Về hiệu quả đầu tư, VF1 ghi nhận là “cánh chim đầu đàn” khi duy trì được tỷ lệ tăng trưởng giá trị tài sản ròng/chứng chỉ quỹ ở mức 21,04% trong 1 năm qua.
Cụ thể, giá trị tài sản ròng của Quỹ đạt 39.670 đồng/chứng chỉ quỹ vào 30/6/2018, trong khi 1 năm trước đó là 32.776 đồng/chứng chỉ quỹ.
Giữa năm 2016, tổng giá trị tài sản ròng của VF1 là 678 tỷ đồng, năm 2017 là 818 tỷ đồng, thì sang năm 2018 là 1.279 tỷ đồng. Ðây là tổng số tiền nhà đầu tư trong và ngoài nước “gửi” quỹ để chờ đợi cơ hội sinh lợi.
VF1 là quỹ thành công nhất trong mô hình quỹ mở tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện tại khi duy trì được tỷ suất tăng trưởng cao và theo đó là dòng tiền đầu tư mới vào Quỹ.
Nhiều “người anh em” trong ngành có kết quả không được tích cực. Chẳng hạn, Quỹ Ðầu tư lợi thế cạnh tranh bền vững (SSI-SCA) đang ghi nhận hiệu quả đầu tư suy giảm, khi giá trị tài sản ròng thời điểm hiện tại có tăng trưởng âm hơn 7% so với đầu năm 2018.
Ở Công ty Quản lý quỹ Eastpring Investments, Quỹ Ðầu tư năng động (ENF) hiện ghi nhận giá trị tài sản ròng trên 1 đơn vị quỹ là 18.487 đồng, thấp hơn đáng kể so với 22.281 đồng/chứng chỉ quỹ mà Quỹ ENF từng ghi nhận kể từ đầu năm.
Ðiểm mới tại Công ty này là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa chuẩn y việc Eastpring Investments “thay tướng”. Theo đó, người chính thức nắm quyền Tổng giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật tại Eastpring Investments là ông Ngô Thế Triệu, thay cho ông Nguyen Tuan Then An, từng đảm nhận vị trí này trong khoảng 3 năm qua.
Nhiều quỹ đầu tư có cách mời chào ấn tượng khi đưa ra tỷ lệ tăng trưởng giá trị tài sản ròng của quỹ so với thời điểm gốc. Tuy nhiên, mua chứng chỉ quỹ là nhà đầu tư mua theo thị giá và phải trả phí giao dịch trả cho công ty quản lý quỹ (từ 0,2 – 0,6% tùy theo giá trị đầu tư).
Theo đó, lời chào có thể hấp dẫn, nhưng bỏ tiền vào quỹ có lãi hay không, phụ thuộc vào việc trong kỳ (kể từ thời điểm nhà đầu tư góp vốn), công ty quản lý quỹ có đủ năng lực làm cho khoản đầu tư tăng trưởng hay không.
Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện có 39 quỹ. Nếu so với số công ty quản lý quỹ đang hoạt động (45 công ty) sẽ thấy, có những công ty quản lý quỹ không lập được quỹ nào để quản lý.
Trong khi quy mô thị trường chứng khoán lớn lên mạnh mẽ với vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 4 triệu tỷ đồng, bằng 80% GDP năm 2017, thì hình thái đầu tư qua quỹ chỉ được rất ít nhà đầu tư chọn lựa. Không phải các công ty quản lý quỹ không nỗ lực, mà thực tế cho thấy, đầu tư qua quỹ nhà đầu tư cũng không dễ kiếm lời. Ðây chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng trên.
Trong góc nhìn tương lai, Công ty Quản lý quỹ Việt Nam chia sẻ, các chính sách vĩ mô của Việt Nam đang hướng tới việc kéo dài thời gian tăng trưởng cao của nền kinh tế, nhưng việc lạm phát tăng trở lại có thể xem như chỉ báo đầu tiên cho việc thay đổi chu kỳ tăng trưởng kinh tế bên cạnh các chỉ báo khác.
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của năm 2018 có thể khả thi, nhưng mục tiêu tăng trưởng 2019 có thể sẽ thấp hơn khi Việt Nam phải đối diện với rủi ro do suy giảm động lực tăng trưởng và chịu những tác động bất lợi từ bên ngoài, đặc biệt là chính sách tăng lãi suất của Mỹ hay cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, chưa có hồi kết.
Ðể bảo toàn và sinh lợi trên thị trường chứng khoán, bài toán vẫn phụ thuộc chính vào năng lực và may mắn của từng nhà đầu tư.