Nâng khả năng phục hồi dòng tiền
Sau khi liên tục ban hành hai văn bản yêu cầu các ngân hàng phải giữ ổn định lãi suất, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay… NHNN tiếp tục đưa ra lấy ý Dự thảo Thông tư quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh này.
Đối tượng áp dụng là các TCTD không bao gồm ngân hàng chính sách và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Dự thảo Thông tư, TCTD được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay đối với các khoản nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng thuộc một trong hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất: khoản nợ chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng đã ký do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trường hợp thứ hai là khoản nợ đã chuyển nợ quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày Thông tư được ký ban hành do chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ được đề xuất không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu theo hợp đồng đã ký.
Bên cạnh đó, TCTD được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định của NHNN tại thời điểm gần nhất trước thời điểm ngày 23/1/2020 đối với phần dư nợ của các khoản nợ quy định trong hai trường hợp trên mà thời hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến thời điểm liền sau 90 ngày kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19 và bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và đã chuyển nhóm nợ.
Cơ quan soạn thảo cho biết, sở dĩ chọn thời điểm bắt đầu đến hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi từ ngày 23/1/2020 là do đây là thời điểm mà khả năng trả nợ của doanh nghiệp, người dân bắt đầu chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, phù hợp với thời điểm phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính với dịch Covid-19. Thời điểm chốt hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi đến thời điểm liền sau 90 ngày kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch Covid-19 được quy định để đảm bảo phù hợp với khả năng phục hồi dòng tiền của khách hàng sau khi hết dịch.
“Các khoản nợ không đáp ứng đủ các điều kiện tại dự thảo Thông tư bao gồm cả các khoản nợ có thời gian trả nợ gốc và/hoặc lãi không nằm trong thời hạn từ ngày 23/1/2020 đến thời điểm sau 90 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch, các khoản nợ không chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì không được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư”, cơ quan soạn thảo lưu ý thêm đối với các TCTD khi triển khai.
Tăng quyền quyết định cho TCTD
Dự thảo Thông tư cũng quy định TCTD được quyền quyết định, chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, nhưng phải đảm bảo một số nội dung quan trọng sau. Thứ nhất, có quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ. Trong đó quy định cụ thể về tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiệm vụ, trách nhiệm của cá nhân, bộ phận. NHNN yêu cầu TCTD phải theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát những khoản vay của khách hàng được hỗ trợ từ chính sách này nhằm phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.
Thứ hai, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của TCTD về khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phù hợp mức độ ảnh hưởng của dịch Covid – 19 đến khả năng trả nợ của khách hàng…
Thứ ba, TCTD phải thường xuyên rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ. Trong trường hợp đã được hỗ trợ theo Thông tư này nhưng khách hàng vẫn không trả được nợ khi đến hạn hoặc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đánh giá khách hàng không có khả năng trả nợ thì phải thực hiện phân loại theo quy định hiện hành của NHNN.
Thứ tư, đối với số lãi phải thu của phần dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) theo quy định tại Thông tư này, TCTD không phải hạch toán thu nhập mà thực hiện theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu, khi thu được thì hạch toán vào thu nhập.
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia việc đưa ra hướng dẫn chi tiết các TCTD tiêu chí về phân nhóm, phân loại nợ đối với dự án khách hàng được hỗ trợ rất quan trọng để các TCTD nhất quán triển khai thực hiện chính sách đảm bảo hiệu quả, tránh hiện tượng lợi dụng chính sách. Ông Bùi Đức Thụ – nguyên Đại biểu Quốc hội cũng đánh giá cao những giải pháp kịp thời trên của NHNN về cơ cấu lại nợ, giãn nợ…
“Việc các ngân hàng duy trì cấp tín dụng căn cứ vào khả năng chống chịu của DN có ý nghĩa rất quan trọng. Lúc này nếu ngân hàng ngừng cấp tín dụng do nợ quá hạn thì DN rơi bế tắc, khó khăn chồng chất”, ông Thụ nhìn nhận.
Đề cập tới việc gần đây có hai luồng ý kiến về việc nên hay không có gói tín dụng để ứng phó với Covid-19, theo quan điểm của ông Thụ, hiện nay chưa xác định rõ phạm vi, mức độ ảnh hưởng của Covid đối với từng ngành nghề nên cần phải nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng chưa nên kích tăng trưởng tín dụng thông qua gói tín dụng này.
“Trong những năm gần đây, nhờ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tỷ giá ổn định, Việt Nam đã thu hút được nguồn lực ngoài Nhà nước, nhất là khu vực tư nhân và FDI đóng góp vào đầu tư toàn xã hội, giúp cho nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng cao. Nếu bây giờ nới lỏng tiền tệ, phá giá VND ở mức nhất định thì tất yếu lạm phát tăng lên, ảnh hưởng huy động vốn trong và ngoài nhà nước đầu tư vào nền kinh tế”, ông Thụ dẫn ra lý do cần phải thận trọng với việc nới chính sách tiền tệ.
TS. Cấn Văn Lực có chung quan điểm khi cho rằng, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu nên việc kích cung tín dụng cũng sẽ không hiệu quả. Mặt khác, quy mô tín dụng trên GDP đang ở mức cao nên không cần thiết phải nới lỏng chính sách. Hiện nay khó khăn nhất của người dân, DN chính là liên quan đến dòng tiền và thanh khoản nên việc cần làm là giảm lãi, giãn hoãn trả lãi không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho khách hàng vay mới…
Cho rằng những giải pháp để hỗ trợ những DN trực tiếp gặp khó khăn do tác động của Covid-19 như hiện tại là cần thiết, TS. Trần Du Lịch – Thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng cũng khuyến nghị, nên tập trung lớn nhất vào các biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa như thuế, phí để giảm thiểu khó khăn cho DN. Tuy nhiên, việc triển khai cũng rất thận trọng không làm tràn lan dẫn đến méo mó thị trường.
Hà Thành