Cùng với nhận định như trên, ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cũng khẳng định: “Đó là sự khởi đầu khá thuận lợi cho năm 2018 với những diễn biến đầy hứa hẹn trên mọi phân khúc bất động sản”.
Trên thực tế, yếu tố nước ngoài đối với thị trường bất động sản đang được xem xét như một “đòn bẩy” mới đối với thị trường nhà đất hiện nay. Theo ghi nhận của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong nửa đầu năm 2018 lĩnh vực bất động sản đứng thứ hai về lượng vốn FDI đăng ký đầu tư (5,54 tỷ USD), nhưng rút ngắn khoảng cách rất nhiều đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (7,91 tỷ USD).
Khối FDI tham gia vào thị trường chủ yếu qua các kênh đầu tư trực tiếp và mua bán sáp nhập “M&A”, đồng thời gần đây đẩy mạnh hoạt động đầu tư qua sàn chứng khoán. Với giá trị tương đương hơn 1 tỷ USD thu về từ IPO trong quý I/2018, thị trường ghi nhận dòng tiền đáng kể từ khối ngoại.
Các cổ phiếu bất động sản thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài bởi thị trường chứng khoán hỗ trợ tính thanh khoản rất tốt cho nhà đầu tư, dù thực tế vẫn còn nhiều quan ngại trong việc định giá doanh nghiệp. Bởi lẽ, quản trị tốt, hệ thống chuẩn mực kế toán cải tiến và thị trường chứng khoán ổn định luôn có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là với cổ phiếu bất động sản.
Trong khi đó, mức sinh lợi cao luôn là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư, khi so sánh thị trường Việt Nam với khu vực. Tỉ lệ lợi tức cho thuê trên tổng tài sản hợp lý, cùng với hệ số lãi vốn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận ở mức cao. Đồng thời, việc giảm thiểu tình trạng “rủi ro quốc gia” sẽ thu hút được lượng lớn vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam thông qua bất động sản, cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp.
Theo đánh giá của Savills, bên cạnh chất lượng tăng trưởng cải thiện của nền kinh tế Mỹ, phản ứng của các quốc gia đối với mức nới lỏng định lượng và đà tăng lãi suất của Fed là khá thú vị, có khả năng thúc đẩy một lượng vốn lớn vào thị trường bất động sản. Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nội địa, từ đó góp phần tạo dựng đà tăng trưởng của thị trường.
Thực tế, nền tảng thị trường nhà đất tại Việt Nam là khá vững. Tốc độ đô thị hóa cao, cùng những giải pháp đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng tại nhiều thành phố lớn, là những nhân tố có đóng góp quan trọng vào đà tăng trưởng nguồn cầu của thị trường bất động sản những năm gần đây.
Cùng lúc đó, hàng loạt chính sách mới có hiệu lực đã “cởi trói” cho hoạt động đầu tư, xây dựng, dẫn đến nguồn cung căn hộ đều đặn. Nhờ đó, thị trường tăng trưởng tương đối ổn định mà không gặp bất cứ bài toán “cung vượt cầu” đáng kể nào.
Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2013 – 2017, thị trường đã chứng kiến mức tăng giá trung bình khoảng 9%/năm ở phân khúc căn hộ tại TP.HCM.
Trong khi, cơ sở để nhà đầu tư đặt niềm tin vào tăng trưởng ổn định của thị trường là do giá bán căn hộ ở TP.HCM vẫn thấp hơn so với các thành phố khác, như Kuala Lumpur hay Bangkok, trong khi tốc độ phát triển ở TP.HCM lại cao hơn những thị trường này. Cụ thể, trong năm 2017, giá bán căn hộ cao cấp ở TP.HCM chỉ bằng khoảng 90% tại Kuala Lumpur (Malaysia) và xấp xỉ 20% tại Singapore.
Với 2018, nhu cầu nhà ở mạnh mẽ có khả năng sẽ tiếp tục tăng trưởng đến cuối năm, đặc biệt là khi thị trường tìm về mức giá trị hợp lý hơn, thỏa mãn nhu cầu sở hữu để ở hợp pháp. Theo đó, nguồn cung căn hộ mới tăng mạnh sẽ tác động đến tất cả phân khúc và đáp ứng nhu cầu của mọi nhóm khách hàng.
Mức giá bán trung bình trên bình diện rộng của thị trường dự kiến cũng sẽ tiếp tục tăng, nhưng với tốc độ chậm rãi hơn và đi liền với những dự án chất lượng…