Rào cản và thời cơ
Đặc điểm nổi bật của các thương vụ PE trong 6 tháng đầu năm 2011 là sự tham gia của các tổ chức có tên tuổi trên thế giới như Diageo Plc (mua lại 23,6% cổ phần trong Cty cổ phần cồn rượu Hà Nội (Halico) với giá 51,6 triệu USD từ danh mục của VinaCapital), Quỹ Mount Kellett Capital Management đầu tư 100 triệu USD vào Masan Resource, tập đoàn SEB của Pháp mua 65% cổ phần của Quạt VN và Quỹ Kohlberg Kravis Roberts & Co LP (KKR) đầu tư 159 triệu USD vào Masan Consumer, đây là khoản đầu tư tư nhân lớn nhất tại VN cho đến nay. Thông qua thương vụ trên, KKR đề xuất Massan thực hiện việc mua lại các DN khác trong ngành, đặc biệt là các DN có hoạt động kinh doanh tốt và chỉ số PE thấp.
Mặc dù thu hút được vốn đầu tư của các Cty tên tuổi nhưng do tình trạng bất ổn trên thế giới, dòng vốn đầu tư có xu hướng tìm đến những kênh đầu tư an toàn như trái phiếu, vàng hoặc ngoại tệ mạnh. Trong khi đó, tình hình vĩ mô của VN còn nhiều khó khăn, lạm phát duy trì ở mức cao, nhất là sự mất giá kép của nội tệ (mất giá so với USD trong khi USD lại mất giá so với các đồng tiền khác) là rào cản lớn cho dòng vốn ngoại chảy vào. Việc thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt làm giảm tổng cầu cũng có tác động mạnh đến lưu chuyển dòng vốn đầu tư trong nước. Chi phí vốn tăng làm tăng áp lực lên chi phí mua lại vốn cổ phần.
Thông thường, đầu tư PE đòi hỏi thời gian nắm giữ dài hạn và thanh khoản của khoản đầu tư là thấp nên chỉ có các nhà đầu tư (NĐT) có tiềm lực tài chính mới đảm bảo được thành công trong thời điểm hiện tại, trong đó khối ngân hàng có nhiều thuận lợi nhất. Dự báo, với việc hạn chế giải ngân đầu ra, các ngân hàng lớn sẽ sớm quay lại trạng thái dư thanh khoản. Đây là điều kiện thuận lợi để các ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động theo mô hình “merchant banking” – mua lại các DN khác không hoạt động trong ngành tài chính. Hình thức mua lại có thể là mua lại cổ phần chi phối, mua lại dự án, mua lại nợ xấu, chuyển nợ thành vốn hoặc thanh lý tài sản thế chấp dẫn đến việc sở hữu phần lớn tài sản và cổ phần của Cty mục tiêu. Nhóm ngành được kỳ vọng nhiều nhất là các ngành có tỉ lệ đòn bẩy nợ lớn, vòng quay vốn thấp như bất động sản, vận tải biển, sản xuất.
Về chu kỳ hoạt động, các quỹ PE thường đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm và giải ngân trong thời kỳ (chu kỳ) kinh tế khó khăn và tăng cường thanh hoán và thoái vốn trong điều kiện thị trường niêm yết hoạt động sôi động. Chính vì yếu tố này mà giai đoạn kinh tế khó khăn kéo dài của VN hiện nay là thời điểm tốt cho các quỹ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào VN. Nhiều thương vụ PE lớn thành công được công bố trong thời gian qua đánh dấu sự quan tâm của giới đầu tư quốc tế vào thị trường VN.
Các NĐT tham gia hoạt động PE thường là các quỹ đầu tư, ngân hàng, Cty đầu tư, các nhà đầu tư tài chính, các DN hoạt động trong ngành thực hiện thâu tóm theo chiều dọc hoặc chiều ngang. Hiện nay, hoạt động PE lại rất hạn chế ở khối các Cty chứng khoán (CTCK) do việc hạn chế về hạn mức đầu tư và am hiểu về ngành. Chính điều này làm hạn chế khả năng kiểm soát các hoạt động của CTCK đối với hoạt động của các Cty được đầu tư. Một số CTCK có tham vọng muốn chuyển đổi mô hình hoạt động nhằm thay “chiếc áo đã chật và có thể tập trung hơn cho hoạt động đầu tư. Đây là tín hiệu tích cực trong thay đổi tư duy và chiến lược hoạt động.
Các nhà đầu tư có thể tham gia hoạt động PE bằng các hình thức: (1) thông qua quỹ đầu tư (các quỹ chuyên về PE hoặc các quỹ đóng có tỉ lệ phân bổ vốn PE), (2) đầu tư trực tiếp vào DN mục tiêu (3) mua lại Cty mục tiêu và dùng Cty mục tiêu tiếp tục mua lại các Cty mục tiêu khác. Trong đó, hình thức phổ biến nhất hiện nay vẫn là mua cổ phần chi phối (30% trở lên) tham gia hội đồng quản trị, hội đồng thành viên hoặc tham gia vào ban điều hành DN…
Một số vấn đề cần lưu ý khi đầu tư vốn tư nhân
Hoạt động PE được đặt trên cơ sở quan hệ đôi bên cùng có lợi. Bên được đầu tư được hỗ trợ về vốn, công nghệ, con người và kỹ năng quản lý và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều bên. Trước khi thực hiện giao dịch, các DN cần xác định rõ mục tiêu của việc bán cho đối tác chiến lược có phù hợp với mục tiêu và chiến lược dài hạn của Cty hay không.
Về lựa chọn đối tác, theo thống kê hoạt động của các quỹ PE trên thế giới, kết quả hoạt động của các quỹ có sự thống nhất với nhau. Các quỹ thành công trong quá khứ sẽ có khuynh hướng tiếp tục thành công trong tương lai và các quỹ PE lớn có hiệu quả hoạt động tốt hơn hẳn so với các quỹ nhỏ. Đây là điểm quan trọng mà các DN VN cần quan tâm khi lựa chọn đối tác chiến lược của mình.
Một trong những trở ngại lớn nhất hạn chế PE là tính minh bạch của các DN VN. Tinh thần cầu thị và cam kết tuân thủ và đảm bảo tính minh bạch sau khi “chốt giao dịch” cũng là trở ngại cần khắc phục để thu hút và giữ được dòng vốn đầu tư. Do tính minh bạch chưa cao nên các quỹ đầu tư hiện nay chỉ ưu tiên đầu tư vào các DN đầu ngành. Điều này làm tăng tính cạnh tranh giữa các NĐT trong cùng phân khúc và làm tăng chi phí vốn cho chính NĐT. Trong khi các DN nhỏ hơn có tiềm năng và động lực tăng trưởng lớn lại chưa thể tiếp cận được nguồn vốn đầu tư.
Để thu hút vốn PE thành công, DN cần xây dựng “thói quen” làm việc với các nhà tư vấn có uy tín, chuẩn bị sẵn sàng cho các thủ tục về điều nghiên pháp lý (legal due diligence) và điều nghiên tài chính (finance due diligence). Thay đổi tư duy về hợp tác và chia sẻ quyền lợi, mặc dù tỉ lệ sở hữu giảm đi nhưng tài sản sở hữu lại gia tăng và phát triển bền vững hơn cũng là điều đáng cân nhắc.
Các lĩnh vực tiềm năng cho hoạt động PE
Lĩnh vực bất động sản đang chịu nhiều áp lực, đặc biệt là áp lực về chi phí vốn, do lãi suất vay duy trì ở mức cao và trong thời gian dài. Ngoài ra, một số DN bất động sản đã phát hành trái phiếu chuyển đổi và dùng vốn trái phiếu để đầu tư vào các dự án bất động sản lớn. Do TTCK diễn biến bất lợi, thị giá cổ phiếu giảm xuống thấp hơn nhiều so với giá chuyển đổi, nhà phát hành sẽ chịu áp lực lớn khi các trái phiếu chuyển đổi đáo hạn. Để tránh áp lực trên, các DN sẽ bán tài sản hoặc chuyển nhượng dự án với mức giá thấp. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư có tiềm lực thâu tóm hoặc mua lại tài sản với mức giá chiết khấu cao. Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều NĐT đang tìm kiếm các dự án tốt để mua lại.
Do khó khăn chung của nền kinh tế, các DN sản xuất cũng gặp khó khăn về đầu ra. Trong khi chi phí đầu vào và chi phí vốn lại tăng mạnh. Các DN có chi phí cố định lớn là các đối tượng chịu nhiều tác động. Ngoài ra, do tính thanh khoản của các cổ phiếu ở thị trường giao dịch phi tập trung là thấp, trong khi nhà đầu tư cần vốn cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thoái vốn và buộc phải bán cổ phần của mình với mức chiết khấu cao so với giá trị tài sản ròng hoặc tiềm năng của DN. Điều này cũng tạo cơ hội cho các NĐT mới tham gia mua lại với mức chi phí vốn đầu tư thấp hơn so với việc thành lập DN mới.
Đầu tư vốn tư nhân (PE) là một trong các kênh đầu tư thay thế (Alternative Investments) quan trọng. PE được hiểu là hoạt động mua lại vốn cổ phần hoặc các loại tài sản có quyền chuyển đổi thành cổ phần của DN tư nhân, hoặc việc tài trợ vốn để mua lại cổ phần của DN niêm yết với kỳ vọng là sẽ hủy việc niêm yết trong tương lai. Mục đích của PE là nhằm có được quyền kiểm soát nhất định trong các hoạt động quản trị DN, sản xuất kinh doanh và thương mại nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, năng suất lao động cũng như sử dụng hiệu quả các nguồn lực khác đảm bảo cho sự phát triển của Cty trong dài hạn.