thuê; Tiếp cận với thị trường chứng khoán; Sự sẵn có của nguồn vốn đầu tư rủi ro; Bao thanh toán.
Làm rõ hơn về một khía cạnh sức mạnh quyền pháp lý – một trong hai thành tố của chỉ số tiếp cận tín dụng mà WB cũng như của WEF đưa ra, ông Nguyễn Đức Long phân tích, đây là chỉ số mà Việt Nam ít có sự cải thiện trong gần 10 năm qua trong các Báo cáo của WB. Năm 2010 chỉ số này của Việt Nam là 8/10 giữ nguyên cho tới năm 2014 theo thang điểm cũ, rồi lại giữ nguyên 7/12 theo thang điểm mới từ 2015-2017, năm 2018 mới được cải thiện lên 8/12 do Luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Bốn chỉ số Việt Nam chưa đạt được chủ yếu liên quan đến quyền lợi pháp lý bảo vệ người cho vay, phản ánh những vướng mắc hiện tại liên quan đến tính minh bạch và hiệu quả của hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm, các cơ sở pháp lý để bảo vệ ngân hàng khỏi những thất thoát các khoản cho vay, tài sản bảo đảm của các khoản vay khi khách hàng bi ̣ phá sản. Việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý này thuộc chức năng nhiệm vụ của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các bộ ngành có liên quan. Khi được xử lý, một mặt sẽ cải thiện được chỉ số theo đánh giá của WB, đồng thời sẽ bảo vệ và tạo điều kiện cho các TCTD mạnh dạn mở rộng tín dụng đối với các doanh nghiệp, cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng cho các doanh nghiệp.
Đồng quan điểm với ông Long, ông Thành cho biết thể chế vẫn đang còn khoảng trống về việc bảo vệ quyền lợi người cho vay. Ví như Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, ông Thành đánh giá rất cao, song cũng chỉ ra, bất cập quy định cần có sự đồng thuận của chủ tài sản trong xử lý dẫn đến khi khó khăn cho ngân hàng thậm chí phải nhờ vào tòa án mất nhiều thời gian công sức.
Và để khơi thông dòng chảy này rất cần sự vào cuộc của cả Chính phủ, doanh nghiệp (nhất là DNNVV), NHTM cùng các định chế tài chính khác và các hiệp hội ngành nghề.