Thời điểm này, câu chuyện giá khí và nguồn cung đối với Đạm Cà Mau đang trở nên nóng bỏng khi chỉ còn ba tháng nữa, chính sách mới sẽ được áp dụng. Những động thái mới nhất từ các cơ quan quản lý đang dấy lên một lo ngại là doanh nghiệp này có thể sẽ rơi vào vòng xoáy thua lỗ, nợ nần như hai ông lớn ngành đạm phía Bắc.
Cuối năm 2014, 129 triệu cổ phần DCM đã được bán ra công chúng với giá 12.000 đồng/CP, giúp cho doanh nghiệp cổ phần hóa thành công. Có nhiều yếu tố tạo ra thành công cho thương vụ này, trong đó giới phân tích cho rằng giá khí áp dụng cho DCM đóng vai trò quan trọng hàng đầu.
Cụ thể, sau cổ phần hóa cho đến hết 2018, PVN (thông qua đầu mối bán là GAS) áp dụng giá khí cho DCM đảm bảo ROE đạt 12%. Với chính sách này, giá khí bán cho DCM dao động trong khoảng 1,9 USD/ triệu BTU.
DCM sắp tới còn hấp dẫn?
Kể từ sau cổ phần hóa đến nay, dù mỗi năm khấu hao và chi phí lãi vay vào khoảng 1.600 tỷ đồng, DCM vẫn duy trì được lợi nhuận 600-700 tỷ đồng.
Tính trên vốn điều lệ và so với các nhà máy sản xuất phân bón từ khí trên thế giới, mức lợi nhuận này trong khoảng trung bình nhưng đã giúp Đạm Cà Mau phát triển ổn định, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, có cổ tức cho cổ đông, khiến nhà đầu tư yên tâm khi bỏ vốn vào DCM.
Ngày 12/9 vừa qua, Đạm Cà Mau đã chi trả cổ tức năm 2017 cho cổ đông bằng tiền tỷ lệ 9%, tương đương Đạm Cà Mau chi ra khoảng 476 tỷ đồng trả cổ tức đợt này cho cổ đông.
Năm 2017, Đạm Cà Mau đạt 641 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt qua kế hoạch năm. Sang năm 2018, công ty đặt mục tiêu đạt 6.473 tỷ đồng tổng doanh thu. Lợi nhuận sau thuế ước đạt 649 tỷ đồng, phấn đấu tiếp tục chia cổ tức tỷ lệ 9%.
Trong nhiều năm qua, Đạm Cà Mau là một trong những doanh nghiệp luôn duy trì phương án chi trả cổ tức cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ quanh 10%.
Theo tìm hiểu của Thời báo Kinh Doanh, thực tế, nếu tính phần lợi nhuận trên cũng như cổ tức chi trả hằng năm dao động quanh 10%, giá khí mà DCM chi trả cho PVN trong khoảng 3 USD/triệu BTU.
Nhưng đến thời điểm này, khi chính sách giá khí mới được đem ra mổ xẻ để quyết định, hơn ai hết, các cổ đông của DCM lại lo như ngồi trên lửa bởi rất có thể doanh nghiệp đang lãi trở thành lỗ.
Trung tuần tháng 8 vừa qua, thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký văn bản phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí (PVN) thực hiện sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020; trong đó, giảm tỷ lệ sở hữu tại Đạm Cà Mau xuống còn 51%.
Việc Nhà nước thoái vốn tại một trong những doanh nghiệp đứng đầu ngành phân bón thu hút được sự quan tâm từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, không thể thiếu cam kết của Chính phủ, Bộ Công Thương, PVN về nguồn khí và giá khí hợp lý để đảm bảo nhà máy Đạm Cà Mau tiếp tục hiệu quả, tạo ra lợi nhuận cho khoản đầu tư của các cổ đông.
Giải bài toán giá khí và nguồn khí
Tuy nhiên, theo dự báo trong năm 2018, sản lượng khí tại PM3 Cà Mau cấp cho sản xuất điện và đạm sẽ có sự sụt giảm và Nhà máy đạm Cà Mau sẽ khó có đủ nhiên liệu khí đầu vào để chạy 100% công suất và đương nhiên, nguồn cung phân đạm sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.
Dù luôn nỗ lực tối đa nhưng Đạm Cà Mau đang phải đối diện với nhiều thách thức phải phụ thuộc rất nhiều vào cơ chế giá khí phù hợp để có thể duy trì nhà máy hoạt động tốt, cho năng suất ổn định.
Đáng chú ý, hiện tại, giá khí vẫn chưa được đảm bảo do mức giá đang được Chính phủ xem xét lại cao hơn so với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án.
Hơn nữa, Đạm Cà Mau còn phải đối diện với nhiều rủi ro khi thị trường NPK tại Việt Nam đang có sự cạnh tranh quyết liệt; Đạm Cà Mau, Điện Cà Mau và nhà máy GPP Cà Mau lại chung nguồn khí duy nhất.
Khi giá khí (nguyên liệu chính sản xuất phân bón) tăng, kéo theo chi phí sản xuất tăng theo, giá phân bón chắc chắn cũng phải tăng.
Hiện mỗi năm, chi phí khấu hao và trả nợ của DCM lên tới 1.600 tỷ đồng, trong đó có khoản nợ nước ngoài khi xây dựng dự án hiện còn gần 200 triệu USD. Đây là khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ. Nếu DN hoạt động èo uột, câu hỏi đặt ra là ai sẽ trả nợ thay DCM?
Nắm 40% thị phần phân đạm, biến động của Đạm Cà Mau, theo nhận xét của ông Nguyễn Hạc Thúy, Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, sẽ ngay lập tức ảnh hưởng lớn tới thị trường phân bón cả nước, đẩy chi phí sản xuất của bà con nông dân tăng cao và tác động đến giá cả các mặt hàng thiết yếu trong rổ hàng hóa tính chỉ số CPI…
Ở thời điểm thị trường khó khăn và biến đổi khí hậu nặng nề như hiện nay, nông dân đang rất cần nguồn cung phân bón ổn định để canh tác hiệu quả và đảm bảo cuộc sống.